Được tác chiến thực tế ở Syria, Su-30SM “đắt như tôm tươi”

“Khả năng tác chiến của Su-30SM đã được nâng lên nhiều lần. Su-30SM có khả năng phát hiện và tiêu diệt cùng một lúc nhiều mục tiêu khác nhau. Hỏa lực của Su-30SM hoàn toàn có thể bằng hỏa lực của hai máy bay thế hệ trước cộng lại”.

Sau khi các khả năng của tiêm kích đa năng Su-30SM được kiểm nghiệm thực tế tại chiến trường Syria, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua thêm 30 siêu tiêm kích này để trang bị cho lực lượng Không quân-Vũ trụ (VKS).

Được tác chiến thực tế ở Syria, Su-30SM “đắt như tôm tươi” ảnh 1
Bộ Quốc phòng Nga tậu thêm 30 tiêm kích Su-30SM

Theo các thông tin do Bộ Quốc phòng Nga mới công bố, lực lượng VKS của Nga sẽ nhận được khoảng 30 tiêm kích đa năng Su-30SM. Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách mảng vũ khí Yuri Borisov mới đây đã ký kết hợp đồng dài hạn với Tập đoàn vũ khí “Irkut” để mua số tiêm kích nói trên.

“Theo các điều khoản trong hợp đồng đã được ký kết, đến cuối năm 2018, VKS sẽ nhận được khoảng hơn 30 tiêm kích đa năng Su-30SM”- trang web của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin nào về trị giá của hợp đồng này mà Bộ Quốc phòng Nga chỉ khẳng định rằng thời hạn thực hiện hợp đồng là hai năm, từ 2016-2018.

Trước đó, tiêm kích đa năng thế hệ 4++ đã được cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga từ cuối năm 2012 để trang bị cho lực lượng VKS và lực lượng Hải quân Nga.

Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Nga, dự kiến đến năm 2020, trong thành phần không quân của Hải quân Nga, các máy bay Su-30SM sẽ thay thế cho toàn bộ máy bay ném bom đã lạc hậu là Su-24.

Hồi tháng 9/2015, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov cũng đưa ra tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng Nga đang triển khai thực hiện hợp đồng có thời hạn 3 năm về việc mua “khoảng 20-25 máy bay Su-30SM mỗi năm”.

Việc ký kết hợp đồng sẽ được thực hiện sau khi Quốc hội Nga công bố ngân sách dành cho quốc phòng. Đến tháng 3/2016, Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách tài chính Tachiana Shevtsova khẳng định rằng cho dù ngân sách quốc phòng Nga năm 2016 bị cắt giảm 5% nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng tài chính được sử dụng để mua sắm vũ khí và trang thiết bị cho quân đội.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định sẽ ký hợp đồng mua khoảng 30 tiêm kích đa năng Su-30SM với Tập đoàn “Irkut” (trước đó dự kiến mỗi năm mua từ 20-25 tiêm kích loại này).

Được biết, tiêm kích đa năng siêu cơ động Su-30SM là phiên bản đã được cải tiến của dòng Su-30MK (phiên bản thương mại dành cho xuất khẩu).

Su-30SM được cải tiến theo các yêu cầu của Không quân Nga đối với các bộ phận radar, liên lạc vô tuyến điện, chức năng nhận dạng, ghế phi công và một loạt các hệ thống đảm bảo khác.

Được tác chiến thực tế ở Syria, Su-30SM “đắt như tôm tươi” ảnh 2

Những khả năng tác chiến của Su-30SM đã được kiểm nghiệm rõ nét sau thời gian thực hiện chiến dịch không kích lực lượng IS ở Syria vừa qua.

Tác chiến ở Syria, Su-30 đã thể hiện đây là mẫu tiêm kích hiệu quả, hoạt động tốt và chưa từng xảy ra bất cứ sự cố nào.

Mẫu tiêm kích Su-30SM hai chỗ ngồi có khả năng cơ động rất cao, được trang bị radar với các thanh anten mạng pha, động cơ có sử dụng các vecto điều khiển lực.

Những thông tin chi tiết về các đặc tính kỹ-chiến thuật của Su-30SM không được nhà sản xuất công bố vì đây là loại máy bay được cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga.

Nhà sản xuất chỉ tiết lộ thông tin rằng tiêm kích này có khả năng sử dụng các loại vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao như “không đối không”, “không đối đất”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thiếu tướng Aleksandr Kharchevsky là sỹ quan cao cấp nhất lái chiếc Su-30SM đầu tiên (không tính các phi công lái thử).

Aleksandr Kharchevsky sau khi lái Su-30SM đã có những nhận xét rất tích cực về mẫu máy bay này: “Khả năng tác chiến của Su-30SM đã được nâng lên nhiều lần.

Su-30SM có khả năng phát hiện và tiêu diệt cùng một lúc nhiều mục tiêu khác nhau. Hỏa lực của Su-30SM hoàn toàn có thể bằng hỏa lực của hai máy bay thế hệ trước cộng lại”.

Đặc tính vượt trội khác của Su-30SM, theo Aleksandr Kharchevsky, là việc Su-30SM không chỉ có khả năng bay theo cách truyền thống (đạn dược được trang bị kiểu cũ) mà còn có khả năng cơ động cực cao nhờ việc phi công có thể thiết lập được đường bay theo định dạng 3D.

Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giành chiến thắng trong một trận chiến trên không.

Còn theo các nguồn thông tin mở, Su-30SM được trang bị động cơ AL-31FP, loại động cơ phản lực turbin modul hai ống do Nga sản xuất.

Động cơ này giúp tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Ngay cả khi không được tiếp dầu và không có thùng nhiên liệu được gắn ở giá treo, Su-30SM vẫn có khả năng bay đến 3 nghìn km. Su-30SM cũng được trang bị hệ thống mới BINS-SP2 cho phép phi công tự định hướng trong trường hợp không nhận được các tín hiệu từ các hệ thống định vị.

Điểm hạn chế của Su-30SM so với các máy bay tiêm kích thế hệ 5 như T-50 của Nga hay F-22 của Mỹ là việc Su-30SM không được trang bị công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là Công nghệ Stels.

Quá trình tác chiến thực tế tại Syria cho thấy Su-30SM còn có thể được sử dụng để huấn luyện cho phi công chuẩn bị lái các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới nhất.

Trước đó, Tư lệnh lực lượng Phòng không và Không quân Belarus, tướng Oleg Dvigalev đã tuyên bố rằng đến cuối năm 2020, Quân đội Belarus dự định sẽ mua số lượng nhất định (không tiết lộ số lượng cụ thể) Su-30SM của Nga.

Nguồn tin từ Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga cũng tiết lộ với hãng thông tấn Ria Novosti rằng trong năm 2016, Iran có thể sẽ ký kết các hợp đồng mua Su-30SM của Nga.

Theo Đào Cảnh/infonet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast