Những người thầm lặng ở Khu di tích Kim Liên

(Baohatinh.vn) - Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), chúng tôi gặp những người ít ai để ý đến bởi họ làm công việc thầm lặng giữa vườn cây, bên khung cửi... trong ngôi nhà tranh, vách đất nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên. Câu chuyện của họ cảm động bởi việc làm nào cũng bắt đầu từ sự thấm đượm đạo đức cách mạng của Bác...

Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890-2016)

nhung nguoi tham lang o khu di tich kim lien

Chị Nguyễn Thị Hải thuyết minh tại quê nội - Làng Sen

1. Chị Bùi Bích Đảm - Trưởng phòng Tuyên truyền, có 20 năm thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài thuyết minh phục vụ khoảng 30 đoàn khách mỗi ngày, chị quan tâm, chăm sóc những hiện vật đặc biệt có ý nghĩa trong ngôi nhà của Bác ở quê ngoại Hoàng Trù.

Hàng ngày, chị đến trước 7h để cuốc cỏ trong vườn cây; cắt xén bờ rào dâm bụt; lau khung cửi, guồng quay sợi; quét nhà, sân. Chị tâm sự: Bác Hồ từng vá cái quạt đã rách để quạt nên tôi phải biết tiết kiệm những gì có thể. Cái chổi quét sân chỉ dùng một ngày là phải thay, nhưng nếu gắng dùng thêm được ít ngày nữa tôi cũng chịu khó dùng. Đức tính tiết kiệm của Bác Hồ còn giúp tôi hiểu phải gìn giữ chu đáo những hiện vật tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Cứ 2 ngày, tôi lau bàn thờ, khung cửi, giường, ghế một lần. Muốn khung cửi, guồng quay sợi không có bụi bám, tôi đi mua mảnh ni-lông trắng, mỏng bọc lấy để bảo vệ. Làm như vậy mới kéo dài được tuổi thọ của hiện vật vốn rất gần gũi, thân thương với cuộc đời Bác.

nhung nguoi tham lang o khu di tich kim lien

Chị Nguyễn Thị Oanh cán bộ phòng sưu tâm bên khung cửi thân mẫu của Bác Hồ

2. Tại nhà bảo tàng ở quê nội Làng Sen, chúng tôi gặp anh Nguyễn Danh Dũng, cán bộ Phòng Kiểm kê bảo quản của khu di tích đã 30 năm làm những công việc như chị Đảm. Anh nâng niu cả cái khăn lau tủ kính rất đơn sơ, nói: “Sách, quần áo, dép từng gắn bó với cuộc đời Bác giờ hiện diện trong các tủ kính. Mỗi lần lau tủ, tôi như thấy Bác ở bên. Nếu phát hiện hiện vật nào xuống cấp thì tôi phải báo cáo với ban quản lý ngay để có kế hoạch trùng tu. Đây là những hiện vật vô giá, không thể thay thế được”.

Anh Dũng cũng là người thường xuyên kiểm tra hương khói để phòng cháy nên thường đi sớm, về muộn.

3. Dưới bóng tre tỏa mát phía đầu hồi nhà Bác ở quê nội Làng Sen, chị Nguyễn Thị Thanh đang ngồi đọc sách. Tranh thủ thời gian chờ khách du lịch đến thuyết minh, chị đọc thêm trang sách liên quan đến cuộc đời cách mạng của Bác và các khu di tích trong cả nước. Khi phát hiện thông tin mới, so sánh với tài liệu đang dùng, nếu thấy bất cập, chị liền trao đổi với Hội đồng Khoa học của khu di tích để lời thuyết minh của mình sát đúng và càng hấp dẫn hơn. Theo chị, đây cũng là cách tiết kiệm thời gian và làm theo cách tự học của Bác Hồ.

Chị kể: “Chúng tôi được đón khách từ nhiều tỉnh trong Nam, ngoài Bắc nên phải đọc nhiều, học nhiều để viết chuyên đề về Bác Hồ với nhân dân các tỉnh còn lưu dấu những kỷ niệm gần gũi của Bác. Phải hiểu Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, với bộ đội biên phòng thế nào để khi đi tuyên truyền, ngoài các câu chuyện ở di tích mình có thể giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa và bộ đội biên phòng hiểu thêm về Bác”.

Chị Thanh nhớ câu chuyện cảm động do đồng nghiệp là chị Nguyễn Thị Minh Huệ (nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục, kiêm thuyết minh) kể lại: “Ngoài việc quản lý phòng đọc sách, khi có điều kiện, chị Huệ vận động anh chị em đọc thêm sách, báo theo cách tự học của Bác để nắm thông tin rồi viết báo hoặc cung cấp tư liệu về Bác Hồ cho các phóng viên. Năm 2008, bác Sáu Tân cùng đoàn tử tù Côn Đảo về thăm. Khi nghe chị giới thiệu về khung cửi bà Loan mẹ Bác từng đêm ngồi dệt vải, bác Sáu Tân chạy đến ôm lấy chị rồi khóc. Bác Sáu Tân nói: “Cuộc đời tôi ít khóc lắm, kể cả khi bị giặc tra tấn, tù đày. Nhưng đã có 2 lần tôi khóc. Lần một, năm 1969, khi thấy anh em tử tù làm lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao. Lần hai là hôm nay khi nghe giới thiệu về chiếc khung cửi của gia đình Bác”.

Với những cách làm này đã giúp chị trở thành một trong 6 cá nhân điển hình tiên tiến của Khu di tích Kim Liên lần thứ nhất (2007-2009)”.

nhung nguoi tham lang o khu di tich kim lien

Anh Trần Đình Thụ - người bảo quản những hiện vật liên quan đến cuộc đời Bác tại quê ngoại Hoàng Trù

4. Nguyên Bí thư Chi đoàn Lâm Đình Hùng cũng được khu di tích biểu dương nhờ gây dựng được phong trào mẫu mực trong tiết kiệm chi tiêu của chi đoàn, dành số tiền này ủng hộ xây dựng cầu treo Chôm Lôm (sau vụ đắm đò, chết 19 học sinh ở huyện Con Cuông); xây nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ; đoạt giải nhì cụm 6 huyện trong cuộc thi kể chuyện về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh; tổ chức tốt cuộc thi viết về thân thế, sự nghiệp nhà cách mạng Lê Hồng Sơn...

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hùng được tiếp nhận, bổ sung vào đội ngũ nghiên cứu khoa học của khu di tích. Sản phẩm đầu tay của anh là biên tập thành công cuốn sách “Quê hương trong lòng Bác” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia). Từ đó, anh được tăng cường cho hoạt động đoàn của khu di tích.

Anh cho biết: “Bình quân số lượng du khách về Khu di tích Kim Liên thăm quê Bác trong ngày 19/5 có 200 đoàn, khoảng 2 vạn người; riêng dịp sinh nhật  Bác vào những năm chẵn, có khoảng 5 vạn người. Tôi còn phải tiếp tục học tập đức tính giản dị và lời nói đi đôi với việc làm của Bác mới mong có những kết quả tốt đẹp và thành công hơn nữa”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast