Khuyến công – Thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Thực hiện chính sách khuyến công theo Nghi định 134 của Chính phủ trong những năm qua được xem là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2009 giá trị sản xuất CN- TTCN của tỉnh có bước tiến vượt bậc, đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2005, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,4%.

Từ chính sách khuyên công các DN đổi mới công nghệ sản xuất.
Từ chính sách khuyên công các DN đổi mới công nghệ sản xuất.

Qua 5 năm thực hiện chính sách khuyến công, các chủ trương, chính sách đã dần đi vào cuộc sống. Bước đầu, chương trình đã giúp các cơ sở tiếp cận với những công nghệ, sản phẩm và quy trình sản xuất mới; đào tạo lao động có tay nghề; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại các địa phương…

Nhờ đó, công nghiệp nông thôn đã có những khởi sắc mới. Nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp nông thôn đã được hưởng lợi và phát huy có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Khoản kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công giai đoạn 2005 - 2009 hơn 10 tỷ đồng từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước là 6.207 triệu đồng, kinh phí ngân sách tỉnh 3.814 triệu đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với nguồn kinh phí này, tỉnh đã đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho 3.167 lao động, tập trung vào các nghề chế biến hàng lâm sản, hải sản, mây tre đan xuất khẩu… Hỗ trợ 2.370 triệu đồng xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật, thu hút thêm 1.712 lao động., trong đó chủ yếu trình diễn các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thuộc nhóm cơ khí… Hỗ trợ 98 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và 3 cơ sở xây dựng thượng hiệu cho sản phẩm của mình cùng 80 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm.

Ngoài ra, hoạt động khuyến công còn hỗ trợ công tác tuyên truyền, lập đồ án quy hoạch chi tiết 10 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Theo ông Phan Văn Tứ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển doanh nghiệp thì hoạt động khuyến công đã đáp ứng mục tiêu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển một phần lao động từ nông nghiệp sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ công nghiệp.

Nhờ giải quyết tốt mối quan hệ về lao động, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách khuyến công cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại là do nguồn quỹ khuyến công ít, nên chưa có tác dụng kích thích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất kinh doanh đa số còn nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển của cơ sở. Khả năng lập dự án và các hồ sơ liên quan của một số chủ đầu tư còn hán chế dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị, chủ đầu tư phải đi lại nhiều lần. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa làm tốt công tác thu hút vốn đầu tư cho hạ tầng cụm công nghiệp sản xuất tập trung sau khi đã có quy hoạch và thiếu sự quan tâm đến đến công tác khuyến công để mở rộng và phát triển sản xuất trên địa bàn; việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp tại vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao…

Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt là làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn biết được chính sách và nội dung hoạt động của chính sách khuyến công, từ đó tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị mình; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý tài chính và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành các đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Ông Tứ cho rằng: Để tiếp tục phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành thì cần có những chính sách hợp lý, như : hỗ trợ các dự án tham quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước từ nguồn kinh phí trên để giúp các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận thị trường, tìm đối tác đầu tư nhằm khai thác thế mạnh từ hai phía. Việc thành lập mạng lưới khuyến công viên cấp huyện, xã hết sức quan trọng để thực hiện tốt công tác khuyến công tại cơ sở….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast