Lộc Hà - nỗi lo mùa mưa bão

Ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua đã gây ngập úng trên diện rộng ở huyện Lộc Hà. Cùng với sự thiệt hại hàng trăm ha lúa, màu, mưa lớn cũng đã làm hư hỏng một số công trình thủy lợi nội đồng. Diễn biến bất thường của thiên tai cộng với thiếu thốn về trang thiết bị, nguồn nhân lực, kinh phí... đã nhân lên nỗi lo của Lộc Hà trong mùa mưa bão.

Nỗi lo lớn nhất là nhiều công trình phòng chống bão lụt còn dang dở. Hệ thống kè biển mới chỉ được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 860m tại Thạch Bằng, trong khi đó, vị trí xung yếu cần được đầu tư khẩn cấp dài khoảng 2,5 km (đoạn nối từ Thạch Bằng đến cảng cá Thạch Kim). Thực tế này dễ dẫn tới hiện tượng biển xâm thực đất liền và sạt lở đất khi xảy ra mưa bão, triều cường. Cống Đồng Mối (xã Thạch Châu), mới bị sạt lở sau ảnh hưởng của bão số 2 sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Huyện Lộc Hà khẩn trương sửa chữa các tuyến đường trước mùa mưa bão. Ảnh: Thúy Ngọc
Huyện Lộc Hà khẩn trương sửa chữa các tuyến đường trước mùa mưa bão. Ảnh: Thúy Ngọc

Ước tính nguồn kinh phí để khắc phục sự cố này khoảng 400 triệu đồng - một khoản tiền quá lớn so với thực lực của địa phương nên việc khắc phục hiện trạng là một vấn đề bất khả kháng. Cùng nỗi lo ấy, người dân một số xã cũng đang thấp thỏm khi chứng kiến cầu Yến Giang trên tuyến đường liên xã Hồng – Hậu đang xuống cấp, khó có thể đảm bảo việc huy động các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; cống Cầu Trù (xã Phù Lưu) cũng xuống cấp. Bên cạnh đó, một số công trình xung yếu như tuyến đê C2 Hộ Độ - Mai Phụ; tuyến đường Bằng - Kim – trục đường chính cứu hộ, cứu nạn di dời dân cư vẫn còn dang dở; luồng lạch đi vào Cửa Sót bị bồi lắng, trở thành mối hiểm họa cho tàu thuyền khi vào âu tránh bão.

Thêm một khó khăn đối với người dân là từ đầu năm đến nay, sự phát triển của bèo tây với tốc độ nhanh chóng và mật độ dày đặc trên những công trình tiêu thoát lũ làm tắc nghẽn dòng chảy của các cống tiêu gây nên hiện tượng ngập úng trong thời gian dài.

Anh Trần Văn Nghĩa – Phó phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết, để khắc phục những hiện trạng ấy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về thiên tai, bão lũ, thì sự chủ động phương án “4 tại chỗ” là nhiệm vụ trọng tâm mà BCĐ huyện quán triệt, đôn đốc các địa phương trước mùa mưa bão.

BCĐ cũng đã đặc biệt quan tâm xây dựng những phương án, kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng địa bàn. Ở những xã vùng thấp trũng gần với sông Nghèn, huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn các hồ chứa nước Khe Hao (Tân Lộc), Đồng Hố (Hồng Lộc), tập trung phòng chống bão lụt cùng với phương án tiêu úng, di dời dân. Đối với khu vực trọng điểm vùng ven biển, việc thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành tích, xả, cắt lũ hệ thống các cống ngăn mặn giữ ngọt, tiêu thoát lũ đảm bảo an toàn cho dân cư trong vùng, triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển... cũng đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm hoàn tất trước mùa mưa bão. Đối với nạn bèo tây, ngoài việc huy động sự vào cuộc của các khối đoàn thể, huyện trích ngân sách 20 triệu đồng hỗ trợ đoàn thanh niên trong việc vớt bèo, nạo vét khơi thông dòng chảy.

Mặc dù khó khăn về nguồn kinh phí khiến Lộc Hà chưa dễ giải quyết những vấn đề lớn đặt ra trước mùa mưa lũ, nhưng những giải pháp mà huyện đang tập trung thực hiện sẽ là điểm tựa để người dân chủ động phòng tránh hậu quả của thiên tai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast