Vũ Quang vững vàng trong lũ

Vũ Quang là một trong những huyện bị ngập trên diện rộng trong trận lũ vừa qua. Cùng với sự giúp đỡ, cứu trợ của các các tổ chức, nhà hảo tâm, chính quyền và nhân dân Vũ Quang đang dốc sức để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Theo báo cáo của UBND huyện Vũ Quang, cơn lũ vừa qua được đánh giá là một trong những cơn lũ lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương với ổng thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nên ngoài các thiệt hại bất khả kháng, Vũ Quang đã hạn chế được tối đa thiệt hại về nguời và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, đến thời điểm này, toàn huyện không có trường hợp nào bị thiệt hại về người.

Trung tâm y tế dự phòng huyện phun hoá chất tiêu độc khử trùng ở các khu dân cư

Trung tâm y tế dự phòng huyện phun hoá chất tiêu độc khử trùng ở các khu dân cư

Hoạt động khắc phục hậu quả đang được các địa phương của Vũ Quang khẩn trương triển khai. Tại 2 xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, các địa phương bị ngập sâu nhất huyện, Trung tâm Y học dự phòng huyện đã khẩn trương triển khai phun hóa chất tiêu độc khử trùng đối với các công trình tại các điểm đã rút nước.

Giáo viên và phụ huynh trường THCS Bồng Lĩnh dọn vệ sinh trường học

Giáo viên và phụ huynh trường THCS Bồng Lĩnh dọn vệ sinh trường học

Ông Phan Hải Phú, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh - HIV AIDS, Trung tâm y tế Vũ Quang cho biết: “Với lượng hoá chất tiêu độc khử trùng và làm sạch nguồn nước khá lớn hiện có, Trung tâm y tế huyện đang cùng với lực lượng y tế tại chỗ ở các địa phương bị ngập sâu tiến hành các biện pháp vệ sinh môi trường. Nước rút đến đâu, chúng tôi tập trung phun thuốc diệt khuẩn và khử trùng nguồn nước đến đó. Các biện pháp nắm bắt và chủ động đối phó với các loại dịch bệnh phát sinh sau lũ cũng đang được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước mắt, sẽ nắm bắt tình hình phát triển của bọ gậy để kịp thời phun thuốc diệt trừ, đề phòng dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện sau lũ lụt.”

Một trong những hoạt động đang được huyện chỉ đạo gấp rút thực hiện trong thời điểm này, đó là tập trung khôi phục vệ sinh các điểm trường để ngay sau khi nước rút, có thể sớm ổn định việc học tập trở lại cho các em học sinh. Mặc dù mực nước đang xấp xỉ thềm nhà trường, nhưng các cán bộ, giáo viên và phụ huynh trường THCS Bồng Lĩnh đã lội nước đến trường nạo vét bùn đất, thau rửa, dọn dẹp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà về nhà sau khi lũ bắt đầu rút

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà về nhà sau khi lũ bắt đầu rút

Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình - Phó hiệu trưởng Trường THCS Bồng Lĩnh cho biết: “ Kinh nghiệm phòng chống bão lụt của một trường học đóng trên địa bàn tâm lũ đã giúp chúng tôi đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi lũ đến. Hiện nay, chúng tôi huy động cán bộ, giáo viên và phụ huynh đến cùng làm công tác vệ sinh để có thể sớm ổn định việc dạy, học”.

Sau những ngày sơ tán lên vùng cao tránh lũ, các hộ dân ở các vùng ngập nặng đã về lại nhà. Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở xóm 2, xã Đức Bồng là một trong những hộ phải sơ tán được trở về nhà sớm nhất, đang huy động các thành viên dọn dẹp, lau rửa ngôi nhà và các vật dụng nhuốm đầy bùn đất sau gần một tuần ngập chìm trong nước lũ.

Theo bà Hà, ít có trận lũ nào đến bất ngờ như lần này. Rất may là các lực lượng của xã đã có mặt kịp thời và khẩn trương giúp gia đình đưa người và tài sản lên chỗ an toàn. Bà tâm sự: “ Những ngày sơ tán cực nhọc, cả nhà tôi đã được bà con cưu mang và được huyện tiếp tế lương thực kịp thời. Nước lũ đã rút, trở về nhà dù bộn bề khó khăn, chúng tôi lại được các cháu thanh niên đến giúp dọn nhà nên cũng đã tạm ổn. Sau nhiều ngày ăn mì tôm, tối nay gia đình sẽ nấu được bữa cơm đầu tiên trong nhà kể từ khi lũ đến”.

Về giải pháp khắc phục hậu quả trong những ngày tới, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Trước mắt, huyện tập trung giải quyết vấn đề thiếu đói, thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân; tiếp nhận và phân phát các nguồn hàng, tiền cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng, không để thất thoát; huy động mọi lực lượng giúp nhân dân khẩn trương sắp xếp nhà cửa, đồ đạc. Về lâu dài, địa phương triển khai kế hoạch khôi phục sản xuất vụ đông và tích cực chuẩn bị cho vụ đông xuân nhằm bù đắp lượng lương thực thiếu hụt; sửa chữa các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và lưu thông…”.

Sẽ còn nhiều khó khăn trong những ngày sắp tới, nhưng cũng như các địa phương vùng lũ, người dân Vũ Quang không hề đơn độc. Sự quan tâm giúp đỡ, của cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể, sự chia sẻ kịp thời của các tổ chức, cá nhân hảo tâm; sự cưu mang, đùm bọc của cả cộng đồng… đang là nguồn sức mạnh lớn lao để giúp bà con vượt qua những khó khăn trước mắt, vươn lên trong cuộc chiến với sự khắc nghiệt của thiên tai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast