Hướng tiếp cận mới trong dạy và học Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, ngành GD&ĐT đã tổ chức hội thảo về Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới trong chương trình ngữ văn phổ thông. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với các thầy, cô giáo trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy Truyện Kiều.

Hơn 100 bài tham luận tại hội thảo, có nhiều ý kiến giá trị của các giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu như: GS-TS Trần Đình Sử, PGS-TS Trần Nho Thìn (Đại học KHXH&NV), TS Đặng Lưu (Đại học Vinh)… đã mang lại nhiều bài học trong công tác giảng dạy Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du. Cùng với những khám phá, nghiên cứu mới của các GS-TS, hội thảo cũng là cơ hội, diễn đàn để giáo viên (GV) dạy văn chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, những khám phá, góc nhìn mới trong cách tiếp cận và giảng dạy các trích đoạn của Truyện Kiều.

Cô Nguyễn Thị Duyên - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) cho biết: “Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với đội ngũ GV bởi qua đây, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều ý tưởng, nhiều hướng tiếp cận mới, gợi mở cho GV cách khai thác những trích đoạn. Bản thân tôi cũng đã có ý kiến đóng góp trong việc tiếp cận Truyện Kiều của Nguyễn Du - nhìn từ góc độ biểu tượng”.

Hướng tiếp cận mới trong dạy và học Truyện Kiều ảnh 1

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Trãi (Nghi Xuân) tập trích đoạn “Thúy Kiều gặp Kim Trọng”. Ảnh: Giang Nam

Hầu hết các GV đều có chung một mong muốn, đó là tích lũy những kiến thức, cách nhìn mới để làm phong phú thêm bài giảng, chạm được đến tận cùng cảm xúc của HS, để các em yêu thêm, hiểu thêm giá trị văn hóa, nghệ thuật của tác phẩm.

Thầy Nguyễn Thanh Truyền - Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Đức Thọ) chia sẻ: “Đã nhiều lần đọc, học và nay trực tiếp giảng dạy các trích đoạn của Truyện Kiều, tôi nhận thấy, xuyên suốt tác phẩm là tinh thần nhân văn xuyên thấm chưa bao giờ nhàm cũ bởi bản thân nó là những giá trị vượt thời gian. Ví như trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” được đưa vào chương trình phổ thông như là điển hình cho nghệ thuật tả nhân vật. Nhưng theo tôi, không nên xem đó là thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy - (chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nền nổi bật lên chân dung Thúy Kiều) để rồi cái nhìn của người đọc bị hút vào những quan hệ tương phản, đối chọi, mà đây là góc nhìn văn hóa mang tính nhân văn trong việc khắc họa hình tượng nhân vật với những đặc điểm tính cách để làm nổi lên sự dự cảm của số phận…”.

Cùng với hàng trăm GV đóng góp những cách nhìn, cách tiếp cận mới về các trích đoạn Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du, thầy giáo Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Sơn cho biết: “Trong suốt 40 năm giảng dạy, tôi đã rất nhiều lần giảng cho HS nghe về Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhưng chẳng lần nào giống lần nào. Điều đặc biệt là hiện nay chúng ta đang dạy - học Nguyễn Du và Truyện Kiều trong bối cảnh biển Đông dậy sóng. Vì vậy, từ cuộc đời đến tác phẩm của cụ Nguyễn đặt ra cho chúng ta vấn đề: Nguyễn Du đã tiếp thu tinh hoa văn hóa Trung Hoa như thế nào và Việt hóa ra làm sao… Theo tôi, chúng ta không nên lệ thuộc vào bài văn mẫu, sách hướng dẫn mà phải có những sáng tạo mới trong cách tiếp cận từ thời đại, từ học sinh để có được sự đổi mới trong cách dạy học Nguyễn Du và Truyện Kiều”.

Hướng tiếp cận mới trong dạy và học Truyện Kiều ảnh 2

Thi dạy Truyện Kiều trên quê hương Nguyễn Du

Những tham luận tại hội thảo được xem như là những viên gạch tiếp tục hành trình nghiên cứu về Nguyễn Du - Truyện Kiều. Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Hội thảo thực sự có hiệu ứng tốt cho các thầy, cô giáo trong quá trình giảng dạy. Theo tinh thần hội thảo, các trường THPT, THCS sẽ triển khai việc giảng dạy các trích đoạn Truyện Kiều và tác phẩm Nguyễn Du một cách chủ động, linh hoạt về thời gian, địa điểm để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong dạy và học”.

Ngoài cơ hội được gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhằm xác định cách dạy, học các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du trong trường phổ thông một cách có hiệu quả, hội thảo còn tạo động lực trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, góp phần đưa nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào thực tiễn.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast