Kiềm chế tăng trưởng dư nợ: Các ngân hàng chật vật trong đầu tư tín dụng

Quý 1/2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ bằng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất chưa giảm, cộng với những chính sách kiểm soát chặt tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô khiến hoạt động đầu tư tín dụng đã khó nay càng khó hơn.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh cho biết, đến ngày 25/3, tổng dư nợ trên địa bàn đạt trên 15.000 tỷ, tăng 3% so với đầu năm và chỉ bằng 65% tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2010. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế trong thời điểm đầu năm còn hạn chế, điều kiện thời tiết chưa thuận lợi, thì thực trạng lãi suất chưa thể giảm hiện nay cũng khiến khách hàng phải cân nhắc khi vay vốn.

Techcombank Hà Tĩnh phổ biến các chính sách tín dụng trong thời điểm thực hiện kiềm chế lạm phát
Techcombank Hà Tĩnh phổ biến các chính sách tín dụng trong thời điểm thực hiện kiềm chế lạm phát

Theo Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực, lãi suất cho vay ở mức khoảng 13-14%/năm là hợp lý đối với khách hàng, nhưng hiện nay lãi suất huy động chưa giảm nên mặt bằng cho vay cũng đang ở mức từ 16-20%/năm. Lãi suất ngân hàng cũng như hầu hết các các nguyên liệu đầu vào đều tăng khiến doanh nghiệp thận trọng hơn khi triển khai các dự án SX-KH. Đây chính là những khó khăn, trăn trở của ngân hàng trong đầu tư vốn cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng.

Đối với cho vay nông nghiệp - nông thôn, trong khi người nông dân chưa hết khó khăn do thiên tai, thì với lãi suất cho vay cao như hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế là một bài toán khó. Theo Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh, 3 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của ngân hàng tăng trưởng trên 500 tỷ đồng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhưng việc đầu tư tín dụng hết sức khó khăn, 2 tháng đầu năm, dư nợ giảm, đến tháng 3 với nhiều giải pháp tập trung đầu tư tín dụng, dư nợ mới bắt đầu nhích lên 3% so với đầu năm.

Cơ hội đầu tư tín dụng lại càng hẹp hơn khi Ngân hàng Nhà nước tập trung đồng loạt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ của tất cả các TCTD lớn nhỏ trong năm 2011 sẽ ở mức phải kiềm chế ở mức cao dưới 20%. Với sự điều chỉnh mới này, ngành ngân hàng Hà Tĩnh phải đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 25% (đề ra từ đầu năm) xuống còn 20% và tất cả các TCTD cũng đã buộc phải thay đổi chiến lược tín dụng trong năm nay.

Dù nguồn vốn huy động của BIDV Hà Tĩnh tăng trưởng khá nhưng đầu tư tín dụng những tháng đầu năm lại gặp khó khăn.
Dù nguồn vốn huy động của BIDV Hà Tĩnh tăng trưởng khá nhưng đầu tư tín dụng những tháng đầu năm lại gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự khẳng định, từ quý 2 cho đến cuối năm, nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế sẽ tăng, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn đòi hỏi một nguồn đầu tư tín dụng khá lớn.

Tỉnh sẽ cùng với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tham gia cùng các chi nhánh NHTM trong quá trình tranh thủ nguồn vốn từ các ngân hàng trung ương cho Hà Tĩnh ở giai đoạn phát triển quan trọng này.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần chú trọng đầu tư vốn cho những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh và ưu tiên số một cho vay sản xuất vì chỉ khi phát triển sản xuất thì đầu tư tín dụng mới mang lại hiệu quả thiết thực và mới giải quyết được gốc rễ của bài toán lạm phát hiện nay.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Kiều Đình Hòa cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng trung ương giao trong năm nay là dưới 19% đồng nghĩa với con số tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh chỉ được 200 tỷ. Trong khi đó, các dự án lớn của tỉnh mà đơn vị tham gia đầu tư đã chiếm phần lớn số vốn này. Vì vậy, Chi nhánh sẽ thiếu vốn để cho vay các lĩnh vực được ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa và nông nghiệp nông thôn…

Đối với Vietcombank Hà Tĩnh, trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,4%, so với giới hạn tăng trưởng dư nợ năm nay của Chi nhánh được khống chế ở mức 15%/năm.

Như vậy, từ nay đến cuối năm để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ hết sức khó khăn. Trong khi đó, Vietcombank Hà Tĩnh đã ký kết cho vay các dự án với nguồn vốn khá lớn. Chi nhánh đã đề xuất với Vietcombank Việt Nam và đang chờ ngân hàng trung ương thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế ở Hà Tĩnh để có sự điều chỉnh hợp lý.

Bên cạnh bị xiết chặt trần tăng trưởng tín dụng, đầu tư vốn của các TCTD còn phụ thuộc vào kết quả huy động nguồn vốn. Theo quy định của các NHTM trung ương, từ kết quả tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn, các chi nhánh sẽ được phép tăng trưởng dư nợ với tỷ lệ nhất định. Đối với các ngân hàng không chủ động được nguồn vốn mà phải phụ thuộc vào vốn vay của ngân hàng trung ương thì việc tăng trưởng tín dụng sẽ càng nan giải hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast