"Lam giang" - Cảm hứng của Nguyễn Du từ một dòng sông

(Baohatinh.vn) - Thơ chữ Hán viết về sông, Nguyễn Du có gần vài chục bài. Tất cả đều toát lên một tâm trạng chung: nỗi buồn, sự luyến tiếc, hoài niệm về quá khứ. Một trong nhiều bài thơ về sông của Nguyễn có dáng vẻ riêng, đó là Lam giang, ghi lại xúc cảm cũng như lòng trắc ẩn của tác giả với người dân quê lam lũ, cảm hứng nghiêng về phía hiện thực và chứa đựng một cảm thức triết học khá tích cực.

Sông quê là một đề tài ta gặp ở nhiều tác giả (sông gắn với tình yêu, với tuổi thơ, với cha mẹ…) nhưng Lam giang của Nguyễn Du lại có một cái nhìn hướng về hiện thực, về thân phận người nông dân lao khổ. Bài thơ là một bức tranh về nỗi cơ cực của người dân quê trước tai ách thiên nhiên trong xã hội cũ mà nhà thơ trải nghiệm. Đầu bài thơ, cảnh mùa thu n­ước sông lớn, rất hung dữ.

Những hình ảnh … Ngựa trâu lạc bờ bến/ Sóng xô quỷ lạ hiện/ Bờ lở sấm vang ầm đã nói rõ điều này. Cảnh dữ ở khúc sông này ta còn gặp nhiều lần trong thơ Nguyễn …Núi Tam Điệp nhiều hổ báo/ Sông Lam lắm thuồng luồng/ Đường đi hiểm trở khó khăn (Ghi lại giấc mộng). Trước cảnh đó, tác giả vô cùng lo lắng, cái chết gần trong gang tấc: Tấc lòng thư­ờng áy náy/ Không may lỡ sảy chân/ Chìm lỉm sâu tận đáy. Nhưng sự thật diễn ra trước mắt tác giả lại ngược lại, người nối người không hề sợ nguy hiểm: Ng­ười tru­ớc ào ào đi/ Nguời sau ùn ùn tới. Hai câu thơ nguyên tác đối nhau về âm vận gợi sự trùng điệp, người người lớp lớp (Khứ giả hà thao thao/ Lai giả th­ượng dị vĩ).

"Lam giang" - Cảm hứng của Nguyễn Du từ một dòng sông ảnh 1

Bến Giang Đình (Ảnh từ internet)

Một câu hỏi lớn xuất hiện trong tâm tư nhà thơ: Cớ sao ng­ười thế gian/ Nguy hiểm không sợ hãi? Một băn khoăn thường tình nhưng với Nguyễn Du lại đầy tâm trạng “Cớ sao ng­uời thế gian… không chùn chân trước cái chết?”. Người đọc có thể hiểu được và giải thích: vì mưu sinh. Cuộc sống người dân quê trong xã hội cũ đói khó quanh năm, nhất là mùa lũ lụt, “túng phải tính, liều thân”. Lòng tác giả không yên trước sự bất nhẫn của cuộc đời. Lòng trời vốn thư­ơng ng­ười/ Sao để như thế mãi?

Câu hỏi lớn đầy day dứt về cuộc đời, về kiếp người: Sao? Cớ Sao? lặp lại trong tâm tư tác giả. Trách trời cao nhưng cao xanh vẫn bó chịu, đành gửi vào giấc mơ, vào ước vọng – một ước vọng chung của những nhà nhân đạo trong xã hội cũ, người thì muốn có nhà trăm gian che mưa lụt cho người nghèo, người thì mong áo mặc, cơm ăn cho những kiếp cơ nhỡ. Nguyễn Du bày tỏ: Muốn đem Thiên nhẫn sơn/ Lấp bằng sông Lam lại. Thiên Nhẫn là một ngọn núi kề sông Lam, cũng ở quê hương Hồng Lam. Câu thơ nói lên điều gì để 200 năm sau người đọc còn phải suy nghĩ?

Tác giả bộc lộ suy nghĩ tích cực cải tạo hoàn cảnh Muốn đem Thiên nhẫn sơn/ Lấp bằng sông Lam lại, tránh nguy nan cho mọi người. Dẫu chỉ mới là một ý “muốn”, nhưng cũng đã vượt qua cái giới hạn cam chịu, nhờ trời, một thúc thủ về thân phận quen thuộc! Câu thơ nói về cảnh vật nhưng người đọc cảm thấy một ngụ ý bóng bẩy về cuộc đời, phải làm một cái gì đó cứu khổ cho nạn dân “lấy chỗ cao bù chỗ thấp”. Câu thơ là một nối tiếp triết lý hành động của dân Việt trong những hoàn cảnh cam go, bức bách của đời sống từng thể hiện trong ca dao, tục ngữ! Ý muốn tích cực này thể hiện một tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống của nhà thơ.

Đọc, ngẫm nghĩ, liên hệ cuộc đời chìm nổi, những dằn vặt khôn nguôi của Nguyễn Du cho đến khi nhắm mắt, ta thấy bài thơ hình như còn chứa đựng một bề sâu tư tưởng khác của Nguyễn về cõi nhân sinh, một tư duy sâu nặng hơn về kiếp “dân đen”, về những tao loạn trong cõi đời.

Khi Nguyễn nói về sự liều thân của người dân mùa thác lũ, Nguyễn đã nói đến cái “sức mạnh liều lĩnh” tự phát của người nông dân xứ này, cái liều lĩnh do nghèo đói, vì bát cơm, manh áo. Cái tư tưởng này ta đã nghe Nguyễn nói một lần khác Dân đen không chịu nỗi đói rét/ Lo bát cơm manh áo mà xem nhẹ tính mạng… Chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên”(Tiểu dân bất nhẫn hàn thả cơ/ Cẩu đồ bão úc than vi khinh… Sảo gia tồn tuất đương tự bình - Trở binh hành). Nó như nhắc nhở, phải giải quyết cái mầm liều lĩnh đó, tạo sự bình yên trong xã hội.

Muốn đem Thiên nhẫn sơn/ Lấp bằng sông Lam lại,ước vọng thật đáng quý. Tấm lòng, ý chí của Nguyễn sáng mãi trong lòng người, để tên tuổi ông bất tử.

LAM GIANG

Sáng sớm ngắm sông Lam

Mùa thu n­uớc sông lớn

Cá giải đùa bãi gò

Ngựa trâu lạc bờ bến

Bờ lở sấm vang ầm

Sóng xô quỷ lạ hiện

Nguy hiểm nản lòng ngu­ời

Sụt lở ý trời khiến

Ta trông đầu sông Lam

Tấc lòng thường áy náy

Không may lỡ sảy chân

Chìm lỉm sâu tận đáy

Cớ sao người thế gian

Nguy hiểm không sợ hãi ?

Ng­ười trước ào ào đi

Người sau ùn ùn tới

Lòng trời vốn thư­ơng ng­ười

Sao để như thế mãi?

Muốn đem Thiên Nhẫn sơn

Lấp bằng sông Lam lại.

Phạm Khắc Khoan, Lê Thước dịch.

----------

(1) Nguyễn Du - Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh Thạch đài.

(2) Người dịch Nguyễn Đình Khang, Nguyễn Văn Phú – Đô thành hiểu cổ xuất bản1936 – NXB Văn hóa Thông tin và TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - tái bản 2014.

(3) Có 2 cách giải thích:

- “nhai” đọc trệch từ “nha”, có nghĩa là răng , mồm. Thanh long là rồng xanh, cái mồm con rồng mùa lũ hóa thành đỏ, “đan nhai” có nghĩa đen như vậy.

- “nhai” có nghĩa là bờ sông, dốc núi (theo Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh), mùa lũ cửa sông có màu đỏ (đan nhai).

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast