Bài toán cần lời giải sớm

Dự báo đến năm 2015, các công trình, dự án trên địa bàn Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng 285.000 lao động qua đào tạo, trong đó, KKT Vũng Áng có nhu cầu tuyển dụng 35.000 lao động. Để có nguồn nhân lực đủ “chất và lượng” nói trên cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp .

Nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng:

Nhà máy Nhệt điện Vũng Áng - nơi sẽ cần 500 cán bộ kỹ thuật làm việc Trong ảnh: Các nhà thầu đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng Nhà máy
Nhà máy Nhệt điện Vũng Áng - nơi sẽ cần 500 cán bộ kỹ thuật làm việc

Trong ảnh: Các nhà thầu đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng Nhà máy

Nhu cầu nhân lực và thực trạng đào tạo

Sau 4 năm đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng đã cấp phép cho 93 doanh nghiệp và nhà đầu tư với số vốn đăng kí trên 190.000 tỷ VNĐ. Trong đó có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và II, Nhà máy luyện thép của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh, Trung tâm lọc hóa dầu 16 triệu tấn/năm; Dự án phát triển du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi…Theo báo cáo của các nhà đầu tư, dự kiến đến 2015, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp (DN) tại KKT Vũng Áng là 35.000 lao động, trong đó, 10 DN có nhu cầu tuyển từ 200-1.000 lao động, 78 DN tuyển dưới 200 lao động và 5 DN tuyển trên 1.000 lao động.

Trước nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực phục vụ các công trình, dự án trọng điểm nói trên, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã có Nghị quyết phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật giai đoạn 2009-2015; UBND tỉnh đã có các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; các sở, ban, ngành, huyện thị triển khai đồng bộ các giải pháp của Trung ương, của tỉnh về qui hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, thành lập các trường, các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay đang còn một số bất cập giữa khả năng đào tạo và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Trường Đại học Hà Tĩnh chủ yếu thực hiện qua liên kết đào tạo và chỉ mới đáp ứng được một số ngành nghề với qui mô khiêm tốn
Trường Đại học Hà Tĩnh chủ yếu thực hiện qua liên kết đào tạo và chỉ mới đáp ứng được một số ngành nghề với qui mô khiêm tốn

Trường Đại học Hà Tĩnh mới được thành lập do vậy cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho KKT Vũng Áng chủ yếu thực hiện qua liên kết đào tạo và chỉ đáp ứng được một số ngành nghề với qui mô khiêm tốn. Nhiều ngành nghề đào tạo ra, không có nhu cầu sử dụng, nhưng hàng năm vẫn tổ chức tuyển sinh. Hiện tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp về cung ứng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học, sau đại học. Cụ thể, để phục vụ KKT Vũng Áng cần có số cán bộ quản lý: 2.000 người, cán bộ kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên: 3.000 người.

Đối với việc đào tạo công nhân kỹ thuật thì hiện nay cơ cấu ngành nghề đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đa dạng. 33 cơ sở đào tạo, dạy nghề trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu các DN đối với các nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, mức đầu tư lớn, như: luyện cán thép, cơ khí chế tạo, tiện, thủy lực…Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, tổng số lao động kỹ thuật có thể đào tạo trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu các DN tại KKT Vũng Áng đến năm 2015 là 11.143 người, chủ yếu tập trung vào các nghề như điện công nghiệp và dân dụng, hàn, lái xe ô tô các hạng, vận hành máy công trình. Số lao động kỹ thuật và nhân viên hành chính chưa có điều kiện đào tạo đến năm 2015 là 8.684 người.

"Hiện chưa có sự phối hợp thật sự giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường đào tạo theo cái mình có, doanh nghiệp không sử dụng được thì đào tạo lại. Ðiều này vừa mất thời gian vừa tốn kém" – GSTS Nguyễn Văn Đính chia sẻ. Thực tế, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa và công ty TNHH Phonesack Việt Nam sau khi tuyển dụng hơn 100 cán bộ kỹ thuật từ các trường đại học đã gửi đi làm việc và đào tạo lại ở nước ngoài.

Học viên học nghề điện dân dụng tại Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh
Học viên học nghề điện dân dụng tại Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh

Để giải quyết tình trạng bất cập giữa nhu cầu và khả năng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, chất lượng cao, tỉnh đã có các chính sách vừa thu hút, vừa tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng qui mô đào tạo, liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. UBND tỉnh có qui định tạm thời về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao cao của tỉnh giai đoạn 2008-2012, bằng một số chính sách cụ thể như: Đối với công nhân có bậc nghề tối đa, người có trình độ thạc sỹ trở lên đang công tác tại các tỉnh thành khác về công tác trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ ổn định cuộc sống ban đầu từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; được mua đất ở theo khung giá nhà nước và trả dần trong 5 năm. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sỹ thuộc các ngành tỉnh có nhu cầu được tuyển thẳng và hưởng 100% lương khởi điểm; sinh viên đang học các ngành trọng điểm tỉnh có nhu cầu, nếu kết quả học tập hàng năm xếp loại khá, giỏi và cam kết phục vụ lâu dài tại tỉnh được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm (kể từ năm thứ 3). Tuy vậy, các chính sách thu hút trên chỉ mới có tác dụng đối với hệ thống cán bộ công chức, viên chức, chưa có tác dụng lớn trong việc thu hút vào các doanh nghiệp.

Sự cần thiết phối hợp giữa “3 nhà”

Bài toán nguồn nhân lực cho Hà Tĩnh nói chung, KKT Vũng Áng nói riêng đã được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương. Ngày 11- 8, tại Thành phố Cần Thơ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến trù bị về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phục vụ các Dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng. Tại hội nghị trên, Phó thủ tướng yêu cầu: Bộ Gáo dục - Đào tạo, Bộ LĐTB&XH và các đối tác cần phải bàn bạc chi tiết về nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đơn vị có đủ khả năng cung cấp nhân lực trước khi chính thức ký kết, đặc biệt phải lưu ý những hợp đồng đào tạo cần làm rõ chính sách thu hút đối với người lao động. Để thu hút nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng, Phó thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND Tỉnh và các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh phải có cơ chế thu hút nhân lực, đặc biệt là điều kiện làm việc và đời sống của người lao động tại KKT Vũng Áng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: "Việc lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải được đồng xây dựng bởi “3 nhà” gồm: nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp (người sử dụng lao động).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: "Việc lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải được đồng xây dựng bởi “3 nhà” gồm: nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp (người sử dụng lao động).

Tại Hội nghị trực tuyến Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch Phát triển nhân lực của các bộ, ngành, địa phương thời kỳ 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020, tổ chức tại Hà Nội ngày 10-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Việc lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải được đồng xây dựng bởi “3 nhà” gồm: nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, trong đó, cơ quan chức năng nhà nước nắm vai trò chủ đạo xây dựng kế hoạch lâu dài. Nhà trường đóng góp bằng kế hoạch ngắn hạn và cụ thể. Doanh nghiệp đóng góp qua góp ý, thỏa thuận hoặc cam kết sử dụng nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng lao động phải coi việc trực tiếp tham gia đào tạo lao động như một trách nhiệm xã hội.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì diễn ra tại Hà Tĩnh đã thu hút sự quan tâm rất lớn của “3 nhà” và đông đảo người lao động. Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên Chính phủ chủ trì bàn về phát triển nguồn nhân lực cho riêng KKT Vũng Áng, điều này cho thấy vai trò, vị trí của KKT là hết sức quan trọng không chỉ đối với địa phương, với quốc gia mà còn cả khu vực. Thực tế, trong những năm qua KKT đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn và các dự án đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hội nghị đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng vào ngày 18-8 sẽ có 7 Bộ, ngành, 9 trường đại học hàng đầu Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự. Thông qua hội nghị sẽ có các cơ chế, chính sách, văn bản thỏa thuận về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực được kí kết giữa “3 nhà”: nhà nước - nhà trường và nhà doanh nghiệp”.

Hà Tĩnh Online đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh Hội nghị này.

PV: Thưa ông, mục đích của việc tổ chức hội nghị là gị?

Ông Võ Kim Cự: "Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp".
Ông Võ Kim Cự: "Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp".

Ông Võ Kim Cự: Thông qua hội nghị này sẽ tạo sự chuyển biến cơ bản cho toàn xã hội nhận thức về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH theo hướng bền vững. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.

Tuy vậy, đây là vấn đề lớn và mới nên được sự quan tâm của Chính phủ và Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác liên bộ (trong Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia) giúp Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng (thí điểm cho cả nước). Để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tỉnh, DN, người lao động và các cơ sở đào tạo, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương có cơ chế chính sách đặc thù cho KKT góp phần đảm bảo đào tạo đủ, kịp thời và chất lượng cao nguồn nhân lực cho các DN tại KKT.

PV: Được biết, hội nghị sẽ đưa ra thảo luận nhiều vấn đề, trong đó đáng quan tâm là khi doanh nghiệp đầu tư tại KKT Vũng Áng có trách nhiệm trích 0,03 – 0,05 % tổng vốn đầu tư vào công tác đào tạo, dạy nghề. Điều này liệu có khả năng thực hiện?

Ông Võ Kim Cự: Đây là vấn đề cần thiết và đúng đắn phù hợp xu hướng phát triển cả về KT và XH, tạo điều kiện, cơ hội để các DN đóng góp phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, gắn kết lâu dài quyền, nghĩa vụ giữa địa phương và DN. Tuy vậy, vấn đề này chưa có tiền lệ, hệ thống văn bản qui phạm pháp luật chưa qui định, nhưng tôi hy vọng, tin tưởng các DN (chủ đầu tư) sẽ sớm ủng hộ chủ trương này. Vấn đề ở chỗ cần có cơ chế sử dụng nguồn này đảm bảo hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast