Một người nhả khói vạn người say...

Thuốc lào, nước chè là thói quen truyền thống của người nông dân Việt Nam. Nó là nét đặc trưng riêng của văn hóa làng xã. Thế nhưng "bắn" thuốc lào, "hớp" nước chè, hiện đang là mốt thời thượng của nhiều thanh niên Hà Tĩnh...

Nước chè, thuốc lào di cư lên phố

Nơi "tập kết" chính của thuốc lào, nước chè là dãy phố dọc đường Phan Đình Phùng kéo dài và rải rác trên một số đường thuộc thành phố Hà Tĩnh như Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Trần Phú...

vô tư nhả khói
vô tư nhả khói

Nắm bắt được thú vui mới của lớp trẻ, từ đầu hè, hàng trăm người dân đã đua nhau mở quán. Từ 8 – 11 giờ tối, cả con đường trở nên chật cứng. Đặc biệt, vào những ngày nghỉ cuối tuần, người, xe đông nghịt, không còn lối qua lại.

Chị Yến, một người kinh doanh nước chè ở đường Phan Đình Phùng, cho biết: “Khách ở đây toàn là thanh niên cả. Mọi khi bầy tui (chúng tôi) bán ở trước cổng ngân hàng, đến khi họ cấm mới chuyển lên đây. Bữa mô đông thì lãi được trăm, trăm rưỡi, bình thường đêm cũng được vài chục ngàn”.

Khoảng 8 giờ tối. Một toán thanh niên ngồi xếp bằng trên chiếu, một người giơ tay vẫy bà chủ. Chị Yến đưa ra một đĩa xoài lớn, một đĩa hướng dương, mấy ly nước chè và hai cái điếu. Từng người một vê thuốc cho vào nõ, châm điếu chuyền tay nhau "rít" và cùng xả khói. Hơi khói xám xịt quyện vào không trung, phả vào mặt nghe đặc quánh mùi hăng hắc, nồng nồng.

Trời vừa chập choạng, các bà hàng nước đã tất bật soạn sửa hàng hóa. Mấy ông chồng phụ vợ quét dọn, xách từng xô lớn nước chè, nước nhân trần. Hai bên vỉa hè, bàn ghế, ly chén, chiếu, điếu,… bày la liệt.

Nhấp ngụm chè đá, mấy chàng thanh niên gật gù, cười khà khà ra vẻ đắc ý. 8h30 (tối) cả con phố đã chật ních người. Hai bên lề, xe máy xếp thành dãy dài, những người đến sau, lượn lờ cố tìm chỗ chen chân. Trên đoạn đường gần 2km, khói thuốc lào, khí thải xe máy, tiếng động cơ, tiếng cười nói hòa lẫn với tiếng "rít" điếu cày... tạo nên một thứ âm thanh ồn ào, hỗn độn.

Hằng đêm, phố nước chè trên đường Phan Đình Phùng là điểm gặp gỡ, hẹn hò, trò chuyện phiếm của hàng ngàn nam thanh, nữ tú.

Vui chơi thoải mái, giá cả phải chăng

V.A.H, sinh viên trường ĐH xây dựng Hà Nội, cho biết: “Về nghỉ hè mấy người bạn gọi đi thưởng thức món lạ, không ngờ là nước chè Phan Đình Phùng. Một đoạn gần 2km mà đặc kín người ngồi, mới đầu nhìn cũng “choáng”. Đi mấy lần đâm nghiện. Nước chè mát mà lại rẻ, vô cafe bị “cắt cổ” nói chuyện không lại không thoải mái. Sinh viên ri là hết ý, không đi đúng là phí".

giết thời gian bằng những đêm thế này
giết thời gian bằng những đêm thế này

Theo lời H thì giá của thuốc lào, nước chè chỉ từ 1-2 ngàn đồng/điếu và 1 - 2 ngàn đồng/ly tùy theo địa điểm của quán, nhưng đa số giá chung là 1.500 đồng. Có lẽ, vì thế mà gần đây, hàng trăm quán nước chè đua nhau mọc lên khắp phố phường thành phố Hà Tĩnh.

So với hè năm trước thì năm nay, mật độ giới trẻ thi nhau “bắn” thuốc lào tại các quán đã giảm nhiều. Song lướt qua một lượt, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư ôm điếu quây tròn trên chiếu, chủ quán hăng hái chạy lui tới phục vụ đèn điếu cho thượng đế.

"Đánh cắp” mỹ quan đô thị

Từ khi trở thành "điểm nóng" của thuốc lào, nước chè, khu phố đường Phan Đình Phùng đã mất đi cái nhìn thiện cảm của không ít du khách và người dân địa phương.

Hình ảnh những gương mặt học trò, ngả nghiêng, chúm tròn miệng phì phì nhả khói ngay trên vỉa hè là một hình ảnh không đẹp, thiếu văn minh trong mắt người qua lại. Chứng kiến cảnh hàng trăm thanh niên ngồi ôm điếu cày lờ mờ “phê” thuốc, nhiều người phải lắc đầu ngao ngán.

Vỉa hè thành... vỉa khói!

Vỉa hè thành... vỉa khói!

Khói thuốc lào hết sức độc hại thế nhưng hàng trăm thanh niên vẫn cố tình phớt lờ sức khỏe bản thân và cộng đồng, xem đó là thú ăn chơi lành mạnh, thoải mái, rẻ tiền. Mấy ai nhận thấy rằng nét văn hóa nông thôn Việt Nam đang dần bị mai một, mỹ quan đô thị bị “đánh cắp”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast