Hé lộ nghi vấn lừa đảo trong vụ mua bán tòa nhà cao nhất Việt Nam

Báo JoongAng Daily trong hai ngày liên tục là 15 và 16/5 đã đăng tải các bài báo về việc Ban Joo-hyun bị cáo buộc đã có hành vi lừa đảo trong việc bán tòa nhà Keangnam Landmark Tower tại Việt Nam.

Cố Chủ tịch Keangnam Sung Wan-jong. (Nguồn: NEWSIS)
Cố Chủ tịch Keangnam Sung Wan-jong. (Nguồn: NEWSIS)

Theo điều tra của nhóm phóng viên JoongAng Daily, từ năm 2013, tập đoàn Keangnam đã quyết định bán tòa nhà trên để giảm bớt các khó khăn về tài chính. Khi biết được ý định này, ông Ban Ki-sang (bố của Bahn Joo-hyun, đồng thời là cố vấn cao cấp của Tập đoàn Keangnam trong vòng 7 năm) đã giới thiệu con trai mình đứng ra làm trung gian cho việc chuyển nhượng tòa nhà.

Khi ông Ban Ki-sang thông báo với Keangnam rằng quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) quan tâm tới việc mua tòa nhà, lãnh đạo tập đoàn này đã trao cho Ban Joo-hyun 600 triệu won (gần 12 tỷ đồng) và các tài liệu liên quan để xúc tiến thương vụ mua bán với điều kiện phải có được được ý định thư của QIA trong đó khẳng định quỹ này quan tâm đến việc mua lại tòa nhà Keangnam Landmark Tower ở Việt Nam.

Sau đó, Ban Joo-hyun đã đưa cho lãnh đạo Tập đoàn Keangnam lá thư của Quỹ QIA khẳng định thương vụ mua bán đang tiến triển tốt và chỉ chờ sự phê chuẩn của ban lãnh đạo.

Bức thư có đoạn viết: “Chúng tôi đang chờ phê chuẩn của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành QIA và Hội đồng quản trị QIA sơ bộ đồng ý phân bổ kinh phí cho giao dịch mua lại tòa nhà Keangnam. QIA dự kiến sẽ đưa ra hợp đồng vào cuối tháng này ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng."

Tập đoàn Keangnam cũng đã trao lá thư trên cho các chủ nợ của mình vào tháng 3 vừa qua. Thậm chí, theo nhật báo Korea Herald ngày 15/5, các chủ nợ của Keangnam cũng đã nhất trí mở các cuộc đàm phán trước tháng 7 và nếu thành công thì Quỹ QIA sẽ là nhà thầu được ưu tiên rút ngắn quá trình mua lại tòa nhà.

Tuy nhiên, ngày 15/5, Quỹ QIA đã phủ nhận thông tin sẽ mua tòa nhà và cho biết thêm rằng Ban Joo-hyun đã gửi email cho ban lãnh đạo QIA nhưng họ đã từ chối và không còn liên lạc với người này từ lâu.

Một quan chức của QIA nói với tờ JoongAng Daily: “Nó hoàn toàn là giả mạo. Họ thậm chí còn làm giả cả chữ ký của tôi, chúng tôi thậm chí không biết gì về Tập đoàn Keangnam."

Theo JoongAng Daily, vụ việc rất có thể đã được dàn dựng theo “kịch bản” là Quỹ QIA đưa ra mức giá 600 triệu USD để mua tòa nhà này, tuy nhiên sau khi tòa án Hàn Quốc công bố mức giá 800 triệu USD thì quỹ này cũng đã tăng mức giá đề nghị mua bằng mức tòa án đưa ra như những gì truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin trước đó.

Các email trao đổi qua lại giữa QIA và Ban Joo-hyun sau khi tờ JoongAng Daily công bố vụ việc cũng ủng hộ cho nhận định cho rằng khẳng định của QIA là chính xác và Ban Joo-hyun đã giả mạo bức thư của QIA gửi cho Tập đoàn Keangnam.

Trong một email mà QIA gửi cho Ban Joo-hyun có đoạn: “Như ngài có thể thấy, chúng tôi rất ngạc nhiên vì điều này rõ ràng là không đúng sự thật. Như trong email trao đổi giữa chúng ta trước đó, chúng tôi đã từ chối thỏa thuận này và kể từ đó không còn tiếp tục thảo luận."

Trong khi đó, Ban Joo-hyun trả lời QIA khá mơ hồ rằng: “Có một điều gì đó không may đã xảy ra với 'cánh báo chí quá hăng say' cũng như với những chủ nợ Hàn Quốc (những đối tượng mà chúng tôi nghi ngờ là thủ phạm làm rò rỉ câu chuyện hư cấu này). Họ đang cố gắng để 'chơi trò' nhằm tăng giá chuyển nhượng. Tôi xin lỗi vì điều này nhưng chúng tôi cũng đã rất ngạc nhiên như các ngài vậy. Và chúng tôi cũng đã tiến hành một thương vụ đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng khác. Trong thời gian tới, sẽ không có bất kỳ hiểu lầm nào do báo chí Hàn Quốc đưa ra liên quan đến thỏa thuận này và cũng như dính líu đến QIA."

Tuy nhiên, Ban Joo-hyun đã từ chối trả lời các câu hỏi của tờ JoongAng Daily và nói rằng thỏa thuận bán tòa nhà trên vẫn đang được đàm phán.

Vụ việc tiếp tục được đẩy đi xa hơn

Ngày 16/5, trong bài viết có tựa đề: “QIA phủ nhận việc mua tòa nhà Landmark 72”, tờ JoongAng Daily tiếp tục nhắc lại việc QIA, thông qua công ty quan hệ công chúng của mình, đã gửi email cho tờ báo này khẳng định: “Quỹ QIA không có ý định mua tòa nhà Landmark 72 Tower ở Hà Nội, Việt Nam. Tất cả các thông báo trái với điều này đều là sai và bị từ chối."

Tờ báo cho rằng Ban Joo-hyun và bố của ông ta có thể đã lừa dối Keangnam và các chủ nợ của tập đoàn này bằng việc vờ như sắp bán được tòa nhà Landmark 72 để từ đó các chủ nợ sẽ tiếp tục cho Keangnam vay tiền nhằm duy trì hoạt động.

Trên thực tế, các chủ nợ được cho là cũng đã nới lỏng các điều kiện cho vay cho Tập đoàn Keangnam vì Ban Joo-hyun khi đó nói rằng vẫn đang trong quá trình đàm phán với QIA về việc bán tòa nhà trên.

Cũng theo tờ báo trên, ngày 16/5, các nhà quản lý của Keangnam đã đề nghị Tòa án quận trung tâm Seoul, cơ quan hiện đang tạm tiếp quản quyền quản lý tập đoàn theo “thủ tục hồi sinh công ty”, tước bỏ độc quyền của Ban Joo-hyun trong việc thương lượng bán lại tòa nhà Landmark 72.

Những người này nói rằng: “Ban đã không làm đúng trách nhiệm của mình vì ông ta không trả lời được các câu hỏi của tập đoàn về tiến trình đàm phán cũng như khả năng bán được tòa nhà."

Cuối buổi chiều ngày 16/5, Tòa án quận trung tâm Seoul cho biết đã chấp nhận đề nghị này.

Các chủ nợ và các cổ đông của tập đoàn Keangnam cũng tỏ ý không hài lòng trước những tin tức liên quan đến nghi vấn lừa đảo trong thương vụ bán lại tòa nhà Landmark 72.

Một chủ nợ cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ tài chính cho tập đoàn Keangnam bởi vì chúng tôi tin tưởng quá trình bán tòa nhà Landmark 72 đang tiến triển tốt đẹp. Chúng tôi sẽ buộc một số người trong số họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những tổn thất này”./.

Theo Vietnam+

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast