Mục tiêu vươn tới 100 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của Hà Tĩnh là 100 triệu USD. Trong bối cảnh nền kinh tế trong, ngoài nước đang suy giảm, cộng thêm những khó khăn nội tại từ các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh thì đây không thể nói là một mục tiêu dễ dàng...

Gia công may xuất khẩu tại Cty CP May Hà Tĩnh

Gia công may xuất khẩu tại Cty CP May Hà Tĩnh

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh hiện vẫn là dăm gỗ, cao su, chè, tinh bột sắn, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, vật liệu xây dựng… Chưa có sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn, đột phá về kim ngạch.

Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện đề án xuất khẩu đã được tỉnh, các ngành, địa phương triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động xuất khẩu tỉnh ta vẫn chưa có đột phá, sản phẩm xuất khẩu vẫn là những sản phẩm cũ, nghèo nàn, giá trị thấp, thị trường xuất khẩu vẫn xoay quanh các thị trường truyền thống...

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của Hà Tĩnh là 100 triệu USD. Có thể nói, đây là mục tiêu chẳng hề dễ dàng, bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Sự sụt giảm này đồng nghĩa thị trường ngoài nước cho các sản phẩm nội địa cũng sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Trong khó khăn chung, hoạt động xuất khẩu ở Hà Tĩnh còn gặp những khó khăn riêng bắt nguồn từ những yếu tố nội tại. Cụ thể, khoáng sản vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang bị cắt giảm bởi chính sách hạn chế xuất khẩu quặng thô.

Thuỷ sản, lâm sản là những mặt hàng chịu nhiều biến động về giá cả, về nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Tĩnh chủ yếu là xuất khẩu uỷ thác, xuất khẩu ký gửi nên lợi nhuận không cao và nguồn thu đóng góp cho ngân sách địa phương cũng rất khiêm tốn.

Một hạn chế nữa trong công tác xuất khẩu năm nay nữa là vốn hấp thụ trong sản xuất kinh doanh thấp, hàng hóa ứ đọng, sản phẩm không lưu thông ra thị trường nên các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, không đủ vốn để nhập khẩu vật tư, nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập chưa đủ vốn và công nghệ để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng để kích thích xuất khẩu và để thúc đẩy sản xuất thì trong đề án xuất khẩu của Hà Tĩnh năm nay cũng cần phải tính tới cả yếu tố nhập khẩu. Bởi nhập khẩu và xuất khẩu là 2 lĩnh vực có mối quan hệ biện chứng và xét cho cùng thì thúc đẩy nhập khẩu hay xuất khẩu cũng không ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách.

Mặt khác, thị trường là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu. Lâu nay, hàng hóa xuất khẩu của Hà Tĩnh chủ yếu đang tập trung ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Bởi vậy, tận dụng thời cơ tìm kiếm và khai thác cơ hội tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Đông Âu, Nam Mỹ… nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như lâu nay.

Hà Tĩnh là địa phương có nhiều sản phẩm được xem là đặc sản và dĩ nhiên đây cũng là những thế mạnh về xuất khẩu. Thế nhưng, việc ưu tiên nguồn lực để phát triển thế mạnh sản phẩm, tạo cho sản phẩm những ưu thế thế rõ rệt trong cạnh tranh xuất khẩu lại đang là vấn đề cần phải quan tâm.

Một ví dụ: năm 2012 có hơn 1000 tấn thuỷ sản đông lạnh được các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu, thế nhưng nguồn nguyên liệu thu mua từ người nông dân Hà Tĩnh lại chiếm một tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng vài chục phần trăm, số còn lại phải thu mua ở các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu chưa thể nói là đã thông thoáng, quan điểm đồng hành và đối thoại với doanh nghiệp của các ngành chức năng chưa thể coi là đã thực sự cởi mở.

Trong bối cảnh hiện tại, 100 triệu USD kim ngạch xuất khẩu cho năm nay không phải là mục tiêu dễ dàng. Hoàn thành hay không hoàn thành phụ thuộc vào sự nhập cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cả trên lĩnh vực thương mại lẫn sản xuất.

Và, trong khi đang chờ đợi những sản chủ chốt như gang thép, lọc hóa dầu… từ Khu kinh tế Vũng Áng thì ưu tiên trước mắt vẫn phải là tập trung chăm lo cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như: gỗ, cao su, chè nông sản, thuỷ sản, khoáng sản.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast