Hội nghị ADB: Giải quyết các vấn đề nóng, duy trì thịnh vượng khu vực

Từ ngày 3-6/5/2011, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với hơn 20 hội thảo về những cách thức đảm bảo tương lai thịnh vượng trong khu vực và giải quyết các vấn đề thời sự.

Hội nghị ADB: Giải quyết các vấn đề nóng, duy trì thịnh vượng khu vực ảnh 1

Hội nghị lần này có sự tham gia của khoảng 3.600 đại biểu đến từ khu vực châu Á và thế giới bao gồm các nhà lãnh đạo Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW), bộ trưởng kinh tế, tài chính của 67 quốc gia, lãnh thổ thành viên của ADB.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn tài chính tư nhân, doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới, giới doanh nhân, các hãng thông tấn báo chí, các nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức phát triển và các tổ chức xã hội dân sự.

Hiện tại, các đoàn đại biểu đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội để tham dự Hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn đa phương với khoảng 20 cuộc hội thảo và thuyết trình tập trung vào hàng loạt vấn đề lớn đang nổi lên như an ninh lương thực, vượt bẫy thu nhập trung bình, mô hình tăng trưởng, đối phó với sự bất ổn của các dòng vốn nóng, phát triển hạ tầng, năng lượng, biến đổi khí hậu.

Các đại biểu cũng sẽ bàn thảo về những chiến lược tốt nhất mà ADB cần phối hợp với khu vực công và khu vực tư nhân nhằm giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị và có bài phát biểu quan trọng.

Tại hội nghị năm nay, ADB sẽ trình bày những kết quả ban đầu của bản báo cáo châu Á năm 2050 – Xây dựng một thế kỷ châu Á, trên phương diện nhân khẩu học, xã hội, môi trường, những thách thức kinh tế ở phía trước, bàn thảo những cách thức để để đảm bảo tương lai thịnh vượng trong 40 năm tới cho khu vực.

Cùng với đại diện G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Nhật Bản, ADB cũng tổ chức phiên thảo luận quan trọng về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

Tại cuộc họp báo quốc tế ngày 2/5 trước thềm hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 cho rằng, sự phát triển kinh tế châu Á, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, đã minh chứng cho sự năng động của khu vực. Sự hợp tác mạnh mẽ đã giúp cho Khu vực đối phó thành công với khủng hoảng.

Đặc biệt, một sự kiện góp phần làm nổi bật “dấu ấn Việt Nam” trong khuôn khổ hội nghị năm nay là “Chương trình Ngày Việt Nam”. Theo đó, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao về kinh doanh với sự tham dự của lãnh đạo và các diễn giả trong nước và quốc tế.

Hội nghị lần này là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, một nền kinh tế mới nổi đầy năng động và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực đúng như đánh giá của ông Haruhiko Kuroda-Chủ tịch ADB: ”Việt Nam là một đối tác rất mạnh đối với sự phát triển của khu vực”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm, chủ đề lạm phát cũng như các giải pháp kiềm chế lạm phát tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ được thảo luận trong khuôn khổ hội nghị.

Đánh giá cao Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam, Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi khẳng định, ADB luôn tin tưởng Nghị quyết 11 là chính sách đúng đắn và khá toàn diện để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Konishi cho rằng chính sách vĩ mô nào cũng cần phải có thời gian để phát huy tác dụng và đưa ra nhận định những tháng tới tốc độ lạm phát sẽ giảm.

Từ năm 1993 đến nay, ADB đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay, viện trợ ưu đãi với trị giá khoảng 10 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, y tế và xóa đói giảm nghèo...

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast