Các chính trị gia Anh tranh cãi nảy lửa về đi hay ở lại EU

Ngày 14/6, các chính trị gia hàng đầu tại Anh đã có cuộc tranh cãi nảy lửa phát trực tuyến trên mạng Internet xung quanh vấn đề quốc gia này nên ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang xáo trộn trước việc phe ủng hộ rời EU (còn gọi là Brexit) đang gia tăng nhanh.

cac chinh tri gia anh tranh cai nay lua ve di hay o lai eu

Logo kêu gọi cử tri bỏ phiếu ở lại EU tại khu vực ngoại ô Newry, Bắc Ireland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong cuộc tranh luận gay gắt phát trên kênh Youtube, các chính trị gia ủng hộ xu hướng đưa Anh ra khỏi EU phủ nhận mọi nguy cơ kinh tế nếu Brexit xảy ra và cho rằng chính những quy định chung của EU đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nước này.

Cựu Thị trưởng London, đồng thời cũng là thủ lĩnh của phe Brexit, Boris Johnson khẳng định mô hình liên minh đang tạo điều kiện cho nạn quan liêu, tham nhũng phát triển và góp phần gây khủng hoảng kinh tế.

Phe ủng hộ Brexit cũng đưa ra viễn cảnh về một nước Anh "bất lực" trước làn sóng hàng trăm nghìn người di cư tràn vào quốc gia này mỗi năm khiến hệ thống dịch vụ công bị quá tải nếu nước Anh còn tiếp tục ở lại "ngôi nhà chung."

Vấn đề chính trị nổi cộm tại Anh từ nhiều năm nay này cũng là mũi nhọn mà phe ủng hộ Brexit nhắm vào để củng cố cho lập trường của mình.

Trong khi đó, những chính trị gia ủng hộ giữ Anh ở lại EU thì phản bác rằng việc tồn tại trong một liên minh thống nhất sẽ giúp người dân Anh được bảo vệ về mặt xã hội và việc làm, hơn nữa còn cho phép nước Anh tiếp cận thị trường chung với 500 triệu người dân của EU. Phe "ở lại" cũng khẳng định EU mang lại "hòa bình và ổn định" cho châu Âu.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Anh cũng cảnh báo viễn cảnh Brexit sẽ gây ra những hậu quả đe dọa trực tiếp tới ngân sách nhà nước và khiến tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công là điều không thể tránh khỏi.

Bộ trưởng Tài chính Geogre Osborne cho biết các khoản ngân sách dành cho đào tạo, y tế và quân đội sẽ bị cắt giảm mạnh nếu Anh rời EU.

Một loạt những hoạt động bị ảnh hưởng, các khoản đầu tư giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ gia đình, cũng như nền kinh tế quốc gia khi Bộ Tài chính Anh phải viện tới các biện pháp như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công để tái ổn đinh hệ thống tài chính công và cân đối lại ngân sách có thể thiếu hụt tới 30 tỷ bảng nếu kịch bản Brexit xảy ra.

Ngày 23/6, người dân Xứ sở Sương mù sẽ đi bỏ phiếu quyết định tương lai của quốc gia tại EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Càng đến sát ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý, tỷ lệ người dân Anh ủng hộ nước này rời EU càng tăng nhanh và khiến Thủ tướng Anh David Cameron lo ngại. Hiện vẫn còn khoảng gần 10% cử tri Anh vẫn do dự, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho phe nào./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast