Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Tại sao vẫn cuối bảng?

(Baohatinh.vn) - Trên sân chơi kiến thức đại trà, dẫu mang danh “đất học”, Hà Tĩnh luôn đứng tốp sau về môn tiếng Anh. Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2015-2016, kết quả môn tiếng Anh của học sinh Hà Tĩnh đứng áp chót (62/63 tỉnh thành trên cả nước). Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Nguyễn Quốc Anh cho rằng, kết quả này là “phần ngọn” của những khó khăn, hạn chế trong dạy - học tiếng Anh ở các nhà trường trong nhiều năm qua.

Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu

Thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên (GV) trên địa bàn, thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, căn cứ theo bằng cấp, hầu hết các GV đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trên thực tế, đầu vào của GV tiếng Anh ở Hà Tĩnh rất thấp, chưa đồng đều về trình độ và được đào tạo từ nhiều nguồn. Trong tổng số hơn 1.200 GV, chỉ có một số ít được đào tạo chính quy bài bản, số còn lại chủ yếu từ nguồn học sinh tuyển cử và không chính quy”.

Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Tại sao vẫn cuối bảng?

Trang thiết bị thiếu thốn, chương trình bất cập là một trong những yếu tố khiến việc dạy và học bộ môn Tiếng Anh trong các nhà trường còn hạn chế.

Để thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh - giai đoạn 2012-2020", năm 2013, Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực, trình độ của 833 GV ở cả 3 cấp học với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết phân loại 6 bậc theo khung tham chiếu Châu Âu để đào tạo lại. Kết quả đạt được khiến nhiều người giật mình khi GV đạt chuẩn B2 theo yêu cầu ở bậc TH và THCS của toàn tỉnh chỉ có 11 người và không có GV đạt chuẩn C1 theo yêu cầu ở bậc THPT. Sau gần 4 năm đào tạo lại đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn, tỷ lệ đạt chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu vẫn chưa phủ kín. Bậc tiểu học có 191/309 người đạt chuẩn B2, THCS 403/570 chuẩn B2 và THPT là 147/325 chuẩn C1.

Cùng với những hạn chế về chất lượng, thì việc đảm bảo số lượng GV ở bộ môn này cũng gặp nhiều khó khăn. Cô Cao Thị Như Vân - chuyên viên Tiếng Anh ở Phòng GD&ĐT Hương Khê cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 59 GV tiếng Anh, trong đó, tiểu học có 15 người. Để đảm bảo số lượng GV dạy tại 23 trường, đầu năm nay, phòng đã tham mưu với UBND huyện hợp đồng thêm 9 người nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì thế, tại 6 trường tiểu học như Hòa Hải, Hà Linh, Phúc Trạch, Thị trấn… chúng tôi phải tăng cường giáo viên THCS”.

Tại thị xã Kỳ Anh, theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT, trong năm học này, 4 trường tiểu học không có GV tiếng Anh nên phòng đã tham mưu với huyện hợp đồng thêm 4 người. Tuy nhiên, số GV hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Đó cũng là một trong những lý do để đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới chỉ có 1 trường THCS triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm theo đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh”.

Chương trình, cơ sở vật chất bất cập

Thực tế cho thấy, việc dạy, học tiếng Anh hiện nay trên địa bàn vẫn đang “loay hoay” ở 2 kỹ năng đọc và viết. Các nhà chuyên môn cho rằng, hạn chế trong việc học chưa đi đôi với hành ở bộ môn này một phần là do kiến thức trong sách giáo khoa đã cũ, không được chỉnh sửa. Chương trình học quá nặng về ngữ pháp, biến các em thành những “cuốn ngữ pháp biết đi”.

Bên cạnh đó, ở bậc tiểu học, tiếng Anh đang là chương trình tự chọn nên tùy vào điều kiện, có trường, dạy 2 tiết, 3 tiết, cũng có trường đảm bảo được 4 tiết/tuần theo chương trình mới hệ 10 năm. Thực trạng đó dẫn đến khi lên đến bậc THCS và THPT, đầu vào các trường “muôn hình muôn vẻ” khiến cho việc tổ chức dạy học vừa khó cho GV, vừa không hiệu quả đối với người học.

Theo những người trong cuộc, hiện nay, trang thiết bị phục vụ việc dạy, học tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu. Thầy Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở GD&ĐT cho biết: “Theo đề án nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh thì toàn tỉnh cần phải trang bị 3.600 bộ trang thiết bị tối thiểu cho việc dạy và học Tiếng Anh như đài catsset, máy tính, máy chiếu, mic, tai nghe… nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới chỉ trang bị được 700 bộ”.

Để khắc phục tình trạng đó, nhiều trường đã đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, tuy nhiên điều này thực sự khó khăn đối với những trường vùng sâu, vùng xa. Cô Trần Thị Thủy - chuyên viên tiếng Anh Phòng GD&ĐT Kỳ Anh cho biết: “Ở bậc tiểu học mới chỉ có 12/21 trường trang bị được phòng học Tiếng Anh đạt chuẩn. Bậc THCS có 4/15 trường có phòng học được trang bị thiết bị nghe nhìn. Thế nhưng, cả trường chỉ có 1 phòng học để thực hành, chủ yếu là kỹ năng nghe nên hầu như việc dạy chay, học chay Tiếng Anh trên địa bàn vẫn đang phổ biến”. Một thực trạng “cười ra nước mắt” đang diễn ra đó là thời buổi công nghệ thông tin, học sinh đã lên mạng nhoay nhoáy mà thầy cô đi dạy Tiếng Anh vẫn xách theo cái đài cũ kỹ.

Những khó khăn, hạn chế nêu trên đang làm cho bộ môn Tiếng Anh trong các trường học ở tỉnh ta trở thành môn học khó và học sinh chủ yếu học để đối phó với các kỳ thi. Học chưa đi với hành, tâm lý học chỉ để ứng thí khiến cho phần lớn học sinh “chữ của thầy trả lại cho thầy”.

  • Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Tại sao vẫn cuối bảng?
    Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở

    Tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng phổ biến nhất thế giới, là cẩm nang không thể thiếu để hội nhập. Bởi vậy, quan điểm của ngành giáo dục đã thể hiện khá rõ: Đổi mới dạy học ngoại ngữ là một khâu quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast