Phân luồng, hướng nghiệp: Bài toán nan giải!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống hiếu học nên ý thức phấn đấu vào đại học đã trở thành mục tiêu, là mong muốn của biết bao bậc phụ huynh và học sinh. Để hạn chế tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, những năm qua, ngành Giáo dục luôn chú trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Từ những con số biết nói…

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2015 của Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT): trong tổng số gần 18.000 học sinh tốt nghiệp THCS tại 13 huyện, thành, thị, chỉ có gần 1.900 em (chiếm tỷ lệ hơn 10%) vào học ở các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên hoặc cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ phân luồng học sinh bậc THCS vào các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, trung cấp nghề rất thấp, như: Hương Sơn chỉ chiếm hơn 5%, Đức Thọ 5,6%, Hương Khê 5,5%, thành phố Hà Tĩnh 7,6%...

Còn đối với bậc THPT cũng chẳng khá hơn dù những năm qua, ngành giáo dục đã thường xuyên tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp.

Kết quả công tác hướng nghiệp, dạy nghề còn nhiều hạn chế.

Kết quả công tác hướng nghiệp, dạy nghề còn nhiều hạn chế.

Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết: “Hàng năm, Sở đều có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh THCS, THPT. Theo đó, việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép qua các buổi chào cờ, sinh hoạt, chương trình hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; tạo điều kiện cho học sinh từ lớp 11 được đi tham quan các doanh nghiệp trên địa bàn để có khái niệm bước đầu về nghề nghiệp…”.

Sự cố gắng của các nhà trường trong công tác phân luồng cũng đã bước đầu tạo chuyển biến trong tư tưởng của một số học sinh. Theo đó, trong tổng số gần 17.000 học sinh bậc THPT trên toàn tỉnh, trong năm học vừa qua, có gần 3.000 em vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, 8.000 em vào các trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập và tư thục, số còn lại tìm kiếm việc làm bằng nhiều con đường như xuất khẩu lao động, lao động tự do…

Dẫu vậy, xét về thực tế, tỷ lệ học sinh vào các trường đại học, cao đẳng vẫn còn cao so với nhu cầu xã hội hiện nay. Số liệu điều tra cho thấy, trong số 43 trường THPT thì 14 trường có trên 50% học sinh học ở các trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập tư thục. Đặc biệt, một số trường như: THPT Cẩm Xuyên gần 98%; THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) 83%; THPT Phan Đình Phùng (thành phố Hà Tĩnh) hơn 91%; THPT Trần Phú (Đức Thọ) 68%...

… đến suy nghĩ của phụ huynh học sinh

Vào đại học được xem là “xu thế tất yếu” và là lựa chọn số 1 của phụ huynh, học sinh những năm gần đây. Nếu đó là kết quả của sự đầu tư cho con, là sự lựa chọn phù hợp với năng lực, trình độ và nhu cầu xã hội thì là một điều đáng mừng. Nhưng thực tế trong số đó không ít phụ huynh vẫn biết con mình học lực chỉ ở mức… học nghề.

Chị Nguyễn Thị N. (Thạch Hà) cho biết: “Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước nên vẫn luôn mong muốn con mình được vào đại học để sau này có nghề nghiệp phù hợp, tạo lập cho tương lai”. Cùng quan điểm, chị Lê Thị T. (Lộc Hà) cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống hết sức khó khăn. Tôi nghĩ, chỉ có con đường vào đại học thì sau này con cái mới đỡ khổ, mới mở mày, mở mặt với họ hàng, làng xóm...”.

Với suy nghĩ đại học là môi trường hứa hẹn cho con đường lập thân, lập nghiệp nên thí sinh thường đăng ký thêm các nguyện vọng; đại học không đủ điểm thì cao đẳng, công lập không đậu thì vào dân lập... Thế nên, sau mỗi mùa thi, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng luôn cao… chót vót.

Bên cạnh suy nghĩ của các bậc phụ huynh, các cô cậu cử về con đường lập nghiệp, việc phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề còn gặp khó khăn bởi các trường đại học ngày càng được mở rộng, điểm sàn thấp. Với những trường ở nhóm dưới, có trường chỉ cần 10 điểm cho cả 3 môn thi (kể cả điểm ưu tiên) là có thể vào được đại học. Thực tế này còn đáng lo ngại hơn khi dự thảo thông tư mới về công tác tuyển sinh năm nay có thêm điểm mới: học sinh tốt nghiệp THPT đều có thể nộp đơn vào học các trường cao đẳng.

Mùa thi đang đến gần, ngoài việc gấp rút chuẩn bị hành trang kiến thức vững chắc, các nhà trường, phụ huynh và học sinh cần đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp để các em có sự lựa chọn đúng, phù hợp với năng lực học tập, sở trường của bản thân và nhu cầu của xã hội.

Theo kinh nghiệm phân luồng học sinh của nhiều nước phát triển, ngay sau khi tốt nghiệp THCS, chỉ khoảng 30% học sinh có nhu cầu thi đại học mới học tiếp lên bậc THPT, còn lại khoảng 70% sẽ chọn hướng học nghề.

(Còn nữa)

Nguồn: Báo Nhân dân

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast