Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

(Baohatinh.vn) - Trước ảnh hưởng của mưa bão, các địa phương ở Hà Tĩnh đang khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống như: thu hoạch lúa hè thu, gia cố lồng bè và sẵn sàng di dời các hộ dân...

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

* Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Thạch Hà gieo cấy hơn 7.500 ha. Tới thời điểm hiện tại, với diện tích thu hoạch được đạt trên 92%, huyện sắp hoàn thành vụ lúa thứ 2 của năm 2021.

Để phòng tránh mưa bão, các địa phương đã huy động động tối đa máy móc thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương nuôi trồng thủy sản tập trung các giải pháp đề phòng rủi ro.

Toàn xã Thạch Sơn có 65 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Đò Điệm. Thời điểm này, người dân nơi đây đã cơ bản hoàn tất việc bảo vệ các lồng cá, tránh ảnh hưởng của bão CONSON và mưa lớn có thể xảy ra.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Song song với đó, huyện đã chỉ đạo các ngư dân neo đậu thuyền an toàn. Toàn huyện Thạch Hà có tất cả 627 tàu thuyền, trong đó có 5 tàu đánh bắt xa bờ... Tới thời điểm hiện tại, tất cả số tàu thuyền nói trên đã thực hiện công điện chỉ đạo của huyện và về nơi tránh trú an toàn.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Nhiều địa phương trên địa bàn huyện cũng đã chặt tỉa cây để phòng tránh nguy cơ gãy đổ do mưa bão, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khi lưu thông.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

... và đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khi lưu thông.

Để bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân trước bão CONSON và mưa lũ có thể xảy ra, Thạch Hà cũng kịp thời tiến hành rà soát các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Đặc biệt là khu vực người dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn), huyện Thạch Hà đã yêu cầu chính quyền xã triển khai phương án di dời (5 hộ dân) vùng nguy cơ sạt lở cao dưới chân núi Nam Giới về nơi tránh trú an toàn trước khi mưa bão vào.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Xã Thạch Hải huy động máy xúc đắp bờ bao ở bãi thải số 1 tại mỏ sắt Thạch Khê, tránh trường hợp vỡ do mưa lớn).

Các địa phương cũng đang gấp rút rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu có thể xảy ra sự cố trước mùa mưa bão.

* Huyện Hương Sơn chủ động phương án sơ tán đến nơi an toàn, đặc biệt không để bị động, lúng túng khi xẩy ra trường hợp kép “vừa thiên tai vừa có dịch bệnh”.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Gia đình anh Nguyễn Văn Khánh ở thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1 ở sát vách núi nguy cơ sạt lở đất rất cao

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão CONSON nên trên địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã có mưa vừa đến mưa to. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Phan Thanh Giang - trưởng thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1 cùng cán bộ xã lại tất bật đến tận từng nhà các hộ dân ở sát vách núi để đôn đốc, nhắc nhở người dân chuẩn bị đồ đạc, sẵn sàng sơ tán khi có lệnh.

“Thôn Hà Trai có 12 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, một bên là sông Ngàn Phố và 1 bên là sát vách núi, nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu mùa mưa bão, chính quyền địa phương cùng với cán bộ thôn đã đến tận các hộ dân để kiểm tra số nhân khẩu, lên kế hoạch sơ tán để người dân lựa chọn. Cụ thể, có 2 phương án sơ tán các hộ dân khi mưa lũ đến, đó là sơ tán đến nhà văn hoá thôn hoặc đến nhà người thân của gia đình đó” – ông Giang cho hay.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Nhà văn hoá thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1 là 1 trong những địa điểm sơ tán dân trong vùng khi mùa mưa bão đến

Với điều kiện, tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân miền núi là làm nhà dưới chân núi, hoặc gần khe suối. Ngay sau nhà là vách núi dựng đứng với hàng trăm, hàng nghìn khối đất đá, cây cối từ trên cao, nguy cơ sạt lở, ập xuống bất cứ lúc nào.

“Mặc dù biết ở đây là nguy hiểm nhưng do chưa có điều kiện di dời đến nơi ở khác, gia đình anh phải chấp nhận bám trụ nơi đây. Vì vậy, trước mùa mưa bão, gia đình anh cùng các hộ khác trong thôn đã chuẩn bị sẵn sàng sơ tán đến nhà người quen hoặc nhà văn hoá thôn” - anh Nguyễn Văn Khánh ở thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1 cho hay.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Với điều kiện, tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân Hương Sơn là làm nhà dưới chân núi, hoặc gần khe suối thậm chí nhiều hộ dân còn khoét một phần vách núi để dựng nhà.

Ông Phan Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết, Sơn Kim 1 có hơn 60 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao. Trước mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án chuyển các hộ này đến các điểm an toàn như: nhà người thân, trường học, xí nghiệp trên địa bàn. Cùng với phương án di dời dân, địa phương cũng đã thành lập các đội xung kích và hợp đồng với các chủ phương tiện trên địa bàn để vận chuyển người, tài sản khi có lệnh sơ tán.

Hương Sơn là huyện miền núi có địa hình dốc, nhiều núi đất và sông suối nên hằng năm vào mùa mưa lũ thường xẩy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Ngoài 7 xã vùng hạ huyện thường xuyên bị ngập lụt, các xã vùng thượng lại đối mặt với lũ quét và sạt lở đất.

Theo số liệu khảo sát của ban phòng chống lụt bão huyện, có 253 hộ, 774 người nằm trong diện bị ảnh hưởng lũ quét và 254 hộ, 863 người nằm trong diện bị ảnh hưởng sạt lở đất.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Nhiều biển cảnh báo khu vực nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét đã được cắm tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn huyện Hương Sơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kiều Hưng cho biết, Hương Sơn đã xây dựng phương án, bố trí 27 hội trường UBND xã, 60 nhà văn hóa thôn, 41 trường học, 6 trụ sở tôn giáo trên địa bàn làm địa điểm sơ tán dân.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, địa phương đã bổ sung phương án sơ tán di dời dân trong điều kiện trên địa bàn có trường hợp bị nhiễm COVID-19. Đối với các vị trí sơ tán đến không có vách ngăn hay tường chắn như nhà văn hóa xã, hội quán thôn thì điều chỉnh sơ tán đến trụ sở UBND xã, trạm y tế và các trường học nếu có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Chỉ mới 1 trận mưa vừa nhưng đường qua địa bàn xã Sơn Kim 1 đã bị lũ cuốn trôi, chia cắt hơn 400 hộ dân địa phương

“Phương án PCLB năm nay đã được điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình thực tế, phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế (nếu có dịch bệnh xẩy ra). Đặc biệt là phải đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực dự kiến sơ tán dân trong điều kiện vừa thiên tai vừa có dịch bệnh, không để bị động, lúng túng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khẳng định.

* Chuẩn bị ứng phó với diễn biến thời tiết xấu do ảnh hưởng của bão CONSON, nông dân huyện Hương Khê đang khẩn trương thu hoạch các sản phẩm của vụ sản xuất hè thu.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Anh Phạm Minh Chiến (thôn 1, xã Phúc Trạch) khẩn trương thu hoạch lúa.

Những ngày này, cả gia đình anh Phạm Minh Chiến (thôn 1, xã Phúc Trạch) cùng ra đồng để thu hoạch lúa. Anh Chiến chia sẻ, để kịp tiến độ, chúng tôi phải nhờ thêm bà con, anh em đến giúp đỡ. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong bão lũ qua nhanh để còn phơi lúa, phơi rơm và chuẩn bị sản xuất vụ đông.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Huyện đoàn Hương Khê giúp nông dân xã Hương Lâm thu hoạch lúa.

Vụ hè thu năm nay, huyện Hương Khê gieo cấy trên 2.135 ha, vượt 35 ha so với kế hoạch và cao hơn năm 2020 gần 300 ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, vụ lúa hè thu 2021 của huyện đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, dự kiến đạt năng suất bình quân từ 45 - 50 tạ/ha.

Trước thông tin thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của bão CONSON, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung huy động máy móc, phương tiện và nhân lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 2.000 ha lúa, đạt hơn 93,6%, xếp thứ 6 trên toàn tỉnh về tiến độ thu hoạch.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Chị Tô Thị Huyền phấn khởi vì cây đậu xanh được mùa, được giá.

Thời điểm này cũng là chặng cuối cùng của thời vụ thu hoạch đậu xanh trên địa bàn. Chị Tô Thị Huyền, thôn 4, xã Hương Thuỷ phấn khởi: “Nhà tôi làm 6 sào đậu xanh, nay đã thu hoạch xong với sản lượng đạt 3 tạ. Tranh thủ thời tiết còn nắng ráo, tôi ra đồng tận thu lứa đậu còn sót lại trước khi mưa bão vào làm hư hỏng cây. Giá đậu xanh năm nay tương đối ổn định (30 nghìn đồng/kg) nên thu nhập cũng khá, chúng tôi phấn khởi lắm”.

Lo ngại nhất trước khi bão số 5 đổ bộ với người dân Hương Khê là cây bưởi Phúc Trạch. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch chia sẻ, do để nâng cành, đỡ quả nên đầu mùa hầu hết cây bưởi nào cũng đã được giằng, chống cẩn thận. Hiện tại, chúng tôi tập trung thu hoạch tỉa ở những cây bưởi đã chín để tránh bị rụng do mưa bão. Thời điểm này đang là chính vụ bưởi nên việc thu hoạch và tiêu thụ đều khá thuận lợi. Số còn lại (còn xanh), vẫn phải để thu hoạch sau bão bởi thu hoạch sớm chất lượng bưởi cũng không đạt tiêu chuẩn.

Người dân Hà Tĩnh tất bật phòng mưa bão

Người dân Hương Khê tất bật thu hoạch những cây bưởi đã chín để kịp tránh bão, lũ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lê Thị Nhung Tuyết cho hay, những ngày này, Hội Nông dân các cấp đang đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ bưởi giúp hội viên, nông dân. Chỉ trong 3 - 4 ngày qua, chúng tôi đã phối hợp thu hoạch hàng chục tấn bưởi. Riêng trong ngày 11/9, phấn đấu thu hoạch 5 tấn. Mặc dù số lượng chưa phải lớn nhưng cũng giúp nhiều nông dân có bưởi ở vùng thấp trũng kịp thời thu hoạch, tiêu thụ, yên tâm hơn trong mùa mưa bão.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương tuyên truyền người dân thu hoạch cây trồng vụ hè thu; huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển lúa đã gặt về nhà, tránh thiệt hại do mưa lũ. Đến hết ngày 11/9, chúng tôi phấn đấu thu hoạch đạt 95% tổng diện tích sản xuất. Còn sản lượng thu hoạch bưởi đến nay đã đạt trên 13.000 tấn (65%).

Đồng thời, chúng tôi cũng đã có phương án tiêu thoát lũ cho diện tích còn lại chưa kịp thu hoạch (do lúa chưa chín). Ngoài ra, để ứng phó tốt với bão số 5, huyện đã chỉ đạo và kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phụ hợp với điền kiện cụ thể tại địa phương; chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng xung kích để sẵn sàng giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.

Chủ đề PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast