Chính quyền xã ngang nhiên lập trạm thu phí trái pháp luật

Hàng chục năm nay, người dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) và các doanh nghiệp vận tải phải chấp nhận đóng một khoản lệ phí cho xã mỗi khi chở đá hoặc cát đi ra từ các mỏ khai thác đá, cát trên địa bàn.

“Linh hoạt” trong thu phí

Hồng Lộc là xã bán sơn địa, ở đây có nguồn tài nguyên đá xây dựng tương đối lớn với 2 mỏ đá do Công ty cổ phần Núi Hồng và Công ty cổ phần Hoàng Anh Sơn quản lý và khai thác. Ngoài 2 mỏ đá trên, Hồng Lộc còn có một mỏ cát sạch với trử lượng hàng trăm ngàn m3. Mỗi năm, người dân trong vùng và 2 công ty trên khai thác hàng trăm nghìn m3 đá, cát phục vụ các công trình xây dựng trong huyện Lộc Hà và vùng phụ cận. Tuy nhiên, mỗi m3 đá được khai thác từ các mỏ Hồng Lộc khi đến được chân công trình ngoài các khoản chi phí như: tiền đá, thuế tài nguyên, phí vận chuyển, . .. còn phải “cõng” thêm 10.000 đồng/m3 "phí tài nguyên". Anh Đào Xuân Chín (xã Thạch Bằng) - lái xe chở đá bức xúc, cho biết: “Tôi từng chạy xe chở đá ở rất nhiều mỏ đá trong tỉnh nhưng chưa bao giờ thấy có sự lạ đời như ở đây. Xe vừa chạy ra khỏi mỏ đã bị “cán bộ” chặn lại thu thêm 60.000 đồng (xe chở 6 khối đá), mặc dù đá chúng tôi mua tại mỏ đã được đóng thuế, phí tài nguyên đầy đủ”. Anh Hoàng Văn Hải - phụ trách mỏ đá Núi Hồng cho biết: “Để tổ chức khai thác đá, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục và đóng các loại thuế tài nguyên, phí môi trường theo qui định của Nhà nước, nhưng không hiểu sao chính quyền xã Hồng Lộc còn thu thêm của các khách hàng vào mua đá ở đây thêm 10.000 đồng/m3. Điều này đã gây khó khăn trong việc kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy giá thành vật liệu xây dựng trong khu vực tăng lên rất nhiều”.

Các xe chở đá, đất, cát đều phải dừng lại các trạm để nộp "lệ phí tài nguyên" cho xã.

Các xe chở đá, đất, cát đều phải dừng lại các trạm để nộp "lệ phí tài nguyên" cho xã.

Tại chốt gác cách trú sở UBND xã Hồng Lộc khoảng 500m, chúng tôi thấy một số người dân vận chuyển xe bò lốp đầy cát đang dừng lại để nộp lệ phí. Tuy nhiên, cùng một loại xe nhưng được thu 2 mức phí khác nhau là 5.000 đồng và 3.000 đồng. Đem thắc mắc hỏi vị “cán bộ” thu phí thì được giải thích: xe của người trong xã chúng tôi thu 3.000, người ngoài xã thu 5.000.

Đấu thầu thu phí tài nguyên?!

Hàng chục năm nay, người dân xã Hồng Lộc và các doanh nghiệp vận tải phải chấp nhận đóng một khoản ''lệ phí tài nguyên" cho xã mỗi khi chở đá hoặc cát từ đi ra từ các mỏ khai thác đá, cát trên địa bàn. Việc thu phí được UBND xã tổ chức đấu thầu công khai ngay từ đầu năm và được đưa vào nghị quyết hội đồng hàng năm. Hội đồng đấu thầu thu phí tài nguyên do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và các thành viên từ thường trực đảng uỷ đến các ban, ngành đoàn thể cấp xã. Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Hằng năm, chúng tôi tổ chức đấu thầu thu phí tài nguyên rộng rãi, công khai và đúng luật. Năm 2009, có 5 cá nhân tham gia đấu thầu và một người trúng thầu với giá 200 triệu đồng. Số tiền này đươc nộp vào chi cục thuế huyện Lộc Hà”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem hợp đồng đấu thầu và các chứng từ nộp thuế thì ông chủ tịch xã nói rằng hợp đồng lưu trong máy vi tính mà hiện tại đang mất điện nên không thể cung cấp cho nhà báo được?! sau đó chúng tôi rất nhiều lần liên lạc với ông chủ tịch nhưng ông đều lấy cớ bận họp, không tiếp.

Biên bản hội nghị đấu thầu tài nguyên năm 2009 với giá trúng thầu 547 triệu đồng

Biên bản hội nghị đấu thầu tài nguyên năm 2009 với giá trúng thầu 547 triệu đồng

Trao đổi với chúng tôi về việc UBND xã Hồng Lộc ra nghị quyết HĐND thu phí tài nguyên, ông Nguyễn Trọng Nhiệu – Phó Trưởng ban pháp chế HĐND tỉnh cho biết: “Đối với các khoản thu phí và lệ phí do HĐND tỉnh hoặc cấp Trung ương ban hành. Các cấp huyện, cấp xã không được phép ra nghị quyết thu thêm bất cứ một khoản phí, lệ phí nào khác. Nếu xã Hồng Lộc có ra nghị quyết về thu phí tài nguyên là trái với qui định pháp luật”

Qua tìm hiểu, thực tế giá trúng thầu của năm 2009 không như ông chủ tịch báo cáo mà lớn hơn rất nhiều. Ông Phan Văn Lĩnh – Bí thư đảng uỷ xã cho biết: “Việc đấu thầu thu phí tài nguyên được đưa vào nghị quyết hội đồng hàng năm. Ngày 1-3-2009, hội nghị đấu thầu xã được tổ chức và ông Trần Văn Tiệu ở xóm 4 đã trúng thầu với giá 547 triệu đồng và ông Tiệu đã nộp tiền cho xã ngay sau khi trúng thầu. Số tiền trên xã đã nộp vào kho bạc huyện Lộc Hà và chi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc thu phí này chúng tôi đã thực hiện từ hàng chục năm nay mà có thấy ai có ý kiến gì đâu?”.

Việc xã Hồng Lộc xã lập trạm thu phí tài nguyên trái qui định của pháp luật từ nhiều năm nay với số tiền bao nhiêu? được chi như thế nào? đề nghị các cơ quan chức năng huyện Lộc Hà sớm làm rõ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast