Đức Thọ sau 3 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn II

Giá trị sản xuất không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân đầu người liên tục được cải thiện, hạ tầng cơ sở ngày càng khang trang sạch sẽ… Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH – HĐH giai đoạn 2006 – 2010 tiếp tục tỏa sáng, tạo nên một diện mạo mới trên khắp các làng quê ở Đức Thọ.

Một góc thị trấn Đức Thọ
Một góc thị trấn Đức Thọ

Theo ông Trần Hoài Đức – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Thường trực BCĐ xây dựng nông thôn mới giai đoạn II huyện Đức Thọ, sau 3 năm (từ 2007 đến 2009) triển khai chương trình, đến nay, bộ mặt nông thôn Đức Thọ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ trong 3 năm, toàn huyện đã bê tông hóa được 217km đường GTNT, bằng 35% tổng số đường giao thông được kiên cố hóa từ trước đến nay; 100% xã, thị trấn có điện lưới, 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% trường học các cấp được kiên cố hóa; hệ thống trạm y tế được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…

“Làm nên những thay đổi đó ,ngoài biết phát huy nội lực của người dân là sự tranh thủ, vận dụng tốt các nguồn lực từ bên ngoài để lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển của trung ương và của tỉnh. Để huy động được nội lực thì phải có tiềm lực. Và, tiềm lực đó chính là sự cải thiện trong thu nhập của các hộ dân trên cơ sở của nền móng phát triển kinh tế” – ông Đức nhấn mạnh thêm.

Là huyện lúa nên Đức Thọ luôn ý thức hàng đầu về vai trò của chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Tiền đề của quá trình đó đã được địa phương cụ thể bằng việc tập trung chuyển đổi ruộng đất lần hai (vừa hoàn thành trong năm 2009).

Đồng hành với chuyển đổi đất, Đức Thọ cũng đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: tiến bộ giống, tiến bộ kỹ thuật canh tác… Cùng với trồng trọt, Đức Thọ đã giành những quỹ đất thỏa đáng cho việc trồng cỏ để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Gần đây, kinh tế nông nghiệp Đức Thọ còn chứng kiến sự thành công của nhiều đối tượng nuôi trồng thủy sản mới.

Sự phát triển hài hòa giữa các ngành, nghề đó đã đưa giá trị thu nhập trên 1ha diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản từ 26,5 triệu đồng (năm 2006) lên 30 – 35 triệu đồng (năm 2009), góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 7,1 triệu đồng/người/năm (năm 2006) lên xấp xỉ 13 triệu đồng/người/năm (năm 2009); đặc biệt, địa phương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,5% xuống còn 7,25%.

Cùng với những đổi thay bề ngoài, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đức Thọ còn tạo nhiều giá trị tinh thần bên trong, đó là phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không ngừng phát triển với 243/243 thôn, xóm có hương ước, quy ước, 140/243 thôn, xóm có hội quán sinh hoạt, 21.200 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; công tác thông tin cơ sở được phổ cập với 100% xã, thị trấn được phủ sóng truyền hình, 100% xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh cơ sở; 100% xã có điện thoại; 100% xã có máy vi tính nơi công sở…

Đánh giá chung về 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn II, huyện Đức Thọ nhận thấy, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân đều có sự thay đổi lớn, riêng việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất đạt cao hơn 5 năm trước đó.

Tuy nhiên, đối chiếu với 33 tiêu chí của tỉnh thì số địa phương hoàn thành chưa phải đã cao (xã Tùng Ảnh, Trường Sơn về đích trước kế hoạch từ 1 – 2 năm; thị trấn Đức Thọ và xã Yên Hồ đang làm hồ sơ công nhận). Đối chiếu với Quyết định 491/QĐ – TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về bộ tiêu chí mới (19 tiêu chí) thì số xã đạt từ 6-8 tiêu chiếm 50% (14 xã), số xã đạt từ 9-12 tiêu chí chiếm 29% và số xã đạt trên 13 tiêu chí chiếm 21%. Trên cơ sở các phép so sánh đó cho thấy, Đức Thọ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đạt đến mục tiêu, hết năm 2010 có 20% số xã, thị được công nhận nông thôn mới giai đoạn II.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn II ở Đức Thọ, nhiều đại biểu là cán bộ, đảng viên lẫn các hộ dân đã thẳng thắn nhìn nhận hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn là BCĐ các cấp tuy thành phần khá đông nhưng hiệu quả hoạt động không cao do chủ yếu khoán trắng cho bộ phận thường trực (phòng NN&PTNT, ban nông nghiệp xã); thậm chí ở cơ sở còn không có người theo dõi, tham mưu, kiểm tra, chỉ đạo quá trình thực hiện. Đây không chỉ là tồn tại của riêng Đức Thọ mà còn là mẫu số chung của nhiều địa phương trong tỉnh.

Để chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, để diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn, Đức Thọ phải sớm khắc phục được tồn tại này mới có thể đưa con thuyền nông thôn mới về đích đúng hạn định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast