Thu ngân sách 7 tháng đạt xấp xỉ 60% dự toán cả năm

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN tháng 7 ước đạt 92,77 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng năm 2015, ngân sách thu đạt 544,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT... Ảnh minh họa
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT... Ảnh minh họa

Thu nội địa tăng 15,7%

Trong tổng thu ngân sách nhà nước tháng 7/2015, thu nội địa ước đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 26,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 57% so với tháng trước, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2015 theo chế độ quy định.

Lũy kế thu nội địa 7 tháng đạt 404,36 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ, nếu không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,8%.

Thu từ dầu thô thực hiện tháng 7 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện tháng 6; luỹ kế thu 7 tháng đạt ước đạt 42,27 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Bộ Tài chính cũng cho biết, số thu dầu thô được tính trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 9,69 triệu tấn, bằng 65,8% kế hoạch năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ; giá dầu bình quân khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng ước đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán. Trong đó, tổng thu thực tế đạt 147,7 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014, song đã hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 52 nghìn tỷ đồng.

Các khoản thu còn lại là từ thu viện trợ và thu khác.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 7 ước 95 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2014, chi đầu tư phát triển thực hiện 7 tháng đạt 99,45 nghìn tỷ đồng, bằng 51,0% dự toán, tăng 6,3%; chi trả nợ và viện trợ thực hiện đạt 91,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3% dự toán, tăng 15,3%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính thực hiện 7 tháng đạt 444,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58% dự toán, tăng 5,9%.

Bội chi NSNN 7 tháng ước 100,68 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán năm.

Phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao

Bộ Tài chính nhận định: Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.

Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN.

Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành ngân quỹ đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của NSNN. Tiếp tục tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch được giao.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại rà soát, đàm phán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công theo kế hoạch được phê duyệt.

Cục Quản lý giá cũng được yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để tổng hợp, rà soát tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG báo cáo Bộ. Đi đôi với đó là tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa đối với các sản phẩm nhãn hiệu mới, thông báo giá một số mặt hàng như: khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi...

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014- 2015 theo đúng kế hoạch đề ra.../.

Theo Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast