Hai mươi bốn bậc cầu thang

(Baohatinh.vn) - Tình yêu của họ gần như không có nhiều xung đột. Vậy mà đã bốn năm trôi qua...

Duy nói: “Mình quen nhau như mới ngày hôm qua”. Còn Ngà lại nghĩ khác: “Trời ơi, mình quen Duy tới bốn năm rồi sao?”. Mẹ lại kể: “Ngày xưa, mẹ và bố còn quen nhau tới 10 năm mới thành vợ thành chồng”. Ngà không trả lời với mẹ rằng, thời của mẹ và bố đã khác so với thời của Ngà và Duy bây giờ. Bởi nói như thế mẹ sẽ mắng Ngà là chưa chi… đã không còn nghe lời mẹ. Nhưng quả thật, bốn năm quen nhau và yêu nhau của hai người có biết bao chuyện đã xảy ra.

Khu nhà Ngà trọ học có hai - mươi - bốn – bậc – thang để đi lên, tới đúng chỗ Ngà ở. Nơi đó nhìn xuống một khu phố mà mọi người vẫn thường gọi là “Xóm xe đẩy”. Bởi tất cả những người ở khu phố đó đa số từ các tỉnh khác sống bằng nghề xe đẩy. Họ thức dậy thật sớm lo sửa soạn mọi thứ để bán như: xôi, bắp luộc, bánh mì… rồi đẩy những chiếc xe làm bằng nhôm đi đến khắp mọi nơi trong lòng thành phố này.

Xóm xe đẩy luôn là chiếc đồng hồ báo thức gọi Ngà dậy sớm. Nó cũng đã được Duy vẽ vào bức tranh tặng Ngà vào năm Ngà 21 tuổi. Trong bức tranh, Duy vẽ Ngà đang đứng mua hàng giữa những hàng quán. Ngà nói: “Khi người ta vẽ tranh tặng người yêu, thường vẽ đang ngồi ở công viên hay là trên ghế đá. Anh lại vẽ em đang ăn hàng. Thế mà gọi là… tranh?”. Duy nói: “Như thế mới là em Ngà của Duy. Để khi nào em giận anh, nhìn bức tranh em sẽ hết giận ngay”. Ừ, Duy nói thế vì gần như Duy luôn luôn làm cho Ngà “thót tim” vì anh học ở bên mỹ thuật, Duy còn làm thêm nghề đi sao chép tranh cho các cửa hàng để có tiền ăn học. Đôi lúc anh còn đi làm bìa sách, vẽ mẫu áo dài… Nói chung là bất cứ thứ gì liên quan đến hội họa là Duy nhận làm hết, không từ nan. Vì thế mà có rất nhiều cô gái thích anh. Anh hẹn với Ngà để rồi trong khi Ngà chờ đợi thì chuông điện thoại reo lên: “Lại bận nữa rồi Ngà ơi. Khi nào xong việc anh tới”. Nhưng xong việc, anh lại được mời đi nhậu nhẹt gì đó, thế là anh quên rằng Ngà đang đứng nơi lan can nhà nhìn xuống xóm xe đẩy, đợi anh. Hôm sau, gặp nhau anh lại gãi đầu, gãi tai: “Anh lại quên nữa rồi. Đừng giận anh nhá”.

Ngà yêu Duy vô cùng. Yêu đến nỗi Ngà tha thứ cho Duy tất cả những lần lỗi hẹn. Nghĩ cho cùng thì anh lỗi hẹn với Ngà không phải vì một người con gái khác, mà chính là do anh quá bận bịu trong công việc. Ngà là mẫu người thích được chăm sóc. Với Ngà, tình yêu phải mang tính lãng mạn. Còn Duy thì cho rằng, yêu nhau thì không nhất thiết phải màu mè. Vì thế mà sự hờn giận luôn luôn xảy ra, những trận cãi vã giữa hai người cũng không phải là hiếm. Cũng có lúc thay vì ngồi ở nhà đợi Duy đến, Ngà đã đến tận nơi anh đang làm việc. Nhìn Duy trong chiếc áo chống sơn dính đầy màu sắc, bàn tay cầm cọ biến những sắc màu riêng biệt kia thành nét vẽ của mình - Ngà chẳng tiếc thời gian chờ đợi.

Ngà chăm sóc cho Duy, lo cho anh từng bữa ăn. Còn bạn bè cùng làm việc chung với anh thì vỗ tay hoan hô: “Duy ơi, xấu trai như mày mà có công chúa lo lắng. Đúng là phúc lắm đó nghe”. Khi đó Ngà chỉ cười. Vậy mà khi Duy nói đùa: “Em cứ ở bên anh tối ngày, làm sao cô nào dám theo anh?”. Ngà đã lấy túi xách, lấy xe đi về: “Để xem thử có cô nào tới đây thăm anh”.

Với Ngà, được chăm sóc cho Duy là điều hạnh phúc. Được đi dạo phố cùng Duy cũng là điều vô cùng vui sướng. Duy chính là niềm vui của Ngà. Từ ngày hai người gặp nhau trong đêm hội hóa trang của trường, họ như đã gắn đời với nhau. Khi đó Ngà và Duy cũng chỉ là hai sinh viên mới bắt đầu những bài học vỡ lòng trong sân trường đại học. Hôm đó, Ngà bước chân qua cổng chào của trường để trở thành cô sinh viên thực thụ. Còn Duy thì tò mò theo mấy anh chị quen biết để chứng kiến lễ hội truyền thống của trường. Duy đã “theo đuôi” Ngà hôm đó. Thế là quen.

Từ ngày hai người có nhau, Ngà cảm nhận ra rằng, những chiếc lá vàng trên hàng cây cao vời trong lòng thành phố lạ này như đáng yêu hơn. Những hè phố lao xao, lời mời chào của những người bán hàng rong cũng thân thiện hơn. Tất cả đều ấm áp và ngọt ngào. Đôi khi, quá giận Duy, Ngà nhủ thầm thôi thì hãy quên anh chàng lúc nào cũng thất hẹn, lúc nào cũng tỏ vẻ gia trưởng kia đi. Nhưng không có Duy thì ai lỗi hẹn, ai ngồi hàng giờ trong quán nước để nghe Ngà kể chuyện. Và nữa, ai để cho Ngà biết rằng, thời tiết đang chuyển mùa? Để có ai hỏi Ngà rằng Ngà có tin bên cạnh Duy còn có một người con gái khác không? Ngà sẽ lắc đầu: “Không có đâu. Làm gì có chuyện đó”. Có thể ai đó trong đám bạn bè của Ngà không thích Duy. Mấy đứa như nhỏ Giang, nhỏ An vẫn cười: “Con trai gì mà ăn mặc luộm thuộm, không biết chiều phụ nữ!”.

Chiều chuộng đối với bạn bè của Ngà có nghĩa là phải thường xuyên đưa đón trước cổng trường, phải biết nhớ ngày kỷ niệm này nọ của hai người và nhiều thứ khác nữa. Duy không ồn ã thể hiện điều đó theo kiểu “màu mè” như anh nói. Duy luôn tạo cho Ngà những bất ngờ theo cách của anh hơn là dùng thời gian của mình để đưa đón. Ngay cả khi chân anh bước lên 24 bậc cầu thang để ghé thăm căn phòng trọ của Ngà cũng khác. Bước chân như một điệu nhạc gõ với những tiết tấu riêng biệt. Đến nỗi chỉ cần nghe những âm thanh đó, nhỏ Giang đã vang lên: “Anh chàng họa sĩ của con Ngà tới”. Thói quen ngóng đợi bước chân Duy lên cầu thang trong bao nhiêu năm giống như nghiện thuốc khiến cho Ngà không hình dung có một ngày anh không bước chân lên nữa. Tình yêu quả thật nó có thể làm thay đổi thói quen của một người.

Duy không bước chân lên 24 bậc cầu thang quen thuộc cũng cả hai tháng nay rồi. Nhỏ Giang nói: “Bỏ quách thằng họa sĩ tương lai của mày cho rồi. Đồ bắt cá hai tay. Để tao giới thiệu cho mày tên Phong bên dược. Phong đẹp trai, lại là con nhà giàu, biết ga-lăng”. Ngà im lặng, cứ ôm chiếc gối vào trong lòng. Ngước mắt nhìn ra ô cửa sổ nhỏ của căn phòng. Ô cửa chỉ cho Ngà thấy một khoảng trời xanh nhiều mây. Ngà vẫn mong những bước chân như nhạc kia bước lên cầu thang, dù Ngà đã thề là không gặp Duy nữa.

Hôm đó, Duy hứa rủ Ngà đi xem phim hay tại Hội Việt Mỹ. Cuối cùng thì Duy nhắn tin qua máy của Ngà: “Anh bận việc quá. Hẹn ngày mai nhé”. Không biết làm gì, Ngà vòng xe qua phố, định vào Nhà sách Nguyễn Huệ thì chợt phát hiện ra Duy đang chở một cô gái phía trước. Ngà phóng xe vượt qua, bóp còi “tin tin” cho Duy biết rồi rẽ về hướng khác. Buồn bã và thất vọng, Ngà không tin rằng Duy có thể chở một người con gái khác. Đúng 10 phút sau, Duy nhắn tin: “Anh chở cô Hoan cùng lớp lo công việc đó mà”. Chiều, Duy nhắn: “Anh mời em đi ăn cơm”. Lại nhắn: “Anh xin lỗi”. Nhắn tiếp: “Anh lên nhà nha?”. Ngà không trả lời và khi Duy bước chân lên cầu thang, gõ cửa, tiếng Ngà như hét: “Anh về đi. Đừng tới đây nữa!”. Những ngày sau đó Duy tìm tới trường. Ngà vẫn lách đi chỗ khác như không có Duy hiện hữu trong cuộc đời này. Ngà nhủ thầm: “Mình với Duy như thế là chấm hết thật sao?”.

Buổi chiều trôi qua thật lâu. Một mình trong phòng, Ngà bỗng lên cơn sốt. Chập chờn trong cơn mê sảng, Ngà nghe tiếng bước chân quen đang bước lên những bậc cầu thang. Tiếng bước chân của Duy như là những âm thanh rộn rã. Những bước chân như đang thành tiếng vọng: Anh nhớ em lắm. Em cũng nhớ anh phải không ?

Duy đã bước chân lên 24 bậc cầu thang. Khe khẽ mở cánh cửa khép hờ, Duy đến bên cạnh Ngà. Gương mặt anh hốc hác lạ lùng, nụ cười buồn lắm. Duy nhẹ nhàng gỡ chiếc gối trong tay Ngà. Ngà sà vào lòng anh, ôm chặt như sợ anh biến mất một lần nữa.

(Số 6, đường Nguyễn Thị Định, Nha Trang)

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast