Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn

Đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại đã không ít sách báo phim ảnh giới thiệu con đường huyền thoại này. Tuy nhiên, tuyến đường giao liên chuyển quân từ Bắc vào Nam phải vượt qua nhiều con sông lớn. Để bộ đội vượt sông an toàn, tránh tổn thất do không quân Mỹ đánh phá là yêu cầu cao nhất của nhiệm vụ. Bến đò Chợ Thượng, một trong những trọng điểm của bộ đội qua sông đã nói lên điều đó.

Nhớ mãi một bến đò

Ảnh của bài

Ảnh của bài

Bến đò Chợ Thượng qua sông La đã có từ xa xưa, thuộc xã Trường Sơn (Đức Thọ) thường ngày chở khách qua sông nối đôi bờ giao lưu buôn bán làm ăn. Chiến tranh phá hoại nổ ra, đò Chợ Thượng được gánh thêm nhiệm vụ chở bộ đội qua sông vào Nam chiến đấu. Trách nhiệm này được giao cho Đảng bộ và nhân dân xã Trường Sơn suốt từ năm 1965 đến khi Tổ quốc thống nhất.

Trường Sơn là địa phương có nhiều ngành nghề như đan lát, đóng thuyền và HTX Minh Châu chuyên làm nghề cào hến quanh năm trên sông nước với hàng trăm chiếc thuyền cào của nhân dân, mỗi thuyền chở được khoảng 2 tiểu đội và trang bị là yếu tố hết sức thuận lợi.

Tuyến giao liên chuyển quân vào sau khi vượt sông Lam đến tập kết tại Nam Trung – Nam Đàn, đi qua đò Chợ Thượng vượt sông La về trạm Đức Lạc, Đức Hòa là tuyến đường nằm gần trọng điểm đánh phá của địch như cầu Thọ Tường, ga Chợ Thượng, phà Linh Cảm, tuyến đường 15. Để đảm bảo an toàn cho bộ đội khi qua sông. Đảng bộ và chính quyền thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về ý thức cảnh giác, giữ gìn bí mật với phong trào 3 không “không biết, không nghe, không thấy” cho tất cả mọi người từ cụ già đến các cháu thiếu nhi. Nhân dân đã bỏ ra hàng ngàn ngày công đào hầm hào. Hệ thống giao thông hào ở bến đò nối liền với hệ thống giao thông hào ở thôn xóm, ngoài bến đò chính còn có các bến đò phụ, lực lượng trực chiến thường xuyên có 4 thuyền, lực lượng người và thuyền tham gia chở bộ đội qua sông. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, có đêm ít thì chở 400-500 bộ đội qua sông, đêm nhiều chở 1.000–1.200 người với khoảng 10-15 thuyền. Chưa kể những khi có nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ quan trọng khác. Năm 1972 khi hoàn thành nhiệm vụ chở đoàn cán bộ qua sông, Đảng ủy, chính quyền địa phương nhận được bức thư trong đó có lời cảm ơn của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Trường Sơn có đoạn ghi “Phụ nữ ta trong thời gian 4 năm (1965-1968) đã xuất hàng trăm đồng bạc mua chè, nấu nước tiễn chân bộ đội qua sông. Cứ mỗi đêm có 14 chị với 14 gánh nước đặt tại các chỗ nghỉ nhân của bộ đội trước khi qua sông”.

Là địa phương có địa bàn trọng yếu đánh phá của không quân Mỹ, nhân dân Trường Sơn đã chịu nhiều mất mát hy sinh. Từ tháng 2-1965 đến tháng 12-1972, giặc Mỹ đã cho máy bay đánh phá 838 lượt, trong đó có 6 lần Mỹ dùng máy bay B52 ném xuống mảnh đất Trường Sơn 8.204 quả bom các loại. Riêng bến đò Chợ Thượng địch đánh phá 22 lần. Nhưng một điều kỳ diệu là tại bến đò trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại không lần nào bị máy bay Mỹ ném bom vào đội hình khi bộ đội vượt sông. Đó chính là nhờ ý thức phòng gian bí mật, là trận địa lòng dân luôn được giữ vững để bộ đội vượt sông an toàn tuyệt đối.

Hàng năm, Hội CCB xã cùng với đoàn thanh niên, các trường học đã về với địa chỉ đỏ phà Linh Cảm, đường 15 – bến đò Chợ Thượng để ôn lại một thời đạn bom nhưng rất đỗi tự hào của con người và mảnh đất Trường Sơn.

Bến đò Chợ Thượng nay vẫn còn đó, nhưng những chuyến đò ngang chở khách qua sông không còn nữa, HTX Minh Châu xưa, nay được mang tên mới: thôn Bến Hến. Thuyền bè vẫn tấp nập ngược xuôi làm ăn trăm nẻo, chiếc cầu đường bộ và sắp tới là chiếc cầu Linh Cảm bắc qua sông La nối điểm cuối và điểm đầu của xã Trường Sơn. Đây là nét chấm phá tuyệt đẹp trong bức tranh nông thôn mới.

Đò Chợ Thượng, một điểm trên con đường Trường Sơn huyền thoại mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Trường Sơn, đất của trăm nghề, quê hương 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Trần Hữu Mão

(Chủ tịch Hội CCB xã Trường Sơn, Đức Thọ)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast