Facebook thành công dựa vào thuật toán, liệu họ có thay đổi?

Thuật toán là thứ “chuốc nghiện” người dùng các mạng xã hội như Facebook. Liệu Facebook có thể thay đổi nó để trở thành “người tốt” hay không?

Facebook thành công dựa vào thuật toán, liệu họ có thay đổi?

Những thứ xuất hiện hàng ngày trên Bảng tin Facebook của chúng ta đều có sự giúp sức của thuật toán. Tác động của Facebook và thuật toán lên thanh thiếu niên, dân chủ và xã hội một lần nữa bị đặt lên bàn cân sau những tài liệu nội bộ của người tố giác Frances Haugen.

Bà Haugen là cựu quản lý sản phẩm Facebook, có kiến thức về “quản trị sản phẩm thuật toán”. Bà chủ yếu chỉ trích Facebook đã thiết kế thuật toán để hiển thị nội dung mà họ có xu hướng tương tác nhiều nhất. Chính điều đó gây ra nhiều vấn đề cho công ty cũ, bao gồm tin giả hay tin xấu độc. Trên chương trình “60 Minutes”, bà cho biết, Facebook thừa hiểu nếu làm cho thuật toán an toàn hơn, mọi người sẽ dành ít thời gian hơn trên nền tảng và bấm vào ít quảng cáo hơn, dẫn tới doanh thu giảm đi.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN sau phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ của bà Haugen, Giám đốc Quản lý chính sách toàn cầu Facebook Monica Bickert phủ nhận thuật toán của họ cổ động nội dung kích động. Khi làm chứng, bà Haugen gợi ý thay đổi lại Bảng tin, ủng hộ hiển thị nội dung theo trình tự thời gian vì “chúng ta không muốn máy tính quyết định nên tập trung vào cái gì”.

Thuật toán lựa chọn là vấn đề không chỉ của riêng Facebook mà cả các nền tảng khác. Chẳng hạn, TikTok sẽ chẳng là gì nếu không có thuật toán gợi ý nội dung. Nền tảng càng lớn, nhu cầu thuật toán chọn lọc nội dung càng cao. Thuật toán sẽ không biến mất, nhưng có những cách mà Facebook có thể cải thiện chúng. Để làm được điều đó, Facebook cần minh bạch hơn và trao nhiều quyền cho người dùng hơn.

Thuật toán là gì?

Facebook mà chúng ta biết ngày nay khác hẳn những ngày đầu. Năm 2004, khi Facebook lần đầu ra mắt dưới dạng website cho sinh viên, nó đơn giản và dễ sử dụng hơn. Nếu muốn xem bạn bè đăng gì, bạn phải vào tài khoản của người đó.

Facebook thành công dựa vào thuật toán, liệu họ có thay đổi?

Giao diện ban đầu của Facebook

Mọi thứ thay đổi đáng kể từ năm 2006 khi Facebook giới thiệu Bảng tin, giúp mọi người cập nhật tin tức từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhanh hơn. Ngay từ đầu, Facebook được cho là đã dùng thuật toán để lọc nội dung trên Bảng tin. Trong bài báo năm 2015 trên tạp chí Time, Giám đốc Sản phẩm Facebook Chris Cox cho biết, đây là điều cần thiết vì có quá nhiều thông tin hiển thị cho người dùng. Theo thời gian, thuật toán cũng tiến bộ hơn, người dùng dần quen với việc xem nội dung mà thuật toán “dọn sẵn”.

Một thuật toán bao gồm một tập các hướng dẫn để máy tính thực hiện nhiệm vụ nào đó. Trên Facebook và các trang mạng xã hội, bạn và hành động của bạn – cập nhật trạng thái hay ảnh bạn đăng – là đầu vào, đầu ra chính là những gì bạn thấy trên Bảng tin.

Tác dụng của thuật toán là giúp cá nhân hóa Bảng tin để người dùng khám phá bạn mới và nội dung mới, phù hợp với sở thích của họ. Song, nó lại có nguy cơ hướng người dùng đến những “hố thỏ”, để họ tiếp xúc với nội dung độc hại và giả mạo. Dù trong trường hợp nào, mọi người cũng lăn chuột không ngừng và giúp Facebook kiếm được nhiều tiền hơn nhờ hiển thị nhiều quảng cáo hơn.

Nhiều thuật toán làm việc cùng nhau để mang đến trải nghiệm mà bạn thấy trên Facebook, Instagram… Nó càng phức tạp hơn khi mổ xẻ để xem trong mỗi hệ thống có gì, đặc biệt trong một doanh nghiệp lớn như Facebook, nơi nhiều nhóm phát triển các thuật toán khác nhau.

Theo bà Hilary Ross, một quản lý chương trình cấp cao tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman Klein thuộc Đại học Harvard, nếu ai đó nói Facebook hãy sửa đổi thuật toán đi, đó là một yêu cầu rất khó.

Facebook cần minh bạch hơn

Có một số cách để quy trình rõ ràng hơn và cho người dùng lên tiếng nhiều hơn về cách thuật toán làm việc. Chẳng hạn, người dùng có thể nói về mức độ thường xuyên mà họ muốn thấy nội dung từ gia đình, bạn học… Theo bà Margaret Mitchell, người đứng đầu về đạo đức trí tuệ nhân tạo tại Hugging Face, minh bạch là chìa khóa vì nó khuyến khích hành vi tốt của các mạng xã hội.

Facebook thành công dựa vào thuật toán, liệu họ có thay đổi?

Người tố giác Facebook Frances Haugen

Một cách khác là tăng cường các hoạt động kiểm toán độc lập đối với thực hành thuật toán của họ. Những bên tham gia có thể là nhà nghiên cứu độc lập, nhà báo điều tra, nhân viên trong cơ quan quản lý, những người có hiểu biết, kỹ năng và thẩm quyền pháp lý để yêu cầu truy cập hệ thống nhằm đảm bảo không vi phạm pháp luật.

Theo các chuyên gia, trở ngại lớn đối với việc thay đổi thuật toán chính là các mạng xã hội tập trung vào sự tương tác, hay lượng thời gian người dùng lăn chuột, bấm chuột hay tương tác với bài đăng, quảng cáo. Lời tố giác của bà Haugen phần nào cho thấy điều đó. Tài liệu nội bộ của Facebook chỉ ra công ty nhận thức được “cơ chế sản phẩm lõi, chẳng hạn sự lan truyền, gợi ý và tối ưu hóa tương tác, là một phần quan trọng” giải thích vì sao tin giả và thù địch “nở rộ” trên nền tảng.

Các chuyên gia đồng tình các mạng xã hội nên cân nhắc tới cảm giác của người dùng hơn là thời gian họ có mặt trên đó. Dù vậy, liệu thuật toán có thực sự giải quyết được những vấn đề của Facebook. Ít nhất, có người nghĩ rằng như vậy. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ thuyết phục được các công ty này bắt đầu suy nghĩ lại về sửa đổi thuật toán.

Trong quá khứ, một số nói cần áp lực từ các nhà quảng cáo. Song, trong phiên làm chứng của mình, bà Haugen dường như đặt cược vào một đối tượng khác, đó là Quốc hội.

Theo Du Lam/ictnews/CNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast