Nhớ người muôn năm cũ...

(Baohatinh.vn) - Tình cờ, trong dịp kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh, tôi gặp lại bức ảnh chụp ông Võ Hồng Huy và ông Thái Kim Đỉnh trong một cuộc hội thảo tại Hà Tĩnh. Bức ảnh chụp hai người bạn thân ngồi lặng lẽ bên nhau, tưởng như không có giao tiếp nào, kỳ thực, tôi biết ở họ có những giao cảm không bằng lời nói...

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hai nhà địa phương học gạo cội của Hà Tĩnh “về trời” cũng đã ngót nghét nửa thập kỷ. Chừng ấy thời gian, những con đường, những trang sách, những cuộc hội thảo vắng giọng nói, hơi ấm của hai ông. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian, nhiều người Hà Tĩnh không thôi nhớ thương hai người bạn tài hoa, một đời dành tâm huyết cho những công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử địa phương.

Nhớ người muôn năm cũ...

Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy (phải) và nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh (trái) tại hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu tháng 2/2016. Ảnh tư liệu

Kẻ sỹ Ngàn Hống

Người ta vẫn thường gọi nhà địa phương học Võ Hồng Huy (1925 - 2016) bằng danh xưng ấy bởi trong quá trình nghiên cứu của mình, ông dành một thời lượng lớn cho danh thắng núi Hồng. Những tác phẩm đã in và đang nằm ở dạng tư liệu của ông cho thấy bước chân ông đã in dấu hầu khắp 99 đỉnh non Hồng.

Các cuộc điền dã, khảo sát, khảo cứu, sưu tầm, khai thác tư liệu… của ông không chỉ để lý giải về tên gọi của núi Hồng mà còn để bóc tách nhiều vỉa tầng văn hóa ẩn sâu trong thông xanh Ngàn Hống, trong những di tích lịch sử, trong những huyền thoại hay thơ văn viết về Ngàn Hống. Từ những điều nghiên cứu được, ông cũng đưa ra nhiều giả thuyết về các thời kỳ văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước được nhiều nhà nghiên cứu tâm đắc.

Nhớ người muôn năm cũ...

Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong một lần đi điền dã núi Hồng. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

Nhưng không chỉ có thế, người ta gọi nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy là kẻ sỹ Ngàn Hống còn bởi ông là một nhân cách lớn. Vừa có trí tuệ uyên thâm, vừa có cái chất khảng khái của ông đồ Nghệ, lại vừa nho nhã, khiêm nhường, cẩn trọng và lãng mạn. Trong bài viết về nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy sau khi ông mất (tháng 3/2016), nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh đã dành cho người thầy - người bạn của mình tất cả sự trân trọng, yêu thương.

Nhiều nhận xét của ông Thái Kim Đỉnh đã cho thấy tất cả phẩm chất, trí tuệ, tính cách của ông Võ Hồng Huy: “Anh Huy nghiêm nghị nhưng rất thích văn chương”; “Tuổi cao, anh vẫn rất minh mẫn và càng cẩn trọng, luôn biết hợp tác với đồng sự, không bao giờ tỏ ra thừa sức để làm việc đơn độc”; “Anh là một nhà leo núi đúng với cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen”; “Anh Huy kỹ tính, những gì anh viết ra là đã được tìm hiểu kỹ càng, thấu đáo, đã được mắt thấy, tai nghe”; “…văn phong thanh nhã, nhẹ nhàng mà chính xác, gọn sắc, một văn phong khoa học lại đậm chất trữ tình, đọc không thấy ngán”; “Anh là một ông quan có đủ bốn đức thanh, cần, thận, trực”; “Trong số bạn cùng lứa tác với tôi, có người hay nói đến “cống hiến suốt đời”, “làm việc đến hơi thở cuối cùng” nhưng chỉ có anh thực hiện được như vậy, dù anh không hề nói câu ấy” v.v…

Do tính cẩn trọng nên 20 tác phẩm đã in chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng kiến thức, tư liệu mà nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy thu thập được. Bây giờ, tất cả sách, tài liệu, tư liệu, những bản thảo còn dang dở của ông đã được Tiến sỹ Võ Hồng Hải - con trai ông mang về nhà riêng để sắp xếp lại và sẽ dần tập hợp, in thành sách.

Nhớ người muôn năm cũ...

Một số cuốn sách cũ của Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy.

Trong quá trình tiếp cận với “kho báu” mà ông để lại, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tính nghiêm cẩn khoa học của nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy. Tất cả tư liệu ông sưu tầm được đều được cất, gói cẩn thận và ghi chú rõ ràng, dù chỉ là 1 tờ giấy hay điều gì ông ghi vội ở tờ lịch thì ông cũng cuộn hoặc gói buộc cẩn trọng và ghi chú bên ngoài.

Chị Phan Hà - con dâu ông chia sẻ: “Đúng như ông Thái Kim Đỉnh nói, bố tôi là người đã làm việc đến hơi thở cuối cùng. Ông mất khi nhiều công trình, bài viết còn dang dở… Nhưng có lẽ ông biết trước điều đó nên những tư liệu, tài liệu quan trọng ông đều cất đặt cẩn thận. Bởi thế, bây giờ trong quá trình lưu giữ và sắp xếp lại “kho báu” của bố, chúng tôi gặp khá nhiều thuận lợi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập hợp và in thêm các tập sách quý mà bố để lại”.

Một đời phụng thờ văn hóa truyền thống

Lâu lắm rồi tôi mới trở lại căn nhà nhỏ nơi con ngõ 12 đường Xuân Diệu. Chiếc bàn nơi ông Thái Kim Đỉnh (1926 - 2017) thường ngồi làm việc vẫn ở chỗ cũ, chỉ bút nghiên đã vắng hơi ấm tay người. Sau khi ông Đỉnh qua đời, hàng nghìn cuốn sách quý đã được gia đình tặng cho Thư viện tỉnh. Bà Lê Thị Miên - vợ ông và một số người bạn đã tập hợp in được mấy cuốn. Hiện nay, bà Miên vẫn lưu giữ tại gia một tủ sách gồm những cuốn đã in và rất nhiều bản thảo ông biên soạn dở dang.

Nhớ người muôn năm cũ...

Bà Lê Thị Miên bên chiếc tủ nhỏ lưu giữ một phần rất ít sách, bản thảo của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh.

Tôi cứ nhớ mãi dáng ông ngồi lặng lẽ, miệt mài đọc và ghi chép trong thư phòng đầy sách. Trước đó, ông đã có những năm tháng dài miệt mài điền dã, khai thác, sưu tầm. Nhìn lại pho sách 90 tác phẩm đã in (in riêng, in chung, chủ biên, soạn chung) và 6 tác phẩm chép tay, đánh máy vi tính chưa có điều kiện xuất bản mà nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh để lại, thật khó để mặc định ông vào một danh xưng cụ thể nào. Bởi đề tài nghiên cứu của ông thuộc nhiều loại hình: văn học, văn hóa dân gian, văn học Hán Nôm, lịch sử v.v...

Và, như một nhận xét: Ông “quan tâm đến mê đắm, phụng thờ linh thiêng những giá trị văn hóa truyền thống quê hương, xứ sở”. Từ những nghiên cứu của ông, người ta hiểu rõ hơn về những ngôi làng cổ, ngôi chùa cổ, những bãi bờ, sông núi đến những kiệt tác thơ văn, phong trào sáng tác, quá trình hình thành nên địa chí, văn hóa, lịch sử nhiều vùng đất trên quê hương Hà Tĩnh v.v…

Có lần trong một bài viết nhỏ của mình, tôi đã gọi ông là “trầm hương trong từng mạch gỗ” nhưng cách ví von đó chỉ mới đủ để phản ánh một góc rất nhỏ trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. Ông đã dành gần như cả cuộc đời mình cho niềm đam mê văn hóa Hà Tĩnh - Nghệ Tĩnh. Không chỉ nghiên cứu một cách nghiêm cẩn, khoa học, người ta còn nhìn thấy ở ông sự đa cảm, hào hoa, lãng mạn trong những tác phẩm thơ, truyện ký. Gọi ông là một nhà nghiên cứu hay một nghệ sỹ đều đúng.

Nhớ người muôn năm cũ...

Nhà nghiên cứu Thái Kinh Đỉnh trong một lần gặp gỡ tác giả bài viết. Ảnh tư liệu

Dù ai gọi ông là gì thì ông lúc nào cũng trong dáng vẻ mộc mạc, khiêm nhường. Tuy có số lượng tác phẩm khá đồ sộ với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa Hà Tĩnh nhưng ông Thái Kim Đỉnh lại là một người rất khiêm tốn. Nhất là trong mối quan hệ với những người cùng nghề, ông luôn tìm được sự giao hảo, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Những người bạn nổi tiếng của ông như các ông: Nguyễn Đổng Chi, Trịnh Xuân An, Võ Hồng Huy, Xuân Tửu, Hồ Tôn Trinh, Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao... cũng sống và làm việc bằng nhân cách ấy.

Đặc biệt, khi còn sống, trong nhiều lần gặp gỡ, nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh thường chia sẻ với tôi về tình bạn của ông với ông Võ Hồng Huy. Dù ông kể nhiều kỷ niệm trong viết lách, trong các cuộc điền dã hay đời sống thường nhật thì bao giờ câu cuối cùng ông cũng nói: “Tôi luôn coi anh Huy là một người thầy”.

Nhớ người muôn năm cũ...

Một số cuốn sách đã xuất bản của Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh.

Có lẽ nhờ cách tự tạo tâm thế là học trò của những người bạn mà cả một đời nghiên cứu của ông Thái Kim Đỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người bạn quý. Để những tư liệu, tài liệu ông khai thác, sưu tầm được về văn hóa, lịch sử của quê hương đều tìm được chìa khóa để mở ra những giá trị tiềm ẩn, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng đời sống văn hóa của Hà Tĩnh.

Kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh, rất nhiều người đã tìm đến những cuốn sách, bài viết của hai nhà địa phương học để khai thác tư liệu. Cũng có rất nhiều người tìm đến những trang viết của hai ông như cách để tưởng nhớ hai cuộc đời tài hoa, đã cống hiến trọn vẹn niềm đam mê, đã dành sự trân trọng cho văn hóa xứ sở… Và, vào một cuối chiều mưa bay, trong lòng phố, sau khi tìm lại kỷ niệm về hai nhà nghiên cứu, tôi chợt nhớ hai ông trong hình ảnh thơ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast