Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

(Baohatinh.vn) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh sáng nay (16/12), nhiều đại biểu đã dành cho Giám đốc Sở KH&ĐT những câu hỏi về công tác đầu tư và triển khai dự án đầu tư trên địa bàn.

Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà đăng đàn trả lời chất vấn.

Hà Tĩnh hiện có 244 dự án đang chậm tiến độ

Trong tổng số trên 1.400 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh có 294 dự án chậm tiến độ (chiếm tỷ lệ khoảng 21,3%). Trong đó, đã tiến hành thu hồi 50 dự án, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt hành chính 88 dự án với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

“Hiện tại còn 244 dự án đang chậm tiến độ, phân theo 4 nhóm, cụ thể: Đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng 90 dự án; đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng 45 dự án; chưa hoàn thành GPMB, chưa được cho thuê đất 46 dự án; chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020: 50 dự án (100% đất do nhà nước quản lý). Riêng KKT Vũng Áng có thêm nhóm dự án đầu tư thuê lại đất trong các khu công nghiệp 13 dự án”, ông Trần Việt Hà nêu rõ.

Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà làm rõ nguyên nhân dẫn tới dự án sử dụng đất chậm tiến độ.

Theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, thực trạng này xuất phát từ các nguyên nhân như: Năng lực một số nhà đầu tư hạn chế; công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng còn bất cập, dẫn đến khó khăn trong công tác GPMB, chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; một số ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát; quy định của pháp luật còn chồng chéo. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, giải pháp được ngành KH&ĐT đưa ra là: Tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện chặt chẽ, hiệu quả khâu thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB và các hồ sơ, thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?

Tại phiên chất vấn, các câu hỏi liên quan đến dự án sử dụng đất chậm tiến độ, công tác giải ngân vốn đầu tư công nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga - Tổ đại biểu Nghi Xuân đặt câu hỏi về 50 dự án (100% đất do nhà nước quản lý/đất sạch) trong tổng số 244 dự án sử dụng đất chậm tiến độ chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 (gọi tắt là Nghị định 148).

Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga - Tổ đại biểu Nghi Xuân đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Theo quy định tại Nghị định 148, đối với các dự án cho thuê đất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất thì phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Căn cứ vào quy định này, các giải pháp sẽ là tiến hành kiểm tra và làm việc cụ thể từng dự án, chấm dứt dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không chấp thuận, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương để tiếp tục xử lý.

Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn - Tổ đại biểu Vũ Quang quan tâm tới giải pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Quan tâm tới việc giải ngân đầu tư công, câu hỏi được đại biểu Nguyễn Văn Tuấn - Tổ đại biểu Vũ Quang đưa ra là: Mặc dù tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại Hà Tĩnh đạt cao, tuy nhiên cơ cấu một số nguồn vốn (ví dụ nguồn ODA) vẫn chưa đạt. Các giải pháp thúc đẩy?

Làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT phân tích về nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA như: công tác triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư còn chậm; năng lực trình độ của một số BQL dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng vấn đề thanh quyết toán, hoàn thiện hồ sơ; đề xuất đăng ký nhu cầu vốn chưa sát với khả năng triển khai thực tế, vẫn còn tâm lý đề xuất bố trí vốn cao nhưng khả năng giải ngân thấp; công tác bồi thường GPMB còn khó khăn; một số địa phương, đơn vị chưa vào cuộc quyết liệt...

Từ đó, ngành KH&ĐT đã đề ra các giải pháp gồm: tập trung cao cho công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị trong triển khai các dự án đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch của đầu tư công; thực hiện nghiêm các chế tài, kỷ luật với các chủ đầu tư chậm tiến độ, không bố trí vốn với các chủ đầu tư chậm tiến độ.

Dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn

Đại biểu Mai Ngọc Việt đề nghị làm rõ chất lượng đầu tư của các công trình không đảm bảo.

Liên quan đến đầu tư công, đại biểu Mai Ngọc Việt - Tổ đại biểu huyện Thạch Hà đề nghị “tư lệnh” ngành KH&ĐT làm rõ chất lượng đầu tư của các công trình trên địa bàn không đảm bảo và giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Giám đốc Sở KH&ĐT thẳng thắn trao đổi: Các dự án đầu tư công được giao cho BQL dự án cấp tỉnh. BQL dự án có trách nhiệm phối hợp với tốt với địa phương trong công tác GPMB và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng các công trình. Tuy nhiên, đại biểu Việt vẫn chưa hài lòng với câu trả lời và đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời về trách nhiệm quản lý chất lượng các dự án. “Ngoài những giải pháp nói trên, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong vấn đề xử lý các sai phạm, trong đó, có nội dung về chất lượng công trình”, ông Hà nhấn mạnh.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast