Hồ sơ Panama và vấn đề hợp tác báo chí

“Khi sự cạnh tranh giữa mạng xã hội và báo chí truyền thống đang rất gay gắt thì về lâu dài, sự hợp tác giữa các tòa soạn của báo chí Việt Nam là rất quan trọng trong việc đưa ra những thông tin chuẩn xác nhất, đảm bảo việc đưa thông tin công bằng cho người đọc”.

Nhà báo Lê Ngọc Sơn (đang nghiên cứu và giảng dạy truyền thông tại Đức) khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN về vụ Hồ sơ Panama và vấn đề hợp tác báo chí.

ho so panama va van de hop tac bao chi

Lần đầu tiên trong nghề báo có một sự hợp tác sâu rộng ở trên quy mô toàn cầu với sự gắn kết của hàng trăm nhà báo ở hơn 100 tòa soạn trên thế giới.

-PV: Là một nhà báo và nhà nghiên cứu truyền thông đang sống tại Đức, ông nhìn nhận như thế nào về vụ Hồ sơ Panama?

Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Hồ sơ Panama là một vụ việc rất đặc biệt đối với báo chí. Nó một lần nữa thể hiện vai trò quan trọng của báo chí trong việc bảo vệ lẽ phải và thể hiện được chức năng thực sự của báo chí trong xã hội. Điều đặc biệt thể hiện ở mấy khía cạnh sau: Thứ nhất, tính chất của vụ việc rất nghiêm trọng, liên quan đến các chính trị gia có quyền lực, các doanh nhân, giới nghệ sĩ giàu có bậc nhất trên thế giới.

Hai là, lần đầu tiên trong nghề báo có một sự hợp tác sâu rộng ở trên quy mô toàn cầu với sự gắn kết của hàng trăm nhà báo ở hơn 100 tòa soạn trên thế giới. Vụ điều tra này cho thấy tính liên kết và đoàn kết báo chí của các nhà báo và các tòa soạn có tầm quan trọng để cùng làm nên một tuyến bài điều tra thành công về những vụ việc lớn của thế giới. Thêm nữa, việc nguồn tin tìm đến các nhà báo uy tín để cung cấp thông tin cho thấy, trong thời buổi làm báo này, uy tín rất quan trọng, để có nguồn tin giá trị rất cần uy tín nghề nghiệp, uy tín báo chí.

-PV: Sự chia sẻ thông tin và hợp tác báo chí liên tòa soạn, bỏ qua sự cạnh tranh nghề nghiệp gay gắt chính là yếu tố giúp vụ Hồ sơ Panama được phơi bày. Vậy còn yếu tố độc quyền về thông tin? Sự chia sẻ này liệu có làm mất đi tính độc quyền thông tin của mỗi tờ báo không, thưa ông?

Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Không thể phủ nhận tính độc quyền làm nên giá trị, sự nhanh nhạy của một tờ báo. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tính độc quyền tin tức trong thời điểm hiện nay không phải là ưu tiên hàng đầu nữa, mà là tính đúng đắn của thông tin. Tính độc quyền chưa hẳn đã là thông tin đúng. Tuy nhiên, trong một xã hội mà mạng xã hội đang cạnh tranh gay gắt với báo chí truyền thống thì rõ ràng là không thể đặt vị trí của tính độc quyền hay nhanh nhạy lên cao được nữa. Bởi dường như ai cũng có thể phát hiện ra nguồn tin, ghi lại và post lên mạng. Lúc đó, tính độc quyền chỉ là tính khả tín rằng việc đó có thật hay không, điều tra câu chuyện đằng sau sự việc đó là cái gì. Đây là thời điểm và tình huống cần đến vai trò của nhà báo. Do vậy, khả tín quan trọng hơn độc quyền.

Vụ việc Hồ sơ Panama thể hiện vai trò quan trọng của việc hợp tác liên tòa soạn dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Các nhà báo làm việc theo từng đội, nhóm, nhưng người này biết công việc của người kia, nhóm này biết công việc của nhóm kia. Rõ ràng, điều này rất “lạ”. Bởi đặc trưng của nghề báo là cạnh tranh thông tin, cung cấp thông tin độc quyền, nhưng ở vụ việc này là tất cả cùng đưa thông tin ở một thời điểm. Điều đó cho thấy tính kỷ luật của việc hợp tác, sự tin cậy lẫn nhau là rất quan trọng trong nghề này. Chúng ta thấy rất kinh ngạc vì hợp tác ở một quy mô rộng lớn hàng trăm con người, với hàng trăm tòa soạn như vậy mà thông tin không hề rò rỉ. Họ đã nhìn nhận được vấn đề đang làm là rất nghiêm túc, không chộp giật và có sự tin cậy lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng đó là một phẩm chất rất quan trọng trong làm báo ở thời kỳ hiện đại này.

-PV: Ông có nhận xét gì về vấn đề hợp tác báo chí tại Việt Nam? Cần hợp tác, chia sẻ thông tin như thế nào đế đáp ứng yêu cầu hội nhập báo chí mà không làm mất đi tính độc quyền về tin tức?

Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Theo cá nhân tôi thì dù đã có các tuyến bài điều tra mà các báo phối hợp với nhau để thực hiện, nhưng hợp tác báo chí chưa phải là việc ưu trội thể hiện được tính chuyên nghiệp, đặc trưng của báo chí Việt Nam. Chúng ta chỉ đang làm những vụ việc rời lẻ. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội, để giữ chân được người đọc, báo chí truyền thống phải có điểm mới. Một trong những điểm mới khác với thông tin trên mạng xã hội là các nhà báo và các tòa soạn là những người cung cấp thông tin có thể kiểm chứng được. Tôi cho rằng về lâu về dài, khi sự cạnh tranh giữa mạng xã hội và báo chí truyền thống đang rất gay gắt thì việc hợp tác giữa các tòa soạn là rất quan trọng trong việc đưa ra những thông tin chuẩn xác nhất, đảm bảo việc đưa thông tin công bằng cho người đọc.

Nhìn lại câu chuyện của báo chí Việt Nam, tôi nghĩ cần phải chấm dứt ngay những cách làm báo chộp giật, cạnh tranh thông tin không lành mạnh hoặc đưa thông tin gây sốc, không mang được những giá trị về sự thật, không có ích cho xã hội, mà đơn thuần chỉ câu view, câu like. Nó không tạo ra thứ gọi là “hàng hóa thông tin” tốt, vì cạnh tranh những chuyện tầm phào đó thì những facebookers họ có thể giỏi hơn các nhà báo nhiều lần. Nhưng để có những tuyến bài điều tra với sự đầu tư công phu công sức và trí tuệ thì không hẳn ai cũng làm được. Loạt bài Hồ sơ Panama được đánh giá cao vì nhà báo đại diện cho bạn đọc đi điều tra câu chuyện trong hồ sơ đó. Đó là lý do vì sao người đọc vẫn đọc báo, lý do để báo chí truyền thống tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

-PV: Xin cảm ơn ông!

ho so panama va van de hop tac bao chi

Nhà báo Lê Ngọc Sơn

Nhà báo Lê Ngọc Sơn hiện là thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về truyền thông khủng hoảng tại Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức; đồng thời là nghiên cứu sinh ngành quản trị khủng hoảng và quan hệ công chúng tại Khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông của đại học nằm trong top 10 này của CHLB Đức.

Ông được mời làm giảng viên tại trường đại học danh tiếng này. Trước đó, ông đã có hơn 12 năm làm báo tại Việt Nam. Ông còn là nhà tư vấn về chuyển đổi mô hình phát triển toà soạn cho nhiều tờ báo tiếng Việt tại CHLB Đức.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast