Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

(Baohatinh.vn) - Lợi dụng thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 khi mà nhiều người dân sử dụng dịch vụ mua bán hàng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã khiến cho không ít người dân Hà Tĩnh dính “bẫy ảo" nhưng mất tiền thật.

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Anh Chu Văn M. thuật lại quá trình mình bị lừa mất hết số tiền 12 triệu đồng qua mạng

Anh Chu Văn M. (SN 1985, phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh), là người có thâm niên mua bán các loại nhạc cụ đã qua sử dụng như đàn Guita, Organ…

Ngay trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội, qua một lần mua bán qua mạng, anh M. bị dính cú lừa ngoạn mục từ một tài khoản Facebook lạ. Toàn bộ số tiền trong thẻ ngân hàng cũng theo đó “không cánh mà bay”.

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Lấy lý do đang ở nước ngoài, tài khoản này đã lấy một địa chỉ và số điện thoại ở Việt Nam để lấy lòng tin bước đầu ở anh M.

Anh M. nhớ lại: “Hôm đó tôi thấy một tài khoản Facebook tên “Thanh Tang” muốn mua cây đàn Guirta của tôi đang rao bán trên mạng. Qua trao đổi bằng tin nhắn điện thoại, người này đồng ý mua với giá 1,5 triệu đồng và nói lý do đang ở nước ngoài không về nước được nên cho tôi số điện thoại, địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh để ship hàng đến..."

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Người này hối thúc chủ tài khoản xác nhận vào trang web để đánh cắp thông tin, rút hết tiền trong tài khoản

"Tiếp đó, người này bảo sẽ dùng tài khoản ngân hàng ở nước ngoài chuyển tiền về cho tôi, kèm theo chữ ngân hàng Agribank Việt Nam như một khâu trung gian chuyển tiền về nước để lấy lòng tin từ tôi. Người này còn chụp nguyên màn hình tiền đã vào tài khoản của tôi và nhắn tin bảo tôi vào xác nhận số tiền đã giao dịch để nhận tiền.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các bước, thì toàn bộ số tiền 12 triệu đồng trong tài khoản của tôi lúc đấy cũng biến mất, đồng thời tài khoản ảo cùng số điện thoại cũng mất theo” - anh M. cho hay.

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Người này chèn cả tên ngân hàng Agribank Việt Nam để lấy lòng tin xác thực tài khoản

Rao bán chiếc xe ô tô cũ của mình trên mạng, anh Nguyễn La T. (phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) cũng bị một phen hú vía vì thiếu chút nữa số tiền gần 100 triệu đồng trong tài khoản bị kẻ lừa đảo “nuốt trọn”.

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Anh Nguyễn La T. chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh quá trình bị đối tượng dụ dỗ xác nhận tài khoản ảo

Theo lời kể của anh T, vào khoảng đầu tháng 4/2020, anh rao bán chiếc xe của mình lên trang chuyên bán các xe ô tô cũ, một tài khoản mang tên “Mi’s phạm” gọi điện thoại qua Zalo cho hỏi mua xe.

Lấy lý do vừa từ nước ngoài về, đang bị cách ly tập trung ở tỉnh Ninh Bình nên không vào xem xe, đặt cọc tiền mặt được nên sẽ đặt cọc trước 10 triệu bằng hình thức chuyển khoản từ một ngân hàng nước ngoài, đồng thời yêu cầu anh T. vào xác nhận mã 6 chữ số để nhận tiền. Do trước đó anh T từng bị một đối tượng trên mạng lừa hết số tiền trong tài khoản, nên đã cảnh giác, bảo chờ người quen bên ngân hàng đến xác minh. “Đánh hơi” thấy phi vụ lừa đảo bị bại lộ, tài khoản này bỗng dưng “lặn mất hút” không thể liên lạc.

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Chèn tên ngân hàng Vietcombank để lấy lòng tin của các “con mồi”

Đại úy Lê Khánh Toàn, Đội Trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TX Kỳ Anh thông tin, trước đây đã xuất hiện các kiểu lừa đảo như: sử dụng mạng Internet để bán hàng giá rẻ; mạo danh người thân, cán bộ nhà nước chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng việc lượng người dân gia tăng mua bán hàng trực tuyến trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, các đối tượng liên tiếp tung ra nhiều kiểu lừa đảo với hình thức mới, tinh vi hơn, đánh trọng tâm vào các mặt hàng mua bán trên mạng qua các tài khoản ảo trên Zalo, Facebook…

Mua bán hàng qua mạng, công dân Hà Tĩnh dính bẫy ảo, mất sạch tiền

Lợi dụng việc lượng người gia tăng mua bán hàng trực tuyến trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, các đối tượng liên tiếp tung ra nhiều kiểu lừa đảo với hình thức mới, tinh vi hơn (Ảnh: Internet)

Sau khi trao mua bán, đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp tài khoản để trả tiền mua hàng. Đồng thời gửi cho bị hại một đường link website, yêu cầu đăng nhập thông tin thì mới nhận được tiền. Thực chất, website mà các đối tượng gửi cho bị hại là giả mạo do đối tượng lập ra, nhằm thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, như: số thẻ, tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking, mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng một lần). Sau khi có các thông tin trên, đối tượng truy cập vào website chính thống của ngân hàng để đăng nhập vào tài khoản bị hại chiếm quyền quản trị tài khoản của người sở hữu và chiếm đoạt tài sản.

“Thông qua hình thức lừa đảo trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nhất là những người thường giao dịch, chuyển tiền qua mạng Internet cần hết sức cảnh giác; không cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản của mình cho người khác. Khi phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn”- Đại úy Toàn nhấn mạnh.

Để người dân tránh những thủ đoạn lừa đảo qua mạng và điện thoại, các ngân hàng đưa ra cảnh báo:

- Trong mọi tình huống, không nên nhấp chuột vào các đường link lạ và tuyệt đối không mở các file đính kèm từ các email giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc .

- Tuyệt đối không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mật khẩu dùng một lần (OTP) trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền.

- Không nên dùng wifi/mạng internet tại các địa điểm công cộng để truy cập và sử dụng các dịch vụ Ebank mà không chắc chắn hay tin tưởng độ bảo mật của các mạng này.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast