Ngàn Trươi dẫn thẳng…

Gần năm rưỡi (từ tháng 9/2009 – 5/2011) bàn đi tính lại với hàng chục cuộc họp lẫn hội thảo quy tụ phần lớn chuyên gia đầu ngành thủy lợi nước nhà, cuối cùng câu hỏi: “Có làm đập dâng (Cẩm Trang) trên sông Ngàn Sâu không?” cũng được Bộ NN&PTNT trả lời một cách thỏa đáng là không! Nước từ Ngàn Trươi sẽ được dẫn thẳng về các khu tưới mà không bị chặn lại trên sông Ngàn Sâu như phương án quy hoạch ban đầu.

21 tháng cách đây, trong tham luận phản biện của mình tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu phương án tối ưu hệ thống tưới dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang” do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội Đập lớn Việt Nam tổ chức, ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học công nghệ - Hội Đập lớn Việt Nam đã viện dẫn: “Ý tưởng xây dựng đập dâng Cẩm Trang là từ những kỹ sư người Pháp, vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Sau cùng, người Pháp đã đi đến quyết định là không xây dựng đập Cẩm Trang vì nó có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, đặc biệt là lũ trên sông Ngàn Sâu rất hung dữ. Điều mà kỹ sư Ác Nu – Giám đốc Sở Thủy nông Bắc Trung bộ, một trong những tác giả ý tưởng trên quan tâm là nếu làm Cẩm Trang thì Hương Khê không có lối thoát do ngập lũ của sông Ngàn Sâu”. Điều đó khẳng định, vấn đề xây dựng đập dâng trên sông Ngàn Sâu vừa có tính lịch sử nhưng lại mang tầm thời đại sâu sắc.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi
Công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi

Tiểu dự án hệ thống kênh Ngàn Trươi – Cẩm Trang được Tổng công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam (HEC) lập hoàn chỉnh theo phương án quy hoạch ban đầu (xây dựng đập dâng trên sông Ngàn Sâu) vào tháng 9/2009 nhưng mãi đến tháng 5/2011 vừa qua, Bộ NN&PTNT mới phê duyệt do phương án xây dựng đập dâng trên sông Ngàn Sâu còn những tồn tại lớn cần phải xem xét kỹ lưỡng và cụ thể.

Đầu tiên chính là vấn đề ngập lụt, di dân tái định cư: Hương Khê và Vũ Quang là hai vùng thường xuyên chịu ngập lụt lớn do mưa lũ; nếu xây dựng đập dâng trên sông Ngàn Sâu thì diện tích ngập thường xuyên khoảng 700 – 1.000 ha nên ngoài mất đất sản xuất cùng các công trình hạ tầng, chi phí bồi thường GPMB và tái định cư cực lớn (hơn 1.300 tỷ đồng), còn bị ảnh hưởng lớn về mặt xã hội.

Thứ hai là vấn đề cản lũ và an toàn vận hành: Đập dâng trên sông Ngàn Sâu là một cống điều tiết bằng hệ thống cửa van, phải vận hành thường xuyên (đặc biệt là trước và sau lũ) trong khi lũ sông Ngàn Sâu có cường suất và biên độ lũ rất lớn (lưu lượng xả lũ thiết kế hơn 6.000m3/s), thường sinh ra lũ quét; bên cạnh đó, quy trình vận hành hệ thống cửa van hoàn toàn bị động, quá trình vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn và những sự cố rủi ro rất dễ xảy ra, gây cản lũ và ảnh hưởng về mặt xã hội cũng như an toàn của hệ thống.

Từ những tồn tại đó, cùng với chủ trương nghiên cứu giải pháp công trình thủy lợi chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng bằng cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông Lam (Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 12/7/2010 của Văn phòng Chính phủ), Bộ NN&PTNT đã cho khảo sát, nghiên cứu thêm một số phương án để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực khi xây dựng công trình.

Hơn 30 km kênh chính Linh Cảm sẽ được cải tạo, nâng cấp để chuyển tải nước từ hồ Ngàn Trươi
Hơn 30 km kênh chính Linh Cảm sẽ được cải tạo, nâng cấp để chuyển tải nước từ hồ Ngàn Trươi

Kết quả là Bộ NN&PTNT đã chọn phương án sơ đồ cấp nước dẫn thẳng (không xây dựng đập dâng trên sông Ngàn Sâu), có tổng mức đầu tư thấp hơn (4.336 tỷ đồng), ít gây tác động xấu về môi trường, số hộ bị ảnh hưởng ít (20 hộ), không gây ngập lụt vùng thượng lưu Ngàn Sâu.

Theo đó, sơ đồ cấp nước hạ du Ngàn Trươi và giải pháp xây dựng sẽ là: Nước từ hồ Ngàn Trươi được xả qua cống lấy nước số 1 (tuynel 1) xuống sông Ngàn Trươi. Cách công trình đầu mối Ngàn Trươi khoảng 4m sẽ xây dựng đập dâng Vũ Quang trên sông Ngàn Trươi tạo thành một hồ chứa nằm trong lòng sông Ngàn Trươi (thuộc thị trấn Vũ Quang). Từ đây, xây dựng kênh chính Ngàn Trươi dẫn thẳng nước từ đầu mối đập dâng Vũ Quang về Cẩm Trang. Tại Cẩm Trang, xây dựng 1 xi phông vượt sông Ngàn Sâu (dài 890m) để đổ vào kênh chính Linh Cảm tại K5+716 (xã Đức Long – Đức Thọ).

Từ sơ đồ đó, có thể thấy, khu tưới Vũ Quang sẽ do kênh chính cấp trực tiếp. Ngoài ra, sẽ xây mới 14,8km kênh Cầu Động với lưu lượng thiết kế đầu kênh 4,02m3/s để lấy nước từ kênh chính tưới cho vùng hạ Hương Sơn và ven kênh Cầu Động; cải tạo, nâng cấp 34km kênh chính Linh Cảm với lưu lượng thiết kế đầu kênh gần 50m3/s và các kênh cấp dưới để cấp nước cho các khu tưới: Linh Cảm, Sông Nghèn, Nghi Xuân; sau cống lấy nước số 2 (tuynel 2) của hồ Ngàn Trươi, xây mới 23km kênh Hương Sơn với lưu lượng thiết kế đầu kênh 4,6m3/s để tưới cho vùng thượng Hương Sơn…

Sơ đồ dẫn thẳng là phương án được sự nhất trí cao của nhiều chuyên gia đầu ngành thủy lợi, các nhà quản lý trung ương và địa phương, bởi ngoài những lợi điểm như đã nêu trên còn là tận dụng được đầu nước cao do lấy trực tiếp từ hồ.

Tuy nhiên, để đáp ứng lưu lượng thiết kế đầu kênh gần 50m3/s của kênh chính Ngàn Trươi (dài 16,7km) đòi hỏi phải cải tạo, nâng cấp kênh chính Linh Cảm hiện nay, trong đó: đoạn từ K5+716 – K34+017 phải đắp đất tôn bờ có nơi hơn 1m. Do đó, ngoài vấn đề chất lượng bờ kênh thì yếu tố thẩm mỹ khi kênh bỗng dưng cao hơn nền nhà cũng là một quan ngại của người dân địa phương; đó là chưa kể việc tôn kênh cũng ảnh hưởng đến vấn đề tiêu thoát lũ.

Liên quan đến những thay đổi lớn của kênh chính Linh Cảm, ông Nguyễn Bá Đức - Trưởng BQL Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang cho biết, cả cơ quan tư vấn và chủ đầu tư đều đã cân nhắc và thấy, tuy có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Hiện nay, để đảm bảo cho việc khởi công Tiểu dự án kênh Ngàn Trươi vào cuối năm 2011, BQL dự án đang đốc thúc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế kỹ thuật – bản vẽ thi công và dự toán kênh chính Ngàn Trươi.

Khó như việc xác định sơ đồ tưới cho hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang rồi cũng được gỡ. Nhưng, hành trình phía trước của Tiểu dự án hệ thống kênh Ngàn Trươi sẽ còn nhiều thách thức, đáng kể nhất là nhu cầu vốn trung bình trên 800 tỷ đồng/năm trong thời hạn 5 năm xây dựng công trình. Một lần nữa, Hà Tĩnh lại rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương để sớm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án trọng điểm quốc gia: Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast