Đề nghị khẩn cấp giải quyết vụ 11 thuyền viên Việt Nam bị nạn

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có công văn đề nghị 5 công ty đưa 11 lao động người Việt Nam bị nạn trong vụ chìm tàu đánh cá của Hàn Quốc tại vùng biển Nam Cực cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan giải quyết một số công việc khẩn cấp.

>>Dân nghèo Kỳ Anh hoang mang trước hung tin vụ chìm tàu In Sung 1

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các công ty kẩân cấp cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan (Chủ tàu, Công ty đại lý Hàn Quốc) để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị tử nạn, mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống. Đồng thời liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (Ban Quản lý lao động), Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand để báo cáo, tìm hiểu thêm thông tin và cung cấp những giấy tờ cần thiết để Đại sứ quán cấp giấy tờ đi lại cho người lao động (nếu đã bị mất) và đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ việc.

Đề nghị khẩn cấp giải quyết vụ 11 thuyền viên Việt Nam bị nạn ảnh 1

Tàu đánh cá No. 1 Insung trước khi bị chìm (Ảnh: Yonhap News)

Vào hồi 6 giờ 30 sáng ngày 13/12/2010, tàu đánh cá No. 1 Insung của Hàn Quốc cùng 42 thủy thủ, trong đó có 11 người Việt Nam đã bị đắm ở vùng biển Nam Cực cách Newzealand khoảng 2.250 km, làm 5 người chết và 17 người mất tích.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 11 lao động Việt Nam do các Công ty sau đưa đi: Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD (5 người); Công ty Cổ phần TRAENCO (1 người); Tổng Công ty XD Công trình giao thông 1 CIENCONo 1 (2 người); Tổng Công ty đường sông miền Nam SOWATCO (1 người); Công ty CP XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC (2 người).

Đối với trường hợp lao động bị nạn được cứu sống, Cục đề nghị các công ty phối hợp và yêu cầu chủ tàu đưa người lao động vào bờ để điều trị, phục hồi sức khỏe. Nếu người lao động có nguyện vọng về nước sau khi ra viện, yêu cầu Công ty mua vé máy bay và làm thủ tục đưa người lao động về nước an toàn; thanh lý hợp đồng với người lao động sau khi về nước theo quy định của pháp luật.

Đối với lao động bị tử nạn hoặc mất tích, công ty cần thông báo vụ việc và chia buồn với gia đình người lao động, đề nghị gia đình có giấy uỷ quyền cho Công ty hoặc chủ tàu để phối hợp với các bên liên quan thay mặt gia đình người lao động làm các thủ tục hậu sự cho người lao động và làm các thủ tục liên quan để các cơ quan có thẩm quyền ra tuyên bố mất tích đối với thuyền viên bị mất tích.

Đối với những nạn nhân xấu số thì cần tổ chức tang lễ, đưa tro cốt hoặc thi hài và tài sản của người quá cố về nước phù hợp với nguyện vọng của gia đình, pháp luật và phong tục tập quán của 2 nước. Phối hợp với đối tác, chủ tàu thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp…và các chế độ phúc lợi khác cho người lao động, đồng thời hoàn tất các thủ tục về các chế độ bảo hiểm (nếu có).

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu các công ty thường xuyên nắm sát tình hình, báo cáo kịp thời những diễn biến phát sinh với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Newzealand để được phối hợp giải quyết./.

P.V (tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast