Ngày chất vấn đầu tiên: "Nóng" thiếu điện và quá tải ở các bệnh viện

Hôm qua (22/11), trong ngày làm việc thứ 27, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, các đại biểu QH tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.

Mở đầu phiên họp, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là lần thứ ba thực hiện báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp lần trước đến kỳ họp lần này. Việc làm này rất cần thiết, đúng pháp luật và có tác dụng tốt, thể hiện sự trân trọng của QH, của Chính phủ, của tòa án, của viện kiểm sát, của các cơ quan nhà nước nói chung đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri; góp phần thúc đẩy việc xem xét, giải quyết một cách có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa Nhà nước với nhân dân, cử tri và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tiếp tục tham gia quản lý các công việc của Nhà nước, của xã hội.

Các đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ
Các đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ

Chủ tịch QH cho biết, tại kỳ họp thứ bảy đã có 212 chất vấn bằng văn bản gửi đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành và tiến hành chất vấn trực tiếp tại Hội trường đối với bốn bộ trưởng và đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn. Trong số 212 chất vấn đã có 209 chất vấn được trả lời, còn ba chất vấn nữa đang nghiên cứu và tiếp tục trả lời.

Tại kỳ họp thứ tám này, tính đến hết ngày 20-11 đã có 228 chất vấn của 92 đại biểu Quốc hội ở 44 đoàn gửi chất vấn đến các địa chỉ theo như quy định của pháp luật. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có 26 chất vấn, các Phó Thủ tướng có hai chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành: có 21 bộ trưởng, trưởng ngành nhận được chất vấn, người nhiều nhất là Bộ trưởng Công thương 38 chất vấn, người ít nhất là một. Hiện nay, Thủ tướng và các bộ trưởng đang trả lời bằng văn bản. Tính đến hết ngày 20-11, đã có 115 văn bản trả lời gửi đến các đại biểu QH có chất vấn và cũng đã có báo cáo tổng hợp gửi đến các vị đại biểu QH.

Tại hội trường, QH chỉ tập trung vào chất vấn một số vấn đề chung, lớn mang tầm quản lý vĩ mô, mang tầm quốc gia, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân, dư luận xã hội quan tâm theo nhóm vấn đề, tăng thêm số bộ trưởng và kể cả các vị có trách nhiệm liên quan cùng tham gia thảo luận, giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan. Sau khi bốn bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Về tình trạng thiếu điện

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời trực tiếp tại hội trường. Theo báo cáo của Bộ trưởng trình bày, kể từ sau kỳ họp thứ bảy tới nay, Bộ Công thương đã tích cực triển khai giải quyết những vấn đề mà các đại biểu QH cũng như cử tri cả nước quan tâm. Căn cứ vào chiến lược phát triển ngành điện của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, định hướng tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương đã tiếp tục chỉ đạo ngành điện và các nhà đầu tư có liên quan triển khai thực hiện chương trình đầu tư để bảo đảm đủ nguồn và đồng bộ hệ thống chuyển tải phân phối.

Theo dự kiến, năm 2010 sản lượng điện sản xuất sẽ đạt 97,28 tỷ kW giờ, đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2010, đồng thời Bộ Công thương cũng đang tích cực chỉ đạo xây dựng quy hoạch điện lực 7 đến năm 2020. Ngoài ra, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và đầu tư lưới điện nông thôn; ban hành hai thông tư quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành chi phí vận hành hệ thống điện và thị trường điện, quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và quản lý giá truyền tải điện; đang xây dựng Thông tư quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện; xây dựng Thông tư quy định về trình tự điều hòa, tiết giảm điện khi bắt buộc phải tiết giảm điện. Tính đến thời điểm hiện nay 100% số huyện trong cả nước đã có điện lưới cũng như điện tại chỗ, 10.794 trên tổng số 10.996 xã, phường có điện đạt 98,16%.

Tại hội trường, nhiều đại biểu QH quan tâm, tiếp tục chất vấn về tình trạng thiếu điện, bảo đảm an toàn ở các nhà máy thủy điện, giá điện...Về nguyên nhân thiếu điện và tình trạng mưa lũ do ảnh hưởng của việc xả lũ thủy điện và phá rừng làm thủy điện gây thiệt hại lớn cho người dân miền trung mà các đại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, qua một nửa thời gian thực hiện tổng sơ đồ điện 6, bên cạnh một số kết quả đã đạt được còn có hạn chế, thiếu sót, điển hình là thiếu điện trong mùa khô diễn ra trên phạm vi rộng ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đến đời sống của nhân dân.

Nguyên nhân chính là chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã quy định trong Tổng sơ đồ 6, không ít công trình chậm tiến độ so với quy định của quy hoạch, chủ yếu liên quan vấn đề thu xếp vốn. Một số dự án tuy đã hoạt động trong giai đoạn đầu nhưng vận hành chưa ổn định, thời gian vận hành thử tương đối dài; thiên tai, hạn hán cũng kéo dài. Bộ trưởng cho biết, yêu cầu đối với vốn đầu tư của ngành điện, trước hết là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam rất lớn. Hiện nay, ngành điện bằng các nỗ lực, khả năng của mình tự thu xếp các nguồn vốn qua tiếp cận các nhà cho vay ở ngoài nước, các ngân hàng trong nước. Ðề nghị Chính phủ dành một phần nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho ngành điện, cho phép xem xét phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút vốn từ bên ngoài.

Bộ trưởng cũng khẳng định, việc lựa chọn nhà thầu các nhà máy nhiệt điện là có cơ sở, kể cả về mặt pháp lý và về thực tiễn và chưa có thông tin chính thức nào khẳng định các nhà thầu này đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Trên thực tế, khi tổ chức đấu thầu các nhà máy nhiệt điện bao giờ cũng phải đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật trước, giá cả sau. Ðối với một số nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc giúp ta xây dựng có một số khiếm khuyết về mặt kỹ thuật, nhưng phần nhiều rơi vào những thiết bị phụ.

Về quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ cả nước, do đặc điểm sông ngòi khu vực Tây Nguyên và miền trung có độ dốc rất lớn, chiều dài ngắn, mùa khô rất cạn kiệt, nhưng mùa mưa thì nước về rất nhanh. Qua quy hoạch, Bộ Công thương phối hợp các địa phương rà soát lại, bổ sung nhiệm vụ tham gia một phần điều tiết lũ cho một số dự án, trong đó có một số dự án thủy điện như A Vương, sông Ba Hạ khu vực miền trung.

Theo quy định, các quy trình vận hành hồ chứa của các thủy điện phải tuân thủ nguyên tắc khi có lũ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình, điều tiết lũ phải tham gia giảm và cắt lũ cho vùng hạ du và yêu cầu phát điện. Tuy nhiên, một số dự án thủy điện vận hành quy trình chưa đúng. Do đó, Bộ Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện nói chung, trong đó có quy hoạch thủy điện nhỏ, kiên quyết dừng dự án nào lợi ích kinh tế nhỏ mà tác động liên quan đến môi trường lớn hơn, nhất là hiện nay khi biến đổi khí hậu khốc liệt, mưa lũ thất thường.

Theo Bộ trưởng, vấn đề hỗ trợ thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của lũ, lụt vừa qua trách nhiệm thuộc Ban quản lý, lãnh đạo các nhà máy thủy điện và chủ đầu tư, đặc biệt phải thực hiện đúng các cam kết khi được cấp phép đầu tư như việc tái trồng rừng, đền bù cho người dân ở vùng ảnh hưởng của dự án theo nguyên tắc người dân tái định cư phải được đưa đến nơi có điều kiện sống thuận lợi hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, tình trạng thiếu nước do biến đổi khí hậu là chủ yếu. Bên cạnh đó, mặc dù rừng là nguồn sinh thủy cho thủy điện, nhưng thời gian qua việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện lại lấn vào rừng, khiến nguồn nước càng thiếu. Quy trình vận hành thủy điện chưa hợp lý, dẫn đến thiếu nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa nước để sử dụng nước thủy điện tiết kiệm, hiệu quả.

Liên quan vấn đề quy hoạch, phát triển ngành điện mà các đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) và Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) chất vấn, theo Bộ trưởng Công thương, sở dĩ phát triển thủy điện dựa trên cơ sở thực tiễn là nước ta có nguồn tiềm năng về thủy điện tương đối phong phú; phát triển thủy điện quy mô vừa và lớn trên nhiều hệ thống sông góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; cung cấp nước cho nông nghiệp và đời sống nhân dân vào mùa kiệt; tăng cường đáng kể khả năng phát điện. Năng lượng thủy điện được coi là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công suất thủy điện chiếm khoảng 34% tổng công suất toàn ngành điện. Vấn đề đặt ra là khắc phục những mặt trái của thủy điện, cùng với phát triển thủy điện là phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy tua-bin khí, nhà máy điện chạy dầu. Giải pháp cải thiện tình hình cung ứng điện vẫn phải là đẩy nhanh và thực hiện đúng tiến độ các công trình điện theo tổng sơ đồ 6, tập trung phấn đấu không làm chậm các dự án theo quy định.

Ðối với những dự án đã đưa vào vận hành các công trình mới nhưng chưa ổn định thì phải tìm mọi biện pháp để nhanh chóng đưa các công trình này vào vận hành ổn định, tái cơ cấu ngành điện và tiết kiệm điện. Bộ trưởng cũng thừa nhận vấn đề chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ðiện lực hoặc ban hành văn bản chưa đúng, đồng thời nêu rõ biện pháp khắc phục như tăng cường khả năng nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm chất lượng văn bản ban hành và chất lượng văn bản tham mưu, nếu phát hiện có sai sót thì phải kịp thời sửa chữa; tăng cường công tác kiểm tra. Qua thực tiễn tổng kết, nếu văn bản còn có những điểm không phù hợp thì kiến nghị ngay để sửa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) về thái độ của Việt Nam đối với kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên sông Mê Công trong thời gian tới, trong đó chủ yếu tại Thái Lan và Lào, gây ảnh hưởng đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sử dụng, khai thác sông Mê Công là vấn đề dư luận trong nước và ngoài nước quan tâm, nhất là trong bối cảnh thay đổi khí hậu. Ủy ban sông Mê Công quốc tế, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Thái-lan đang tiến hành đánh giá để đưa ra báo cáo chiến lược, các tác động thiên nhiên và tác động của thủy điện đối với sông Mê Công. Bộ trưởng khẳng định, thái độ của Việt Nam đối với việc khai thác sông Mê Công trước hết phải coi đây là tài sản chung của các quốc gia có con sông chảy qua, việc sử dụng, khai thác phải có ý kiến và sự đồng thuận chung của các nước liên quan.

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc làm rõ thêm vấn đề liên quan này, khẳng định, quy hoạch về phát triển thủy điện cũng như quy hoạch điện chung là rất phù hợp. Tuy nhiên, nhiệt điện hầu hết trong tổng sơ đồ 6 đều chậm. Qua kiểm tra cho thấy, một số nhà máy nhiệt điện đều có vấn đề kỹ thuật khi đưa vào thực hành bị trục trặc và chậm tiến độ rất nhiều, trong đó có nguyên nhân do chủ đầu tư chọn nhà thầu chưa hợp lý.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong phát biểu ý kiến, đã nhận trách nhiệm về tình trạng thiếu điện với QH và cử tri cả nước. Phó Thủ tướng khẳng định, Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 6 không phải là nguyên nhân dẫn đến thiếu điện. Theo Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 6, tốc độ tăng trưởng nguồn điện mỗi năm từ 15% đến 20%. Ðây là tốc độ tăng rất lớn, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống người dân. Nhưng thực tế, tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân như: Thiếu vốn thực hiện dự án điện; giải phóng mặt bằng tại các dự án điện chậm; giá điện chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn điện; công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chưa thực hiện tốt.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu điện trong thời gian tới tập trung vào việc tháo gỡ vướng mắc các công trình điện đang thi công, nhất là 35 dự án điện chậm tiến độ. Thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước vào các dự án điện thông qua điều chỉnh giá điện. Chấn chỉnh các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án điện đang triển khai. Cũng theo Phó Thủ tướng, cuối năm 2010 sẽ ban hành giải pháp tái cơ cấu ngành điện và thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu tách các nhà máy điện ra khỏi EVN, chỉ giữ lại các nhà máy chiến lược. Cùng với đó, thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển nguồn điện. Về tình hình cung cấp điện trong năm 2011, Phó Thủ tướng cho biết, do hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất tại các nhà máy thủy điện, hiện các hồ thủy điện thiếu 37.000 m3 nước cho sản xuất. Dự kiến năm 2011, nếu thời tiết vẫn trong tình trạng xấu như hiện nay cả nước sẽ thiếu 1,4 tỷ kW giờ điện.

Tăng cường điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm bình ổn giá

Theo Báo cáo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày, để thực hiện mục tiêu tỷ lệ nhập siêu không quá 20% kim ngạch xuất khẩu năm 2010, trong điều kiện biến động giá cả và thị trường quốc tế, Bộ Công thương đã tăng cường và chủ động phối hợp các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như chủ động theo thẩm quyền đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, khai thác tốt hơn các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do song phương, nên kết quả thực hiện kế hoạch xuất, nhập khẩu năm 2010 có chuyển biến tích cực. Bộ cũng có nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, xây dựng Nghị định điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo.

Liên quan vấn đề bình ổn giá, điều hành xuất nhập khẩu, nhập siêu và những giải pháp khắc phục của Bộ Công thương trong thời gian tới mà các đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn; Bộ trưởng Công thương cho biết, năm nay tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (khoảng 23%) cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (khoảng 19 đến 20%). Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, qua đó giảm nhập siêu. Nhưng tình hình nhập siêu vẫn đang là thách thức đối với nền kinh tế vì chúng ta đang trong quá trình đầu tư phát triển, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong khi phần nhiều máy móc, thiết bị chưa sản xuất trong nước được, phải nhập khẩu và tỷ lệ này chiếm rất lớn trong kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn phải nhập một số nguyên liệu, vật liệu sản xuất từ nước ngoài; công nghiệp phụ trợ trong nước tuy đã được chú ý nhưng kết quả còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng nhập ngoại. Mục tiêu sau năm 2015, phải tiến tới cân bằng cán cân thương mại, qua đó giúp cải thiện cán cân thanh toán và tham gia ổn định các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô.

Về vấn đề nhập siêu liên quan đến Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành tăng cường triển khai nhiều biện pháp giảm dần nhập khẩu, tăng xuất khẩu sang Trung Quốc như chuẩn bị ký kết quy hoạch phát triển thương mại năm năm giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy thương mại theo hướng cải thiện việc nhập siêu của Việt Nam; ký kết thỏa thuận với Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mà Trung Quốc có nhu cầu, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc thông qua hội chợ, triển lãm. Bộ trưởng cho rằng, phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không quá tập trung vào một thị trường để tránh rủi ro.

Về các giải pháp chống lạm phát và bình ổn cung cầu, bình ổn giá, Bộ Công thương và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ huy động năng lực sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho sản xuất, cho đời sống nhân dân, nhất là 11 nhóm hàng hóa thiết yếu; củng cố và phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ, nhất là hệ thống bán lẻ, trước hết tạo điệu kiện cho doanh nghiệp trong nước. Ðồng thời, từng bước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối này. Hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay và dự trữ hàng bảo đảm cung ứng trong mọi tình huống, góp phần bình ổn giá; tăng cường quản lý thị trường, thực hiện theo đúng Pháp lệnh về giá, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Chung quanh dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên

Một vấn đề cũng được một số đại biểu QH quan tâm chất vấn là dự án bô-xít ở Tây Nguyên. Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Có mâu thuẫn hay không khi đặt nhà máy chế biến a-lu-min ở địa bàn thiếu nước, thiếu điện trong khi ở các địa bàn khác điều kiện về nước, điện khá hơn? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, việc quyết định địa điểm nhà máy chế biến a-lu-min tại Tân Rai, Nhân Cơ đã được Chính phủ cân nhắc rất kỹ và đã báo cáo Bộ Chính trị. Nếu thuần túy về hiệu quả kinh tế, đặt nhà máy a-lu-min ở gần biển hiệu quả cao hơn so với đặt ở tại địa bàn gần khu vực khai thác. Nhưng khi quyết định những chủ trương đối với các dự án quan trọng quốc gia, không chỉ xem xét hiệu quả kinh tế, mà còn phải xem xét hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa của dự án, người dân tại nơi đó đã phải hy sinh nhiều cho việc khai thác, công nghiệp chế biến khoáng sản cần được hưởng những lợi ích do dự án mang lại như lao động, việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế tại địa phương. Ngoài ra, đã tính rất kỹ các hồ chứa nước đã có và hiện có bảo đảm cung cấp đủ nước cho hai nhà máy nhưng điện vẫn là một khâu khó khăn phải xử lý.

Ðề cập băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) về hiệu quả kinh tế dự án Nhân Cơ, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương thẩm định về hiệu quả thông qua Hội đồng Khoa học và thẩm tra của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), tính toán căn cứ vào thuế xuất khẩu, phí môi trường, giá a-lu-min căn cứ vào giá nhôm, vốn đầu tư, chi phí vận chuyển... cho thấy con số thu hồi vốn của dự án Nhân Cơ khoảng 8,24% là có hiệu quả cho toàn bộ thời gian dự án là 30 năm, thậm chí còn dài hơn nữa.

Trong phần giải trình, làm rõ thêm một số thông tin về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Ðoàn khảo sát của Việt Nam vừa từ Hung-ga-ri trở về, theo kết quả khảo sát cho thấy, công nghệ của Việt Nam sử dụng tại dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vào loại tiên tiến nhất thế giới. Hồ bùn đỏ của Việt Nam được xây dựng bảo đảm kỹ thuật trên nền đất ổn định, được gia cố năm lớp chống thấm và được xây dựng trong khu vực bao quanh là núi, trong khi hồ bùn đỏ của Hung-ga-ri xây trên đất yếu, không có gia cố. Bên cạnh đó, ý thức phòng tránh sự cố và các biện pháp ứng phó của Việt Nam nếu xảy ra sự cố được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu thực hiện đúng như thiết kế sẽ bảo đảm an toàn.

Cùng với những nội dung nói trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu liên quan đến quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu phân bón...

Những vấn đề đặt ra với ngành y tế

Trả lời chất vấn các đại biểu QH, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết trong kỳ họp lần này, Bộ trưởng nhận được chất vấn bằng văn bản của 15 đại biểu, tập trung các nhóm vấn đề: Tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương, các giải pháp khắc phục; quy hoạch phát triển ngành dược và quản lý giá thuốc; viện phí, bảo hiểm y tế và công tác phòng, chống bệnh dịch, trong đó có HIV/AIDS. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ, trong những năm qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến cơ sở. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng điều trị, giảm ngày điều trị trung bình hợp lý, nhằm rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh; giảm diện tích khu hành chính, tăng khu điều trị; nâng cấp cơ sở y tế và tăng cường đào tạo cán bộ y tế cấp dưới... Do vậy, tình trạng quá tải, người bệnh nằm ghép giảm đáng kể. Hiện nay, số người bệnh phải nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm một phần ba so với những năm trước đây. Ðặc biệt, hai năm qua nhiều bệnh viện đã không còn tình trạng nằm ghép như các bệnh viện: Việt Ðức, Ða khoa Huế, Thanh Nhàn... Ðây là kết quả đáng mừng của ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) về các biện pháp căn cơ giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến T.Ư. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận những giải pháp thực hiện thời gian qua chủ yếu mang tính tình thế. Theo Bộ trưởng, giải pháp cơ bản mà ngành y tế đã và đang thực hiện là xây thêm bệnh viện và đào tạo bác sĩ, y tá, cán bộ y tế tại vùng sâu, vùng xa, phục vụ tại địa phương, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, trong đó có những ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, miền núi trong phát triển cơ sở y tế và cán bộ y tế, góp phần giảm sự quá tải cho bệnh viên tuyến T.Ư.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế trước lời hứa của mình tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XII về việc sẽ không còn người bệnh nằm ghép trong hai năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt tình trạng người bệnh phải nằm ghép giường trong hai năm tới. Bộ Y tế đã và đang nỗ lực hết mình để cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh cho người dân, sớm chấm dứt tình trạng nằm ghép của người bệnh, nhưng còn tùy vào từng bệnh viện, từng vùng, miền.

Ðề cập sự nhiêu khê trong chi phí khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là bất cập trong thanh toán BHYT đối với người bị tai nạn giao thông, gây khó khăn cho người bệnh, các đại biểu Nguyễn Ðình Liêu (Ninh Thuận), Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp khắc phục trình trạng này. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói rằng, theo Luật BHYT, người bị tai nạn giao thông nếu vi phạm luật sẽ không được thanh toán BHYT mà phải tự thanh toán các khoản chi phí. Việc xác định vi phạm hay không vi phạm do các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là, người bị tai nạn giao thông khi vào viện cấp cứu được bảo hiểm chi trả viện phí. Sau khi cơ quan chức năng kết luận người bị tai nạn có vi phạm luật giao thông hay không mới có những xử lý cụ thể. Người bị tai nạn không vi phạm sẽ được bảo hiểm chi trả, nếu vi phạm sẽ có cơ chế thu hồi. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được thống nhất cao của các cơ quan liên quan.

Bộ trưởng Y tế cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả mà người dân gặp phải trong khám, chữa bệnh hiện nay. Theo Bộ trưởng, bình quân một ngày, một bác sĩ phải khám từ 80 đến 90 người bệnh, dẫn đến việc người bệnh phải chờ đợi. Trong thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, kê đơn... góp phần làm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Tuy nhiên, thực trạng này chưa giảm. Về việc thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, hiện đang gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, các đơn vị hữu quan đang cố gắng đến cuối năm nay có thể hoàn thành được khoảng 200 bệnh viện tuyến huyện.

Nhiều đại biểu quan tâm đến ngành sản xuất dược phẩm của Việt Nam và trách nhiệm của Bộ trưởng trước việc tăng giá thuốc. Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến việc nước ta phụ thuộc vào các công ty thuốc nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, mười năm qua, sản lượng thuốc trong nước tăng năm lần trong giai đoạn 2001 - 2009. Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu tăng từ 32% năm 2001 lên 50% năm 2009, nhờ đó giảm tỷ lệ thuốc nhập khẩu xuống còn 50% vào năm 2009. Hiện nay công nghiệp dược bào chế dược phẩm Việt Nam phải nhập 90% nguyên liệu để sản xuất. Nước ta đã sản xuất được kháng sinh và hầu hết các vắc-xin phục vụ tiêm chủng mở rộng.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc giá thuốc tăng không quản lý được, Bộ trưởng Y tế khẳng định, thời gian qua, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và kiềm chế giá thuốc chữa bệnh tăng. Trong mười tháng qua, giá tăng trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu là 8,6%, giá thuốc chỉ tăng 3,2%.

Trước băn khoăn của đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) về hiện tượng bác sĩ kê đơn thuốc để nhận hoa hồng từ các doanh nghiệp bán thuốc, Bộ trưởng Y tế cho biết, hiện tượng này có thể có nhưng đã giảm rất nhiều, vì thời gian qua, Bộ Y tế đã kiểm tra rất gắt gao. Bên cạnh đó, Bộ đã tăng cường công tác giáo dục, triển khai thực hiện Cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' trong đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao y đức và tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh.

Liên quan đến kế hoạch đưa các bệnh viện lớn ra khỏi Hà Nội, Bộ trưởng nêu rõ, chưa thể khẳng định về chủ trương chuyển các bệnh viện lớn ra khỏi nội thành vì các cơ quan chức năng đang làm quy hoạch cụ thể. Theo đó, dự kiến, các bệnh viện tại Hà Nội được chia làm ba loại: Loại một sẽ chuyển hẳn ra khỏi Hà Nội; loại hai là giữ nguyên cơ sở vật chất hiện có trong nội thành, đồng thời xây dựng thêm các phân viện tại các khu vực ngoại thành; loại thứ ba là giữ nguyên như hiện trạng. Bộ trưởng Y tế khẳng định, Bộ sẵn sàng ủng hộ các dự án công nghiệp vi sinh vật nếu thấy khả thi, nhằm góp phần phát triển y tế nước nhà.

Ðề cập công tác phòng, chống bệnh dịch, nhất là HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đặt câu hỏi, Bộ Y tế có giải pháp gì để khống chế đại dịch HIV/AIDS, nhất là trong lứa tuổi thanh niên, nguồn lao động chính? Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đẩy lùi bệnh dịch HIV/AIDS. Ba năm qua, chúng ta đã thực hiện thành công công tác ba giảm là giảm người mắc mới, giảm chuyển sang AIDS và giảm người tử vong. Cùng với tỷ lệ giảm chung, tỷ lệ người mắc HIV trong đối tượng là thanh niên, thiếu niên cũng có chiều hướng giảm. Theo thống kế, 80% số người mắc HIV qua đường tiêm chích. Do vậy, cùng với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy, ngành y tế đã thí điểm sử dụng Methanol trong điều trị nghiện ma túy đã mang lại kết quả đáng mừng và sẽ cho phép sử dụng rộng rãi Methanol trong điều trị. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, các biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là có hiệu quả.

Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) về việc người bệnh ra nước ngoài điều trị tăng cao, nhất là người bệnh tim mạch, ung thư, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, thời gian qua người bệnh ra nước ngoài chữa bệnh có giảm, do nhiều bệnh nan y đã điều trị được trong nước. Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo cán bộ y tế, hiện có hơn 300 bác sĩ trẻ các nước tiên tiến đang làm việc tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng điều trị trong nước. Cùng với những nội dung nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đề xuất với QH và các ngành hữu quan một số giải pháp nhằm nâng cao đời sống cán bộ ngành y tế và nghiên cứu kéo dài thời gian phục vụ đối với y, bác sĩ có trình độ cao.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu QH nêu ra. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu về độ tuổi về hưu của cán bộ y tế và báo cáo trước QH trong thời gian tới. Về tiền lương và chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, hiện nay đang thực hiện theo lộ trình cải cách tiền lương và cần phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Liên quan đến đầu tư xây dựng trong ngành y tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, việc đầu tư cho ngành y tế thông qua trái phiếu Chính phủ cần được triển khai thực hiện theo lộ trình, phù hợp với tình hình đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát... Bệnh viện tuyến huyện nào cần ưu tiên sẽ đầu tư triển khai làm trước để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Hôm nay, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Theo Nhandan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast