Hiệp định Paris - Sự trở về kỳ diệu

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Nội dung quan trọng của Hiệp định này là trao trả tù binh và Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Sau ngày ký kết Hiệp định, các bên tiến hành trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài.

Đã 44 năm sau ngày tù binh hai bên được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, có người đã mất vì tuổi tác, sức khỏe; có người già yếu bệnh tật nhưng suốt đời họ không bao giờ quên phút giây trở về quý giá đó. Sự trở về bên bờ Thạch Hãn là sự hồi sinh của người tù chính trị sau bao năm ở địa ngục trần gian.

Ngôi nhà của ông Lê Minh Đức, 71 tuổi ở Khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị ẩn mình bên dòng Thạch Hãn. Sau Hiệp định Paris, ông được trao trả đợt một cùng nhiều đồng chí đồng đội. Ông Đức nhớ lại khi mình và các đồng đội được máy bay đưa đến nơi trao trả, ai nấy đều bỡ ngỡ, lạ lẫm không biết ở đâu, được đưa tới đây để làm gì.

hiep dinh paris su tro ve ky dieu

Ông Đức không bao giờ quên giây phút trở về bên dòng sông Thạch Hãn.

Ông đảo mắt nhìn quanh thấy bên kia sông cờ đỏ sao vàng tung bay, bỗng dưng nước mắt ông trào ra không kìm nén được. Bao nhiêu năm bị giam cầm trong nhà tù Phú Quốc, đến hôm nay ông lại được nghe gọi hai tiếng “đồng chí” rất to, rõ ràng từ phía bên kia sông. Tiếng loa bên kia bờ sông vọng lại nghe rõ từng lời “các đồng chí đã trở về với Đảng, trở về với nhân dân”.

Lúc đó, mọi người mới biết rằng, quân sự 4 bên là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đang tiến hành trao trả nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt. Ông Đức cùng đồng đội vui mừng khôn xiết, rũ bỏ trang phục “tù nhân” mang trên người.

Phía dưới bờ sông, ca nô đã chuẩn bị sẵn, hai người dìu ông Đức cùng một số chiến sĩ xuống ca nô để sang bờ bên kia. Đến giữa sông, nhiều người nóng lòng trở về vội nhảy xuống sông tự bơi vào bờ Bắc.

Ông Lê Minh Đức kể lại: “Nơi đó là một bãi lau sậy, thép gai, các thứ chúng tôi đều không nhận ra ở đâu, chỉ nghĩ rằng đang ở vùng Nam Bộ. Khi đó tôi mở mắt, thấy cờ đỏ sao vàng thì nước mắt trào ra không kìm nén được. Nghe bên kia các đồng chí của mình gọi rằng các đồng chí đã trở về với Đảng, với nhân dân thì tôi òa khóc, sau đó được anh em dìu gượng dậy. Mọi người cho tôi biết quân sự 4 bên đang tiến hành trao trả tù binh. Mẹ sinh ra mình chôn rau cắt rốn tại quê, bây giờ Đảng cũng sinh ra mình lần thứ 2 cũng tại quê nhà”.

Ông Đức và đồng đội xem nhà tù Phú Quốc như địa ngục trần gian. Nhưng chính nơi đây ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trui rèn cứng hơn cả thép. Ông Đức vinh dự được kết nạp Đảng trong nhà tù. Những ngày giáp Tết, khi ngoài kia mọi người quây quần trong bữa cơm tất niên thì nơi nhà lao, chiến sĩ cộng sản vẫn kiên cường trước những đòn roi, tra tấn dã man của địch. Đêm về, các bạn tù chia nhau nỗi nhớ nhà, vị Tết quê hương.

Mùa xuân năm 1973, ông Đức được trở về nhà, đoàn tụ bên gia đình. Trước đó, khi nghe tin trao trả tù binh, mẹ của ông mất cả tuần lễ đi hỏi tin tức đứa con của mình. Bà cầu mong đứa con trai độc nhất trở về bình an. Ngày hai mẹ con gặp lại nhau, bà sung sướng đến lịm người. Bà đưa tay sờ từ đầu đến chân đứa con trai. Tay bà dừng lại rất lâu ở những vết sẹo trên người đứa con do bị tra tấn trong ngục tối. Bữa cơm tất niên năm đó, gia đình ông rộn vang tiếng cười sau bao năm xa cách. Ông Đức tặng mẹ chiếc nhíp nhổ tóc bạc tự tay ông làm trong nhà lao.

Những vết sẹo của đòn roi trên cơ thể ông Đức vẫn luôn nhức nhối mỗi độ Xuân về. Những người bị giam cầm trong nhà tù Phú Quốc ngày xuân gặp nhau đều nhắc nhớ những ngày Tết trong tù.

hiep dinh paris su tro ve ky dieu

Ông Hiền kể lại rằng, để được đón Tết cổ truyền dân tộc ông và đồng đội phải đấu tranh quyết liệt.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, năm nay bước sang tuổi 82, hiện sống ở Khu phố 9, Phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nhớ như in chuyện người tù ăn Tết. Ông từng là Bí thư Chi bộ Đảng trong nhà tù Phú Quốc. Sau ngày ký hiệp định Paris, ông và đồng đội được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn. Ai nấy đều vui mừng khôn xiết, trở về trong vòng tay yêu thương.

Năm 1973, sau nhiều năm bị tù đày, ông Hiền trở về đón tết đầm ấm tại quê nhà. Ông Nguyễn Hữu Hiền nhớ lại, trong nhà lao, mỗi khi Tết đến, để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người tù phải đấu tranh mạnh mẽ, yêu cầu bọn cai ngục không được can thiệp vào việc vui đón Tết cổ truyền của ông và đồng đội.

“Bây giờ các anh đừng nói đàn áp chúng tôi, Tết đến là cổ truyền của dân tộc. Đáng lẽ giờ này, ngày này, đêm này các anh cùng gia đình, cha mẹ thắp hương cho gia đình tổ tiên. Chúng tôi cũng có quyền được như thế, vì chúng tôi sa cơ thất thế, nhưng cái tâm với ông bà tổ tiên, với dân tộc vẫn còn. Do đó chúng tôi tổ chức ở đây. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu bao nhiêu đời, dứt khoát sẽ trở lại là Việt Nam chứ không nước nào chiếm được”, ông Nguyễn Hữu Hiền nhớ lại.

44 năm đã trôi qua, bờ sông Thạch Hãn lịch sử như một chứng tích oai hùng. Những người lính một thời như ông Đức, ông Hiền và nhiều người khác không bao giờ quên cuộc trao trả tù binh sau hiệp định Paris, không thể quên dòng sông này họ được trở về đoàn tụ và chỉ 2 năm sau, cả nước hát vang ca khúc khải hoàn, thống nhất non sông.

Theo VOV

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast