Giải pháp tích cực nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là tỉnh có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp . Để sớm , trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển thì việc hướng dẫn và tạo điều kiện để hàng vạn hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tổ chức kinh tế trang trại là hết sức cần thiết.

Phát triển kinh tế trang trại:

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Ngô Xuân Linh ở xã Sơn Mai cho lợi nhuận bình quân hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Lý

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Ngô Xuân Linh ở xã Sơn Mai cho lợi nhuận bình quân hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Lý

Trước hết, trang trại là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh cơ sở trong nông, lâm, ngư nghiệp, có mục đích chủ yếu là sản xuất hàng hóa; tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của chủ thể độc lập, sản xuất được tiến hành trên quy mô ruộng đất và các yếu tố sản xuất được tập trung tương đối lớn; với cách thức tổ chức quản lí tiến bộ và trình độ kỹ thuật cao, hoạt động tự chủ và luôn gắn với thị trường. Vì vậy, phát triển kinh tế trang trại là một xu hướng vận động khách quan của kinh tế hộ nông dân trong điều kiện nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua nhờ những cơ chế chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước kinh tế hộ nông dân Hà Tĩnh đã có nhiều tiến bộ. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích được nâng lên đáng kể, đến năm 2012 đạt 60 triệu đồng/ ha và toàn tỉnh có 550 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.hộ nghèo chỉ còn 14,2% (1)

Thứ hai, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng trang trại, đó là:

Có nền sản xuất nông nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cho thấy tiềm năng đa dạng về sản phẩm; có thể phát triển nhiều sản phẩm cây con đặc thù, giá trị cao như: bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn và hươu sao…

Có tài nguyên nước dồi dào ở các dạng như nước biển, nước sông, lưu vực sông, hồ và các vùng nước lợ, thích hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ven biển

Diện tích rừng lớn với 362.740,9 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 60,2 % diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó có 170.281 ha quy hoạch rừng sản xuất, 199.847 ha rừng tự nhiên (2)

Có vị trí địa lý chiến lược của đất nước, ở khoảng giữa các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Hà Nội và Đà Nẵng với khoảng cách chưa đầy 400km, có thể tiếp cận bằng các chuyến bay từ sân bay tại khu vực gần đó, bằng đường bộ hoặc bằng đường sắt và đường biển; có vị trí địa lý thuận lợi để phục vụ Lào và Đông Bắc Thái Lan, qua cửa khẩu Cầu Treo và có cảng bển nước sâu Vũng áng. Đây là điều kiện thuận lợi để gia tăng thương mại nông nghiệp.

Mô hình nuôi hươu (55 con) của gia đình chị Lê Thị Hương ở xã Sơn Lâm. Ảnh: Thanh Hoài

Mô hình nuôi hươu (55 con) của gia đình chị Lê Thị Hương ở xã Sơn Lâm. Ảnh: Thanh Hoài

Trong những năm qua tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản từ đó đã giúp các hộ nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thứ ba, kinh tế trang trại có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn:

Cho phép huy động, khai thác đất đai, sức lao động và các nguồn lực khác một cách đầy đủ, hợp lí và có hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao, tạo vùng sản xuất chuyên môn hóa, tập trung hóa cao, đẩy nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ sản xuất ở nông thôn.

Tạo động lực đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao đông nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực; thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, là tấm gương cho các hộ nông dân về cách thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả .

Phát triển kinh tế trang trại ở Hà Tĩnh là một hướng đi đúng và có vai trò rất to lớn đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên kinh tế trang trại của Hà Tĩnh vẫn chưa phát triển đáng kể.

Mô hình chăn nuôi bò của anh Hoàng Hữu Công (xã Hà Linh) cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm. Ảnh Đình Trung
Mô hình chăn nuôi bò của anh Hoàng Hữu Công (xã Hà Linh) cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm. Ảnh Đình Trung

Theo số liệu điều tra của Cục thống kê Hà Tĩnh, đến 7/2012, toàn tỉnh có 86 trang trại đạt tiêu chí trang trại quy định tại Thông số 27/2011/TT-BNN ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó trang trại chăn nuôi 43, trang trại lâm nghiệp 2, trang trại nuôi trồng thủy sản 14, trang trại tổng hợp 22 và trang trại trồng trọt 5.

Tổng diện tích đất được sử dụng của 86 trang trại 753 ha, trong đó trang trại trồng trọt 83 ha, trang trại chăn nuôi 153 ha, trang trại lâm nghiệp 19 ha, trang trại thủy sản 99 ha, trang trại tổng hợp 299 ha. Số lao động bình quân của các loại trang trại như sau: Trang trại trồng trọt 20,6 người, trong đó lao động thường xuyên 6,6 người;Trang trại chăn nuôi 6,8 người trong đó lao động thường xuyên 3,3 người; Trang trại lâm nghiệp 32,5 người trong đó lao động thường xuyên 4,5 người; Trang trại thủy sản 44,6 người trong đó lao động thường xuyên là 10,8 người; Trang trại tổng hợp 14,1 người trong đó lao động thường xuyên 4,1 người.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của các trang trại trong năm là 192.982 triệu đồng. Bình quân của trang trại chăn nuôi là 3.207 triệu đồng, trang trại trồng trọt là 1.063 triệu đồng, trang trại lâm nghiệp là 807,5 triệu đồng, trang trại thủy sản là 1.948,5 triệu đồng, trang trại tổng hợp là 948,09 triệu đồng.

Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra là 191.330 triệu đồng.

Những con số trên cho ta thấy mặc dù phát triển kinh tế trang trại đã trở thành xu hướng khách quan, nhưng số lượng trang trại ở Hà Tĩnh đang ít, quy mô sử dụng đất và lao động chưa nhiều, năng lực tài chính, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị sản xuất đang khiêm tốn và đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, đó là:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế trang trại đối với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại nên chưa tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ cho các hộ nông dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

Việc tổ chức thực hiện các chính sách của nhà nước, UBND tỉnh về đất đai, tài nguyên, môi trường và các chính sách hỗ trợ khác đang còn những mặt hạn chế. Việc sử dụng ruộng đất còn manh mún, quỹ đất của hộ nông dân hạn hẹp và hầu hết chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đó là những trở ngại đối với quá trình chuyển sang phát triển sản xuất hàng hoá của kinh tế nông hộ để trở thành trang trại.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đang còn khó khăn, nhất là do nhận thức chưa đầy đủ của nông dân (những người đang được giao quyền sử dụng đất ) và khả năng đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỷ thuật cho sản xuất.

Thị trường nông sản không ổn định, quan hệ giữa nông dân với các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã chưa thỏa đáng gây trở ngại cho sản xuất và sự đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trình độ công nghệ thấp dẫn đến chất lượng nông sản kém, khả năng cạnh tranh thấp và không thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Các chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa thực sự tác động đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu của sản xuất nên chưa thực sự khuyến khích hộ nông dân phát triển theo hướng trang trại.

Trình độ của chủ hộ nông dân và đa số lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển sản xuất hàng hóa; tiềm lực về vốn, về cơ sở vật chất kỹ thuật của đa số hộ nông dân còn yếu, tư tưởng tác phong của người tiểu nông còn rất nặng nề, thói quen sản xuất tự cấp tự túc, phân tán manh mún, quen lao động bằng kinh ngiệm, thụ động đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm. Do đó họ rất lúng túng thiếu năng động khi đưa ra những quyết định về kế hoạch sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn ký kết với Tập đoàn CP (Thái Lan) chi nhánh Hà Nội xây dựng Đề án phát triển lợn siêu nạc cho các hộ đội viên. Ảnh Nam Giang
Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn ký kết với Tập đoàn CP (Thái Lan) chi nhánh Hà Nội xây dựng Đề án phát triển lợn siêu nạc cho các hộ đội viên. Ảnh Nam Giang

Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và các nguồn lực xã hội của địa phương để phát triển hàng hóa tập trung, tạo điều kiện để hình thành các khu công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn Hà Tĩnh, kinh tế trang trại được coi là hình thức quan trọng để đưa kinh tế nông hộ của Hà Tĩnh phát triển lên sản xuất hàng hóa. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại với các giải pháp sau :

Cần tổ chức thực hiện đồng bộ các Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nhất là Quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; Quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung; Quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Tĩnh; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển trang trại, vùng trang trại chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, nhằm định hướng cho người sản xuất lựa chọn quy mô, công nghệ, sản phẩm, khả năng tiêu thụ khi quyết định đầu tư để khai thác có hiệu quả các nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh , hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, khả năng cạnh tranh mới, khắc phục tình trạng trang trại phát triển tự phát. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất trong nông nghiệp, khuyến khích tập trung ruộng đất bằng nhiều hình thức. Tạo thuận lợi trong việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở các quy định của nhà nước.. . Các cấp chính quyền cần công bố công khai quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại, chủ yếu là các vùng đất trống, đồi núi trọc, đất còn hoang hoá, ao hồ, đầm, bãi bồi ven sông, ven biển để thu hút đầu tư phát triển

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây, con,… nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ở các trang trại như các phương pháp tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước; Đầu tư xây dựng các cơ sở ươm, nhân giống nhằm nhanh chóng đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường vào sản xuất; thực hiện cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất như: làm đất, thu hoạch, gieo trồng, vận chuyển; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào việc chế biến, bảo quản sản phẩm ...Các cấp chính quyền cần chỉ đạo tổ chức tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ các trang trại áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích các chủ trang trại tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới hộ nông dân trong vùng. Các "Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi" các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi sát nhu cầu của trang trại, liên kết với các trang trại để xác định các mô hình chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, xử lý kịp thời những trường hợp buôn bán hàng giả, hàng chất lượng xấu, để giúp nông dân và các chủ trang trại phát triển sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro.

Tích cực hỗ trợ trang trại tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp chế biến hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hoá với các chủ trang trại và hộ nông dân. Tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các trang trại, thực hiện liên kết giữa các trang trại với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại có khả năng tham gia xuất khẩu sản phẩm trực tiếp.

Nâng cao năng lực quản lý của chủ trang trại và tay nghề của người lao động. Hiện nay ở Hà Tĩnh số chủ trang trại có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đang ít, do đó việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ trang trại đặt ra rất cấp bách. Trước mắt, cần tổ chức cho các chủ trang trại tham quan các trang trại có trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh giỏi để học tập lẫn nhau, tổ chức các lớp bồi dưỡng những kiến thức về khoa học và quản lý. Về lâu dài, tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý cho các chủ trang trại. Đối với người lao động, các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung thực hiện tốt Quyết định 1952/QĐ-UBND ngày 20/6/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt và ban hành hành Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020".

Tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại: Các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cần tổ chức thực hiện tốt các chính sách của chính phủ, UBND tỉnh đối với trang trại, đồng thời cần có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ các trang trại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở chế biến, cung cấp thông tin.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác bảo vệ và làm giàu đất, bảo vệ môi trường; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo pháp luật. Đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ trang trại về tài sản và các lợi ích khác.

Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn lương thực, thực phẩm đạt tiêu chuẩn Viet Gap để chủ động hội nhập quốc tế./.

.........................................................................................................

(1) Niên giám thống kê Hà Tĩnh 2011; kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2011của cục thống kê Hà Tĩnh; báo cáo số: 494/BC-UBND ngày 10/12/2012 của UBND tỉnh.

(2) NQ số 33/ NQ-HĐND tỉnh ngày 19/7/2012 về đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast