Mùa Vu lan

Tháng 7 về, lại thêm một mùa Vu lan. Lòng người như trở nên tĩnh lặng. Tĩnh lặng để nhớ về công ơn sinh thành của mẹ, của các bậc tổ tiên. Với những ai đang còn mẹ, đây là dịp để càng biết yêu thương mẹ nhiều hơn...

Tháng 7 tĩnh lặng lòng người. Mọi bước chân lại chộn rộn tìm về “nơi chôn rau cắt rốn”. Và trong những dòng người ấy, đều nặng trĩu tình hiếu tử. Chị Nguyễn Thị Hải Điệp, một người con của Hà Nội, tình cờ tôi gặp trên chuyến xe từ Hà Nội về Hà Tĩnh chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, dù bận đến mấy chị cũng phải sắp xếp thời gian để cùng chồng về quê. Chồng chị quê Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên). Trước đây, bố mẹ anh ấy ra Hà Nội công tác và sống luôn ở Hà Nội. Tuy nhiên, mồ mả các cụ đều ở trong quê. Giờ ông bà già yếu, đi lại khó khăn nhưng lòng lúc nào cũng nghĩ về quê. Bọn chị về lễ Vu lan như thế này ông bà mới yên lòng.

Chùa Phổ Độ cài bông hoa màu hồng cho những phật tử đang còn mẹ tới dự lễ Vu lan
Chùa Phổ Độ cài bông hoa màu hồng cho những phật tử đang còn mẹ tới dự lễ Vu lan

Người già, trẻ nhỏ, người đã có gia đình, người thì chưa; có người có điều kiện để về quê; có người lại không, nhưng tất cả đều trĩu nặng lòng mình trong mùa Vu lan này.

Em Nguyễn Hoài Đức, quê ở Thạch Hương (Thạch Hà) tâm sự: Thanh niên bọn em chưa trải đời nhiều nên nhiều lúc cạn nghĩ. Những dịp lễ như thế này nhắc nhở về tình hiếu tử cho chúng em rất nhiều. Em đang công tác ở Hà Nội. Cách đây mấy hôm, em đi chùa cùng bạn. Em đã được cài chiếc hoa màu hồng. Chưa lúc nào em nghĩ chiếc hoa màu hồng lại làm em mủi lòng đến thế. Và em đã về thăm mẹ…

Theo lời các thầy sư kể, Lễ Vu lan xuất xứ từ kinh Phật thuyết Vu lan bồn. Theo kinh này Phật có dạy ngài Mục Kiền Liên rằng: "Là đệ tử của Phật tu hành đạo hiếu thảo, các con phải thường nhớ nghĩ cúng dường cha mẹ mình. Hàng năm, nhằm ngày Rằm tháng Bảy các con phải sinh lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đời này cũng như cha mẹ trong bảy đời quá khứ mà cử hành pháp hội Vu lan, cúng dường chư Phật và chư Tăng để báo đáp ân đức mà cha mẹ đã nuôi dưỡng mình". Ngài Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật, thiết trai cúng dường mười phương tăng chúng, hồi hướng công đức về cho mẹ mình ở dưới địa ngục, khiến bà được thoát thân ngạ quỷ, vãng sinh tịnh độ.

Kinh kể lại rằng ngài Mục Kiền Liên dùng sức mạnh thần thông của cá nhân mình để thử cứu mẹ mình ở địa ngục mà thất bại. Do đó, muốn cứu độ chúng sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, mình cần phải nhờ tới đạo lực của tập thể chư Tăng, những vị chân thật tu hành. Xưa kia, vào rằm tháng tư, đức Phật và chư Tăng kiết hạ (nghĩa là an trụ một chỗ để tu hành, không ra ngoài khất thực để tránh phải dẫm lên côn trùng sâu bọ sinh sản đầy đẫy vào mùa mưa). Rằm tháng Bảy là ngày cuối cùng của mùa hạ, Phật và chư Tăng tề tựu để tụng giới, thuyết pháp. Bấy giờ, chư Tăng sẽ dùng đạo lực thanh tịnh của mình để hồi hướng về chúng sinh đang chiụ thống khổ trong cõi dưới.

Mỗi quốc gia đều tổ chức lễ Vu lan khác nhau. Tại Việt Nam, ngay từ đầu Công nguyên, đạo Phật được ghi nhận đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Giáo lý Phật đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. 21 thế kỷ qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, là lễ Vu lan.

Tại Hà Tĩnh, truyền thống Vu lan đều được mỗi gia đình coi trọng. Có người vừa tổ chức ở chùa, vừa tổ chức ở nhà thờ họ và cả ở nhà; có người chỉ tổ chức ở nhà thờ họ; có người lại vừa tổ chức ở nhà thờ họ, vừa ở nhà. Đặc biệt, những năm gần đây, đạo phật phát triển. Các ngôi chùa trên địa bàn đều tổ chức lễ Vu lan, cho mùa báo hiếu càng trở nên ý nghĩa hơn.

Chị Nguyễn Thị Vân, ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) cho biết: Từ khi có chùa Phổ Độ, lễ Vu lan càng thêm ý nghĩa. Năm nay, có đến hàng ngàn lượt người từ các nơi đổ về chùa để dự lễ Vu lan. Ngoài làm lễ báo hiếu cho ông bà tổ tiên, những người đến chùa còn được nghe các thầy giảng về ý nghĩa của lễ Vu lan. Để từ đó, những ai còn mẹ còn biết yêu quí mẹ mình nhiều hơn…

Một mùa Vu lan nữa lại về. Thêm một lần được cài bông hoa màu hồng bên ngực áo, lòng tôi lại nghĩ về câu hát của cố nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ:

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu

Rồi nói với mẹ rằng “mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?”

Biết gì? “Biết là, biết là, con thương mẹ không?”

Đóa hoa màu hồng còn cài lên áo đó anh

Đóa hoa màu hồng còn cài lên ái đó em

Thì xin anh, thì xin em

Hãy cùng nhau vui sướng đi…”.

Chữ hiếu không phải chỉ là một ngày, một mùa mà nó miên viễn trong lòng tất cả chúng ta..

Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nhà Phật không dạy mọi người việc đốt vàng mã để cúng những người đã mất. Đây là điều mê tín và rất lãng phí. Đạo Phật luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại.

Lễ Vu lan là dịp để mọi người nhìn lại chính mình, nhìn lại những việc đã làm để báo hiếu trước công đức sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà. Cha mẹ vất vả sinh thành ra chúng ta sau 9 tháng 10 ngày. Cha mẹ không quản ngại công sức chăm sóc khi chúng ta ốm đau, khi chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên, học hành… để chúng ta mới được như ngày hôm nay. Khi khỏe mạnh, cha mẹ thường không mong các con cái giúp đỡ mình; nhưng khi già yếu hoặc ốm đau, cha mẹ rất cần sự quan tâm của con cái. Những lúc đó, các cụ rất hay suy nghĩ và tủi thân nếu con cái không chăm sóc, thăm hỏi kịp thời. Những ai còn cha mẹ đang sống trên đời thì nên làm nhiều hành động hiếu nghĩa, kẻo khi cha mẹ mất đi thì không còn cơ hội đền đáp.

Thay vì chuẩn bị những đồ vàng mã đắt tiền để hóa trong dịp lễ Vu lan, mọi người nên có những hành động thực tế chăm sóc tới sức khỏe, giấc ngủ của cha mẹ. Với những ai không còn cha mẹ trên đời, nên dành thời gian làm việc thiện, giúp người nghèo trong xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast