3 tổng thống Mỹ từng từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm

John Quincy Adams, Andrew Johnson và John Adams đã không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, Trump có thể là tổng thống Mỹ thứ tư trong lịch sử làm điều đó.

Mặc dù Joe Biden đã giành được hơn 300 phiếu đại cử tri và được các hãng truyền thông Mỹ xướng tên là người đắc cử tổng thống, Donald Trump chưa nhận thua và đang thách thức kết quả.

Ông nhiều lần viết trên Twitter rằng ông “đã thắng” và cáo buộc có gian lận bầu cử. Đội ngũ của Trump chưa tiến hành quy trình chuyển giao quyền lực cho Biden.

3 tổng thống Mỹ từng từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm

(Từ trái sang) Các tổng thống Mỹ John Quincy Adams, Andrew Johnson và John Adams. Ảnh: Shutterstock .

Những động thái của Trump làm dấy lên câu hỏi liệu ông có dự lễ nhậm chức của Biden vào ngày 20/1/2021 hay không. Lịch sử Mỹ ghi nhận ba tổng thống cố tình không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Cuộc bầu cử năm 1800 là một trong những cuộc bầu cử “chua chát” nhất trong lịch sử Mỹ. Tổng thống John Adams của đảng Liên bang tái tranh cử nhưng đối thủ là Phó tổng thống của chính ông, Thomas Jefferson từ đảng Dân chủ - Cộng hòa. Điều tồi tệ hơn nữa với Adams là ông làm mất lòng dư luận vì một đạo luật vào năm 1798 về hạn chế hoạt động của công dân nước ngoài, tự do ngôn luận và báo chí.

Trước đó, Adams đã đánh bại Jefferson một cách sít sao trong cuộc bầu cử năm 1796. Theo quy tắc thời này, mỗi đại cử tri bỏ hai phiếu, không có sự phân biệt giữa phiếu bầu cho tổng thống và phó tổng thống. Người nhận được nhiều phiếu nhất trở thành tổng thống còn người có số phiếu đứng thứ hai là phó tổng thống. Vì vậy, Jefferson trở thành phó tướng cho Adams mặc dù họ thuộc hai đảng khác nhau.

Trong cuộc bầu cử năm 1800, đảng Dân chủ - Cộng hòa đề cử Jefferson và Aaron Burr, trong khi đảng Liên bang đề cử Adams và Charles C. Pinckney. Cuối cùng Jefferson và Burr mỗi người giành được 73 phiếu đại cử tri, Adams giành được 65 phiếu còn Pinckney 64 phiếu.

Kết quả hòa giữa Jefferson và Aaron Burr đồng nghĩa với việc Hạ viện là bên quyết định kết quả chung cuộc. Theo Thomas Balcerski, giáo sư tại Đại học bang Eastern Connecticut, trong thời gian đó, quan hệ giữa Adams và Jefferson vẫn khá thân thiện. Jefferson đã ăn tối với vợ chồng Adams tại Nhà Trắng vào tháng một năm đó.

“Thưa ngài, việc định đoạt cuộc bầu cử nằm trong quyền hạn của ngài”, Jefferson nói với Adams vào đầu tháng hai. Nhưng Adams từ chối can thiệp vào cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Phải mất hơn 30 lượt bỏ phiếu Jefferson mới dành được quá bán số phiếu ở Hạ viện để đắc cử.

Adams đã quyết định không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, rời thủ đô Washington lúc 4 giờ sáng 4/3/1801. Một số học giả cho rằng Adams làm vậy vì muốn hạ nhiệt căng thẳng chính trị ở thủ đô.

John Quincy Adams , con của John Adams, có nhiều điểm giống bố mình. Ông tranh cử năm 1824 và đối mặt với các đối thủ Andrew Jackson và Henry Clay.

Jackson là đối thủ đáng gờm nhất. Giống như mối quan hệ của cha mình với Jefferson, Quincy Adams từng là đồng minh chính trị của Jackson. Nhưng mối quan hệ của họ nguội lạnh vì cuộc đua vào Nhà Trắng.

Jackson giành được nhiều phiếu đại cử tri và phổ thông hơn nhưng không quá bán. Các đại cử tri ủng hộ Clay sau đó chuyển sang ủng hộ Quincy Adams và Hạ viện đã biểu quyết để ông này đắc cử. Jackson chỉ trích việc này và thề “phục thù” vào năm 1828.

Cuộc bầu cử năm 1828 là màn tái đấu giữa Quincy Adams và Jackson. Lần này, Jackson là người chiến thắng. Giống như cha mình, Quincy Adams đã cố gắng có mối quan hệ thân thiện với người kế nhiệm nhưng Jackson không đáp lại. Quincy Adams gợi ý sử dụng Nhà Trắng cho lễ nhậm chức nhưng Jackson từ chối.

Quincy Adams rời Nhà Trắng vào tối 3/3/1829, một ngày trước lễ nhậm chức của Jackson. Giống như cha mình, ông đã cố ý không dự lễ nhậm chức của người kế vị.

Phó Tổng thống Andrew Johnson thuộc đảng Dân chủ lên nắm quyền sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát năm 1865. Ông có nhiều động thái cản trở nguyện vọng của các nghị sĩ Cộng hòa, phe chiếm đa số tại quốc hội. Mặc dù khá được lòng dư luận, ông không giành được đề cử của đảng Dân chủ năm 1868 và thậm chí còn bị Hạ viện xem xét bãi nhiệm vì quyết định sa thải bộ trưởng chiến tranh gây tranh cãi.

Tháng 11/1868, tướng Ulysses S. Grant, đối thủ “không đội trời chung” của Johnson, đắc cử tổng thống. Johnson từ chối tham dự lễ nhậm chức của Grant. Thay vào đó, ông ở Nhà Trắng để ký luật. Tương tự, Grant cũng bác bỏ ý tưởng đi cùng xe với Johnson.

Việc Trump có dự lễ nhậm chức của Biden vào tháng 1 năm sau hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của ông. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy những tổng thống bị đối thủ “tẩy chay” không dự lễ nhậm chức đều tiếp tục điều hành đất nước một cách thuận lợi, không chỉ trong một mà hai nhiệm kỳ.

Theo Phương Vũ/VnExpress/CNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast