Chủ tịch Trung Quốc quyền lực nhất thế giới

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người quyền lực nhất thế giới, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đứng đầu.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

Ông Hồ Cẩm Đào đứng đầu danh sách gồm 68 người, qua mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama - người xếp thứ nhất trong danh sách tương tự năm ngoái và thứ hai trong năm nay. Danh sách vừa được tạp chí uy tín của Mỹ công bố.

Trong bài nhận xét của mình, các biên tập viên của Forbes đánh giá rằng ông Hồ Cẩm Đào là "một chính trị gia quyền năng hơn bất cứ người nào trên thế giới".

Người quyền lực thứ nhì thế giới, Tổng thống Obama, vừa hứng chịu thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, và mất thế đa số trong Hạ viện. Tại Thượng viện, Dân chủ cũng chỉ còn đa số mỏng manh.

"Đây là một sự trượt dốc số với vị trí người quyền lực số 1 của năm ngoái, (ông Obama) sẽ phải vất vả để có thể thực thi các chính sách cải cách đề ra cho hai năm tới", các biên tập viên của tạp chí Mỹ nhận xét. "Tuy nhiên ông vẫn có thể hài lòng với vị trí là tổng tư lệnh một đội quân hùng mạnh nhất thế giới, nhà lãnh đạo của nền kinh tế năng động và lớn nhất (về chi tiêu) trên thế giới, và danh hiệu ''nhà lãnh đạo của thế giới tự do.

Đứng thứ ba là nhà vua Ảrập Abdullah al Saud. Ông được mô tả là "nhà trị vì tối cao của quốc gia ở sa mạc nắm giữ nguồn trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và hai nơi linh thiêng nhất của Hồi giáo".

Thủ tướng Nga Vladimir Putin xếp thứ 4, còn ông chủ điện Kremlin Dmitry Medvedev đứng thứ 12. Hai người phụ nữ trong top 10 người quyền lực là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi.

Ông Hồ Cẩm Đào, 68 tuổi, từng là sinh viên xuất sắc của đại học Thanh Hoa danh tiếng, nổi tiếng là người có kiến thức cũng như kinh nghiệm quản lý. Một thời gian dài công tác ở miền tây khắc nghiệt đã góp phần tạo nên tính cách thẳng thắn, cùng quyết tâm ủng hộ cải cách và mở cửa.

Hồ Cẩm Đào xuất thân người tỉnh An Huy, Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy trung ương, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.

Con đường sự nghiệp của ông Hồ Cẩm Đào phản ánh chính sách đào tạo cán bộ trẻ của Trung Quốc. Ông từng là ủy viên trẻ tuổi nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu vào Trung ương Đảng năm 1982, khi mới 39 tuổi.

Năm 1982, ông làm Bí thư tỉnh đoàn Cam Túc. Công tác quản lý hoạt động của đoàn thanh niên củng cố thêm năng lực của ông Hồ.

Chuyển về Bắc Kinh, ông trở thành thành viên ban bí thư Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc, đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp thanh niên Trung Quốc. Là lãnh đạo Ban bí thư Trung ương đoàn năm 1984.

Ở tuổi 44, ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm bí thư tỉnh ủy Quý Châu, là một trong những bí thư trẻ nhất nước. Năm 1988, khi tình trạng Tây Tạng trở nên bất ổn, ông Hồ được cử làm bí thư khu ủy Khu tự trị Tây tạng. Đây là nhà lãnh đạo Tây Tạng duy nhất xuất thân dân sự, những người tiền nhiệm ông Hồ đều kinh qua quân đội. Trong thời gian ở Tây Tạng, ông Hồ đã đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều kiện khắc nghiệt ở vùng tự trị.

Tháng 3/2003, Hồ Cẩm Đào được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, đưa ra quyết tâm "đại trẻ hóa đất nước Trung Hoa" trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới. Hiện ông đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới, 1,3 tỷ người, nền kinh tế khổng lồ có GDP 4.900 tỷ USD.

Hồ Cẩm Đào từng nói để thành công trong cuộc sống cần đến "quyết tâm, chú ý đến những vấn đề cụ thể và dũng cảm quyết định".

Theo VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast