Kinh tế Nga 'hắt hơi', láng giềng cũng 'sổ mũi'

"Làm việc ở Nga giờ không còn như trước nữa", một lao động người Tajikistan nói về khó khăn khi kinh tế Moscow giảm sút.

Bảng hiển thị tỷ giá đổi đồng rúp lấy USD và EUR ngày 21/1. Ảnh: AP

Bảng hiển thị tỷ giá đổi đồng rúp lấy USD và EUR ngày 21/1. Ảnh: AP

Trước khi rời Nga vào cuối năm 2014, Sindhuja Rizayev kiếm được 40 USD mỗi ngày khi làm công nhân xây dựng. Sau đó, ông chủ của anh quyết định không gia hạn hợp đồng, Rizayev đành trở về quê nhà ở Tajikistan, quốc gia từng thuộc Liên Xô.

Giờ đây ông bố 31 tuổi đang nuôi một đứa con, kiếm được khoảng 6-7 USD một ngày nhờ bán đồ lặt vặt như pin ở thủ đô Dushanbe.

"Thế này cũng tạm đủ sống", Rizayev nói.

Theo Reuters, sự sụt giảm giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất 12 năm trở lại đây đã làm tê liệt nền kinh tế Nga. Điều này khiến GDP nước này giảm tới 4%, trong khi giá trị của đồng rúp đã mất giá gần 60% so với đồng USD kể từ giữa năm 2014.

Các quốc gia nhỏ trước đây thuộc Liên Xô cũng chịu những tác động lớn từ việc giá dầu giảm. Tại Azerbaijan, nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong khoảng một thập kỷ trước nhờ sự bùng nổ giá dầu, thì giờ đây cảnh sát nước này phải dùng vũ lực để ngăn chặn các cuộc biểu tình do đời sống khó khăn.

Nhưng đối với người dân ở các nước không có dầu, sự khó khăn còn nghiêm trọng hơn nhiều. Họ vốn đã nghèo từ trước, và giờ càng khốn khó khi không có những đồng đôla dầu mỏ dự trữ để chống đỡ suy thoái và tác động của đồng rúp rẻ.

Việc giá dầu tụt dốc còn ảnh hưởng đến các nước khác như Tajikistan, Moldova, Belarus và Armenia. Đồng tiền của Kyrgyzstan đã giảm 22,4% giá trị so với đồng USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Georgia chưa bằng một nửa năm ngoái.

Đối với nhiều nước nhỏ là vệ tinh từng thuộc Liên Xô, nguồn lực xuất khẩu chính là người lao động, họ đến Nga làm công việc chân tay. Và giờ đây, khi kinh tế Nga đi xuống, họ mất việc làm, lượng kiều hối giảm mạnh.

Khó khăn

Là một quốc gia nhỏ bé ở Trung Á và giáp với Afghanistan đang loạn lạc, Tajikistan trông đợi tới 45% tổng sản phẩm quốc nội vào những khoản tiền từ người đi lao động ở nước ngoài, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Dù lao động nhập cư ở Nga thường phải sống trong điều kiện bẩn thỉu, phân biệt chủng tộc và những mánh làm tiền từ giới chức, họ chấp nhận điều đó vì họ kiếm được nhiều tiền hơn so với ở quê nhà.

Nhưng mọi việc đang thay đổi. Abdul Zahir Saratov nói rằng ông đã làm việc tại Nga nhưng đành phải trở về nhà do nền kinh tế Nga suy thoái. "Làm việc ở Nga giờ không còn như trước nữa" ông nói.

Đồng tiền của Tajikistan, đồng TJS, đã mất 24% giá trị so với đồng USD trong năm ngoái, theo tỷ giá chính thức, và thậm chí còn mất giá nhiều hơn nữa trên chợ đen. Khoản dự trữ trong ngân hàng trung ương chỉ đủ cho chưa đầy hai tháng cho nhập khẩu, mức rất thấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Reuters

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Reuters

Ở Belarus, đất nước nằm cạnh khối Liên minh châu Âu, khó khăn trong kinh tế cũng có thể nhận thấy rõ. GDP của Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, đã giảm khoảng 4% trong năm ngoái, trong khi đồng BYR đã mất gần một nửa giá trị so với đồng USD.

Trong 11 tháng đầu năm 2015, Belarus xuất khẩu sang Nga lượng hàng hoá có giá trị ba tỷ USD, so với con số 3,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp sản xuất máy gặt đập liên hợp, thường được bán cho nông dân Nga, đã giảm tới 80% trong năm 2015.

"Các công ty, doanh nghiệp nhà nước thường có một khoản vốn được tích trữ từ trước, điều đó giúp họ không bị nhanh chóng lún sâu vào khủng hoảng. Nhưng những khoản dự trữ này rồi cũng sẽ hết", Yaroslav Romanchuk, người đứng đầu Viện phân tích Mizes cho biết.

"Số lượng các vụ phá sản có thể tăng theo cấp số nhân tại một số thời điểm trong năm nay".

Một doanh nhân người Belarus cho biết cuộc khủng hoảng ở Nga khiến mặt bằng lương ở Belarus giảm, và do đó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

"Đối với tôi, khoảnh khắc nhận ra sự thật là lúc tôi thấy một mẩu quảng cáo việc làm vài hôm trước. Một công ty lớn đang tuyển chuyên gia có trình độ tương đối, và đề nghị mức lương tháng 200 USD", doanh nhân này kể.

"Hai hoặc ba năm trước, sẽ không thể tuyển được một thư ký nào nếu bạn trả mỗi tháng 500 USD".

Theo VnExpress

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast