Giảm lãi suất - Doanh nghiệp vẫn thờ ơ...

(Baohatinh.vn) - Gần 2 tuần kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm một số mức lãi suất huy động, đầu vào nguồn vốn vẫn tăng trưởng khá ổn định. Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân chờ đợi là tác động của nó tới đầu tư tín dụng đến nay vẫn chưa có kết quả mới. Những tháng đầu năm, cho vay doanh nghiệp (DN) giảm, mặc dù mức lãi suất sau nhiều lần điều chỉnh chỉ còn bằng mốc những năm 2007, 2008. Thực tiễn này cho thấy, DN đang chật vật với

Bức thiết tìm đầu ra

Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, 3 tháng đầu năm 2014, nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn tăng 4,06% so với đầu năm, trong khi đó, dư nợ tín dụng lại giảm 0,17%. Không phải chỉ ở thời điểm này mà sự mất cân đối trong nguồn vốn đầu vào và đầu ra kéo dài trong hơn 2 năm nay làm cho ngân hàng rơi vào tình trạng “ế vốn” mà vẫn mất chi phí huy động. Cho nên, giảm lãi suất huy động trước hết là bớt áp lực chi phí vốn cho ngân hàng, sau đó có cơ sở để kéo giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN có vốn SXKD. Bởi vậy, vài tháng trước khi NHNN hạ lãi suất thêm 1%, một số ngân hàng lớn, dư dả vốn như Vietinbank, Vietcombank, Agribank… đã chủ động giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn xuống 6-7%/năm. Hiện, lãi suất huy động của khối ngân hàng quốc doanh chỉ dao động 5-5,5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng), dưới 6,5%/năm (kỳ hạn 6-12 tháng), thấp hơn con số lạm phát kỳ vọng của năm 2014.

Cán bộ Ngân hàng No&PTNT Hương Sơn hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Tuấn Hiển
Cán bộ Ngân hàng No&PTNT Hương Sơn hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Tuấn Hiển

Thực tế này có thể thấy rõ ở phần lớn các ngân hàng thương mại, ví dụ như Agribank Hà Tĩnh tăng trưởng nguồn vốn 4,4% với tổng nguồn huy động và quản lý 11.432 tỷ đồng, trong khi đó, tốc độ tăng tín dụng đạt 2,5% với gần 8.000 tỷ đồng dư nợ tính đến thời điểm cuối tháng 3/2014. Như vậy, chênh lệch giữa nguồn đầu vào và đầu ra của chi nhánh lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Vietcombank Hà Tĩnh đang có tổng nguồn vốn 3.314 tỷ đồng, còn đầu tư tín dụng là 2.783 tỷ đồng. Để thúc đẩy đầu ra nguồn vốn, Vietcombank Hà Tĩnh đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như: giao khoán phát triển khách hàng tín dụng, chủ động tìm kiếm và phát triển khách hàng, vận dụng tối đa các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng... Đến thời điểm này, lãi suất đại trà phục vụ SXKD ở Vietcombank chỉ còn 8,4%, trong đó nhóm khách hàng ưu tiên chỉ còn 7,7-8%/năm. Ngân hàng đã chấp nhận thu hẹp mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra để khơi thông dòng chảy tín dụng. Tìm đầu ra cho nguồn vốn - nhu cầu này của ngân hàng cũng bức thiết như DN tìm thị trường cho sản phẩm của mình trong thời điểm hiện nay.

Ì ạch dòng chảy tín dụng

Mặc dù theo quy luật, những tháng đầu năm, thị trường đầu tư tín dụng thường trầm lắng vì các DN, hộ SXKD chưa triển khai đầu tư mới, tuy nhiên, điều đáng lo là kết quả tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2014 lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 - một năm nền kinh tế khó khăn không kém.

3 tháng đầu năm 2013, đầu tư tín dụng đạt 2,92% ở thời điểm cuối quý I. Trong khi đó, bước vào đầu năm 2014, dư nợ liên tục giảm 2 tháng đầu, tháng 3 mới nhích lên và cả quý vẫn là con số tăng trưởng âm.

Đặc biệt, theo thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh ở thời điểm cuối tháng 2/2014, có 8/16 tổ chức tín dụng giảm dư nợ, trong đó, các đơn vị chủ lực về cho vay lĩnh vực DN đều giảm, làm cho dư nợ cho vay lĩnh vực này thấp hơn đáng kể so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số ngân hàng, đầu tư tín dụng đang ấm trở lại và nhen nhóm hy vọng mới về sự khởi sắc của khối khách hàng DN. Theo Phòng khách hàng DN Vietcombank Hà Tĩnh thì, ngoài khách hàng truyền thống, trong quý I, đơn vị đã có thêm 6 khách hàng DN phát sinh tín dụng và tháng 3 dư nợ cho vay đã tăng lên 93 tỷ đồng, đưa tăng trưởng tín dụng quý I lên con số dương.

Ngân hàng và DN đều đang chờ đợi và hy vọng vào những tín hiệu tích cực, mạnh mẽ hơn của thị trường để vốn tín dụng với mức lãi suất thấp như hiện nay có thể trở thành nguồn lực mới giúp nền kinh tế bứt ra khỏi chặng đường khó.

Trong cuộc họp nghe đánh giá tình hình phát triển DN quý I/2014, lãnh đạo Hiệp hội DN Hà Tĩnh đã tổng hợp và báo cáo với các sở, ngành liên quan về những ý kiến và kiến nghị của các DN. Những ý kiến mà PV tập hợp dưới đây có thể cho thấy cái nhìn đầy đủ hơn về những khó khăn mà DN đang đối diện.

Vướng ở các thủ tục hành chính

DN là đối tượng liên quan nhiều đến thủ tục hành chính nhưng thực tế việc thực hiện các thủ tục này còn phiền hà, cản trở các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Bởi vậy, DN mong muốn, trước hết, các cấp, ngành cần lắng nghe và có động thái tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong giao dịch, giải quyết các vấn đề đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, vay vốn; tạo thuận lợi nhất, đơn giản nhất cho DN cả về thủ tục, thời gian và thái độ giải quyết công việc của người thi hành công vụ. Nếu giảm các thủ tục thì DN sẽ giảm được chi phí dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận DN và tăng đóng nộp ngân sách nhà nước.

Tiêu thụ sản phẩm chậm, nợ xây dựng cơ bản tồn đọng lớn

Theo ý kiến tập hợp của Hội DN Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, hiện nay, DN sản xuất không thể tăng năng suất, mở rộng quy mô vì tiêu thụ sản phẩm chậm. Các DN xây dựng thiếu việc làm, trong khi đó, tình trạng các chủ đầu tư nợ DN với số tiền lớn, kéo dài vẫn chưa được giải quyết triệt để dẫn đến việc DN nợ tiền vật tư, nhân công và nợ quá hạn ngân hàng; nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản.

Sớm thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa

Tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng là một rào cản khiến DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay vì đối tượng này thường không có tài sản lớn để thế chấp, cộng với việc định giá tài sản của ngân hàng thấp so với giá trị thị trường. Từ lâu, tỉnh đã có chủ trương thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa nhằm bảo lãnh cho các DN có dự án khả thi được vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư SXKD, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ở thời điểm hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm xuống khá thấp, việc ra đời Quỹ Bảo lãnh tín dụng thực sự hết sức cần thiết để giúp các DN có phương án sản xuất tốt nhưng tài sản thế chấp không đủ vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng, thực hiện hiệu quả các dự án, mở hướng đi mới cho SXKD.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast