Câu hỏi nhức nhối sau thảm kịch 1.150 người chết ở Afghanistan

Hàng nghìn người Afghanistan vẫn phải ngủ ngoài trời mưa và tự đào đất bằng tay không để chôn cất người thân sau trận động đất kinh hoàng hôm 22/6, trong khi chờ đợi thêm cứu trợ.

Những người đàn ông nhấc thi thể ra khỏi đống đổ nát, bọc chúng trong chăn cẩn thận, sau đó khiêng họ đến ngôi mộ khiêm tốn vừa được đào bằng các thiết bị thô sơ thành một rãnh dài.

Có hơn 30 thi thể cần chôn cất, quá nhiều để đảo những ngôi mộ riêng lẻ.

“Gia đình tôi đang ở đây”, Rahmatullah Rahimi, người đã mất vợ và 6 đứa con khi ngôi nhà của gia đình bị sập. Ông chỉ vào một dãy gò đất được đánh dấu bằng đá thô. “Không có thời gian để tổ chức đám tang cho từng người. Chúng tôi đã chôn tất cả họ cùng một lúc”.

Một ngày sau trận động đất lớn xảy ra ở khu vực xa xôi thuộc miền Đông Afghanistan, san phẳng hàng trăm công trình được xây dựng đơn giản và xóa sổ toàn bộ ngôi làng, người sống sót đang đào bới bằng tay không ở những nơi từng là nhà. Họ vật lộn để vượt qua đau thương, mất mát của một trong những thảm họa thiên nhiên chết người nhất trong nhiều thập kỷ.

Chính quyền Taliban ngày 23/6 đã kêu gọi viện trợ quốc tế và mong muốn chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden giải phóng tài sản Afghanistan đang đóng băng trong các ngân hàng của Mỹ. Dẫu vậy, Washington dường như vẫn chưa có động thái, dù đã ngỏ ý giúp đỡ không trực tiếp.

Ai sẽ giúp đỡ?

Dù đã chiếm được Kabul và lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, Taliban đã không thể tiếp cận hàng tỷ USD của chính quyền cũ, do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi họ đang vật lộn để thống kê thiệt hại, các quan chức cầm quyền mới của Afghanistan và tổ chức cứu trợ quốc tế cho biết tình hình đang rất nghiêm trọng. Tính đến ngày 25/6, số người chết là 1.150 người, với hơn 1.600 người bị thương.

Muhammad Nasim Haqqani, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Afghanistan, nói với Washington Post rằng nhiều người bị thương ở các tỉnh Paktika và Khost - một khu vực núi non hiểm trở, giáp ranh với Pakistan - đã được chuyển đến bệnh viện. Một số người bị thương nặng thậm chí đã được vận chuyển khẩn cấp bằng máy bay đến thủ đô Kabul.

Câu hỏi nhức nhối sau thảm kịch 1.150 người chết ở Afghanistan

Hàng nghìn ngôi nhà ở Afghanistan bị phá hủy hoàn toàn do trận động đất hôm 22/6. Ảnh: Reuters.

Haqqani cho biết thêm vẫn chưa thể thống kê đầy đủ số lượng ngôi nhà đã bị sập. Ngoài những người chết và bị thương, trận động đất còn khiến vô số cư dân mất nhà cửa và hứng chịu mưa như trút nước, làm tăng thêm khốn khó ở một khu vực vốn đã bị chiến tranh tàn phá và khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Tại một số ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, toàn bộ ngôi nhà đã trở thành đống đổ nát. Hầu hết ngôi nhà ở khu vực này đều được xây bằng gạch bùn, vốn không bền khi tiếp xúc nhiều với nước nên đã bị phân rã sau trận động đất.

Những khu vườn chất đầy đệm, quần áo và thảm. Một số ít ngôi nhà tường vỡ, để lộ ra nội thất gồm những chồng nồi nấu ăn, chiếc gương phòng tắm vỡ vụn, những tấm rèm bám víu lấy thanh sắt treo không nguyên vẹn.

Trận động đất 5,9 độ, mạnh tới mức có thể cảm nhận được cách xa hàng trăm km ở Ấn Độ và Iran, đặt ra thách thức đối với cả chính phủ Taliban và cộng đồng quốc tế.

Kể từ khi Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản vào năm ngoái, nhóm này đã thực hiện các chính sách xã hội cực đoan và hạn chế quyền của phụ nữ Afghanistan, làm sâu sắc thêm sự cô lập quốc tế và khiến nước này bị cắt khỏi phần lớn viện trợ nước ngoài.

Hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu các chính phủ nước ngoài không ủng hộ nhóm này liệu có can thiệp để giúp đỡ hay không.

Cho đến nay, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang theo dõi tình hình và đánh giá cách tốt nhất để giúp đỡ.

Mỹ đang “làm việc với các đối tác nhằm triển khai đội y tế để chăm sóc ngay lập tức cho những người bị ảnh hưởng, cử nhóm đánh giá và cung cấp nơi trú ẩn cũng như vật phẩm cứu trợ trong khu vực để hỗ trợ nỗ lực ứng phó ban đầu”, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cho biết trên Twitter ngày 23/6, báo hiệu rằng họ sẽ không trực tiếp cứu trợ.

"Kinh phí hỗ trợ của Mỹ sẽ chảy trực tiếp đến Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế có kinh nghiệm, được lựa chọn cẩn thận, vốn là các tổ chức viện trợ quan trọng cho người dân Afghanistan”, bài đăng viết.

Câu hỏi nhức nhối sau thảm kịch 1.150 người chết ở Afghanistan

Người sống sót tìm kiếm và di chuyển xác nạn nhân nạn nhân trong trận động đất, Golam Kot, Afghanistan, ngày 23/6. Ảnh: Reuters.

Một số nước láng giềng của Afghanistan đã gửi viện trợ. Pakistan ngày 23/6 cho biết họ đã gửi 8 xe tải chở lều, chăn và thuốc qua biên giới, trong khi Iran và Qatar gửi ba máy bay chở đầy hàng, theo các quan chức Taliban.

Thủ lĩnh tối cao của Taliban Haibatullah Akhunzada đã kêu gọi “cộng đồng quốc tế, các tổ chức phúc lợi và nhân đạo hỗ trợ những người bị ảnh hưởng từ trận động đất ở Afghanistan”.

“Hãy giúp đỡ bất cứ gì các bạn có thể và gửi chúng đến vào thời điểm quan trọng này”, ông nói.

Giấc ngủ giữa mưa, bùn, và đau khổ

Trong khi đó, các gia đình ở những ngôi làng bị tàn phá đang phải vật lộn để đào đống đổ nát nhằm tìm kiếm người thân, hoặc tìm một nơi khô ráo để ngủ.

Tại một bệnh viện ở Urgun, một phụ nữ tên Pastikhila đến từ quận Barmal nhớ lại đã thoát chết trong gang tấc khi mái nhà sụp xuống sáng sớm 22/4, sau khi cô và chồng bị đánh thức bởi chấn động.

Pastikhila đã ôm lấy được một đứa con và một đứa cháu khi chạy ra khỏi nhà, nhưng hai đứa con còn lại đã không thể chạy thoát kịp thời.

“Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không thể cứu được con mình”, cô nói.

Lều dựng tạm của các gia đình mất nhà cửa sau trận động đất, Paktika, Afghanistan, ngày 23/6. Ảnh: Reuters.

Khi mặt đất ngừng rung chuyển, cô bắt đầu đào. Sau một giờ, tiếng la hét của các con cô nhỏ dần. Cô tiếp tục đào thêm 8 giờ nữa cho đến khi tìm được xác của bọn trẻ.

“Khi bọn trẻ ngừng la hét, tôi biết chúng đã ra đi”, cô nói, ngồi kiệt sức tại bệnh viện, nơi cô cầu xin bác sĩ cho thêm thuốc an thần. “Tôi chỉ muốn ngủ”, cô nói một cách yếu ớt.

Có rất ít hy vọng tìm thấy những người sống sót ở đây. Chương trình Lương thực Thế giới ngày 23/6 cho biết 70% số ngôi nhà ở Barmal đã bị phá hủy hoàn toàn.

Những cảnh đau khổ tương tự đã diễn ra trên khắp khu vực bị ảnh hưởng khi ngày tàn hôm 23/6, sau một đêm mưa cuốn trôi các con đường, cản trở nỗ lực cứu hộ và làm ướt đẫm những người vừa trở thành người vô gia cư.

Tại huyện Paktika’s Giyan, Yasin, một bác sĩ và cựu thành viên hội đồng của tỉnh, cho biết ông đã ngủ dưới mưa mà không có thức ăn hay chỗ ở. Ông ước tính khoảng 1.100 gia đình đã trải qua đêm tương tự, đồng thời cho biết thêm rằng một số tổ chức từ thiện và đại diện chính phủ đã hứa dựng lều và sơ cứu nhưng vẫn chưa bắt đầu phân phát.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết họ đang “gấp rút” đưa các phương tiện trú ẩn khẩn cấp ra khỏi nhà kho của họ ở Kabul để phân phối.

Tại nhiều quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các thủ lĩnh Taliban đã đi khảo sát thiệt hại, cung cấp lương thực và trấn an tinh thần của cư dân. Gần một khoảng đất ở phía đông Paktika, nơi các quan chức Taliban đáp xuống bằng nhiều máy bay trực thăng, người dân nói họ cần nhất lúc này là nơi trú ẩn khẩn cấp.

Các thủ lĩnh Taliban phát bánh mì cho đàn ông và trẻ em trai.

Cách đó vài km ở làng Didi Qala, nơi 45 người thiệt mạng và gần như mọi ngôi nhà bị hư hại không thể sửa chữa, Mir Zahkan, người cao tuổi địa phương, cho biết các gia đình nói họ cần thứ khác hơn.

“Một miếng bánh mì chỉ dùng cho một ngày thì chúng tôi làm được gì?”, ông nói. “Chúng tôi cần lều và tiền để xây dựng lại”.

Hơn 80 gia đình đang sống và ngủ ngoài trời, ông cho biết. Một số có lều dựng tạm bằng vải, và gần như không thể che chắn họ khỏi mưa gió.

“Khi trời mưa, lũ trẻ rùng mình, nhưng chúng tôi không thể làm gì được”, ông nói.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast