Hoạt động tài chính và đầu tư hạ tầng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

(Baohatinh.vn) - Sau 30 năm tái lập tỉnh, hoạt động tài chính và đầu tư hạ tầng của Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Hoạt động tài chính và đầu tư hạ tầng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Thành phố Hà Tĩnh.

Hoạt động tài chính, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn phát triển KT-XH và phục vụ đời sống Nhân dân. Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 10.126 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu nội địa chiếm 69,81%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 20,66% và thu khác chiếm 9,53%, tăng 27,75%.

Tăng tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ cấu thu nội địa. Chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển khá. Huy động vốn tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm, trong đó, vốn trung và dài hạn tăng trưởng trên 30%/năm. Dư nợ tín dụng tăng bình quân 17,6%/năm. Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động đạt 159 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư từ khu vực tư nhân tăng khá, tỷ trọng vốn FDI năm 2020 chiếm 12,11%; thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực. Xã hội hóa đầu tư đạt kết quả nổi bật, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, giáo dục - đào tạo, kêu gọi được một số tập đoàn lớn như Vingroup, dự án thành phố giáo dục quốc tế... đầu tư, nghiên cứu đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.

Hoạt động tài chính và đầu tư hạ tầng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Toàn cảnh Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Thanh Hải

Mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương của các nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và thế giới. Tích cực vận động nguồn vốn ODA đầu tư kết cấu hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn NGO cho các lĩnh vực y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, du lịch... Đổi mới phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ở nước ngoài.

Giai đoạn 2010 - 2020, vận động, thu hút được trên 230 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị giải ngân đạt gần 17,3 triệu USD, chủ yếu trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp...

Hoạt động tài chính và đầu tư hạ tầng của Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh

Với cao trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi có nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thay đổi căn bản theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các công trình thủy lợi được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành mạng lưới hoàn thiện phục vụ sản xuất. Đến nay, có 351 hồ chứa nước, 90 đập dâng, 455 trạm bơm, 12 cống ngăn mặn giữ ngọt lớn và 6.333 km kênh mương các loại. Trong đó, có một số công trình thủy lợi kết hợp thủy điện quan trọng như: thủy điện Kẻ Gỗ công suất 3 MW; thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang công suất 25,5 MW (hiện đang trong quá trình thi công nhà máy)...

Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, củng cố hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống lưới điện nông thôn.

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn được nâng cấp nhằm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật đô thị có những bước phát triển vượt bậc, nhiều dự án hạ tầng kinh tế được đầu tư. Hệ thống đô thị trên toàn tỉnh được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Hiện nay, Hà Tĩnh có 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V; TX Hà Tĩnh từ một đô thị nhỏ, chậm phát triển, đến năm 2007 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đến năm 2019 được công nhận là đô thị loại II.

Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast