Qua nửa thế kỷ, luật thay người vẫn chưa hoàn hảo

Một cột mốc đáng nhớ vừa trôi qua trên quê hương bóng đá: đúng 50 năm kể từ khi Keith Peacock trở thành cầu thủ đầu tiên được vào sân thay người trên sân cỏ Anh. Hơn nửa thế kỷ trước đây, bóng đá là... như thế nào, khi mà các đội chưa được thay người? Một câu hỏi khác: luật thay người trong bóng đá hiện tại đã hoàn hảo hay chưa?

Keith Peacock (ảnh nhỏ) trở thành cầu thủ Anh đầu tiên được vào sân thay người trong 1 tình huống khá trớ trêu
Keith Peacock (ảnh nhỏ) trở thành cầu thủ Anh đầu tiên được vào sân thay người trong 1 tình huống khá trớ trêu

LUẬT BAN ĐẦU KHÁ CHÔNG CHÊNH

Kể cả khi luật bóng đá đã cho phép các đội thay người, điều đó vẫn chỉ được phép xảy ra trong trường hợp cầu thủ trên sân bị chấn thương. Khi ấy, mỗi đội thường có 11 cầu thủ đá chính và... 1 cầu thủ dự bị. Thật ra, cầu thủ dự bị hiếm khi có dịp trổ tài. Vả lại, xét trên khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, anh ta cũng không thể cầu mong rằng mình sẽ được ra sân - vì điều đó hẳn nhiên đồng nghĩa với một tai ương cho đồng đội.

Chính Keith Peacock kể lại như thế. Ông là cầu thủ dự bị của Charlton trong trận gặp Bolton ở mùa bóng 1965/66. Thế rồi, thủ môn Mick Rose bị chấn thương và Peacock vào thay ở phút 11, dù Peacock là... tiền vệ! Charlton mà không thua 2-4 trong trận đó thì đấy mới là chuyện lạ. Trên đường trở về, Peacock mới biết mình là cầu thủ dự bị đầu tiên được vào sân thay người trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp ở Anh.

Chi tiết chắc chắn: cầu thủ Mick Rose nọ chấn thương... thật, bởi chẳng ai lại dùng tiền vệ thay thủ môn. Tuy nhiên, sau khi Peacock vào thay Rose thì giới cầm quân bắt đầu... ma lanh: tại sao không giả chấn thương để rời sân?

Trong vài năm đầu kể từ khi quê hương bóng đá cho phép thay người, cầu thủ chấn thương thường cũng là cầu thủ đá kém nhất. Khi đội đang bị dẫn điểm thì sẽ có một cầu thủ phòng ngự chấn thương, và người vào thay chắc chắn là một tiền đạo. Ngược lại, đội đang dẫn điểm thường đưa hậu vệ vào thay một tiền đạo “chấn thương không thể đá tiếp”. Rút cuộc thì giới làm luật cũng đành nhanh chóng bỏ đi cái điều khoản chấn thương mới được thay người.

TRƯỚC ĐÓ, CHẤN THƯƠNG... RÁNG CHỊU

Trước thời Peacock, cầu thủ chấn thương không thể đá tiếp thì cũng... ráng chịu. Roy Dwight (nổi tiếng nhờ là cậu của danh ca Elton John) từng phải rời sân sau khi lập công cho Nottingham Forest trong trận chung kết Cúp FA 1959. Ông bị gãy chân. Forest chỉ còn 10 người khi Dwight không thể đá tiếp.

Dave Whelan cũng vậy. Không thể, mà cũng không cần liệt kê hàng trăm trường hợp tương tự. Chẳng qua, người ta nhớ đến Whelan (Blackburn) bởi sau khi rời sân vì chấn thương trong trận gặp Wolverhampton thì ông nghỉ hẳn do không thể bình phục. Tiền bồi thường chấn thương 400 bảng cho Whelan chính là khởi đầu của một sự nghiệp kinh doanh thành công rực rỡ (Whelan hiện là ông chủ CLB Wigan).

Thậm chí người ta chẳng cần chấn thương trên sân để phải chịu cảnh thiếu người. Tại World Cup 1950, cầu thủ Rajko Mitic của Nam Tư bất cẩn va đầu vào cột khi đang tiến ra mặt sân. Thế là ông phải mất 20 phút để các bác sĩ băng bó, chữa trị trong khi đồng đội thi đấu. Khi Mitic vào sân, ông còn choáng váng đến nỗi không biết đội mình đã bị dẫn điểm.

VẪN CÒN ĐẤY CHÚT BĂN KHOĂN

Trong nền bóng đá Brazil nổi tiếng thế giới, “viên ngọc đen” Leonidas được nhìn nhận là ngôi sao đầu tiên. Cầu thủ có công nâng quả volley lên hàng nghệ thuật này tỏa sáng tại World Cup 1938. Nhưng ông không xuất hiện trong trận bán kết Italia - Brazil. Khi ấy tất nhiên là chưa được phép thay người. Sợ chấn thương, Brazil “cất” Leonidas, để dành cho trận chung kết. Rút cuộc, Brazil thua Italia 1-2 ở vòng bán kết!

Trường hợp Leonidas nói lên một sự tính toán (dù đấy là tính già hóa non). Mấu chốt ở chỗ: người ta phải luôn tính toán trong việc dùng người sao cho có lợi, và đấy cũng là con đường phát triển cho bóng đá - bất kể trong thời kỳ được hay chưa được thay người.

Bây giờ, luật thay người trong bóng đá chẳng còn gì lạ. Ai cũng biết, các HLV thay người vì toan tính chiến thuật hơn là thay cầu thủ chấn thương. Nhưng câu hỏi “dùng ngôi sao hay không”, như trường hợp Leonidas tại World Cup 1938, chẳng phải là đã tan biến hoàn toàn. Luật hiện thời không cho phép một cầu thủ đã bị thay lại trở vào sân lần nữa.

Tại World Cup 2014, Uruguay gặp rắc rối ấy khi cầu thủ Alvaro Pereira bị choáng sau một cú va chạm. Làm sao biết Pereira có thể vượt qua cơn choáng hay không? Hậu quả sẽ như thế nào nếu anh tiếp tục thi đấu và cơn choáng đe dọa tính mạng? Còn nếu thay người, Uruguay sẽ chịu thiệt thòi về chuyên môn trong trường hợp Pereira lập tức bình phục. Giới quan sát chỉ rõ: rút cuộc thì luật thay người vẫn chưa hoàn hảo sau nửa thế kỷ phát triển!

CHUYỆN THAY CẦU THỦ QUA CÁC CỘT MỐC

Người Anh nghĩ ra môn bóng đá, nhưng không sở hữu luật bóng đá. Chẳng những vậy, khi bóng đá thay đổi thì nước Anh, giống như trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, thường áp dụng cái mới khá chậm, do đặc tính bảo thủ. Trường hợp thay người đầu tiên trong lịch sử bóng đá do vậy không thuộc về bóng đá Anh.

Ở vòng loại World Cup 1954, FIFA đã cho phép thay người. Vậy nên, cầu thủ người Đức Horst Eckel (ảnh) mới là cầu thủ dự bị đầu tiên được vào sân thay người (ở trận gặp Saarland vào tháng 10/1953).

Tại Anh thì luật thay người xuất hiện lần đầu tiên ở mùa bóng 1965/66, với điều kiện chỉ được thay một cầu thủ, vì lý do chấn thương. Từ mùa bóng 1967/68 thì các đội Anh được thay một cầu thủ/trận, bất kể vì nguyên nhân gì. Từ mùa bóng 1986/87, mỗi đội được thay 2 cầu thủ/trận, bất kể nguyên nhân, nhưng ở Cúp FA và League Cup thì vẫn chỉ được thay 1 cầu thủ.

Qua nửa thế kỷ, luật thay người vẫn chưa hoàn hảo ảnh 3

Ở đấu trường World Cup, FIFA cho thay 1 cầu thủ/trận với điều kiện phải vì lý do chấn thương. Mãi đến World Cup 1970 thì các đội mới được thay người bất kể lý do.

Luật cho mỗi đội thay 2 cầu thủ/trận, bất kể nguyên nhân, gần như phổ biến trên khắp thế giới từ năm 1988. Từ năm 1994 thì số lượng là 2+1 (cho phép thay thêm thủ môn). Từ năm 1995 là 3 cầu thủ/trận, bất kể là có thủ môn trong đó hay không.

Nói chung, luật bóng đá giờ đã cho phép thay người. Quy định cụ thể ra sao thì đấy là điều lệ riêng của từng giải đấu chứ không phải luật bóng đá (trừ phi một đội ra sân với 12 cầu thủ thì đấy mới là chỗ sai luật). Chẳng qua, người ta đánh đồng khái niệm “luật FIFA” với điều lệ giải trong trường hợp đấy là giải đấu mà FIFA công nhận. Nếu là trận giao hữu có đăng ký với FIFA thì số cầu thủ được thay cũng phải tuân thủ điều lệ của FIFA. Ngược lại, bạn có quyền thay... cả đội hình trong một trận giao hữu quốc tế (và FIFA không ghi nhận kết quả ấy).

FIFA MUỐN CHO THAY 4 CẦU THỦ

Ý muốn này đã được nhấn mạnh từ nhiều năm trước, nhưng chưa được sự đồng thuận của Ủy ban luật bóng đá quốc tế (IFAB). Ý tưởng của FIFA là mỗi đội sẽ được thay tối đa 4 cầu thủ trong một trận đấu chính thức, với điều kiện cầu thủ dự bị thứ 4 chỉ được vào sân trong hiệp phụ. Nói cách khác, nếu trận đấu không có thêm hiệp phụ thì mỗi đội vẫn chỉ được thay tối đa 3 cầu thủ như hiện thời.

Mục đích của đề nghị này là làm giảm bớt tình trạng mệt nhoài sau 90 phút thi đấu. Nếu mỗi đội đều tung được một “tinh binh” vào sân thì có khả năng tình huống hấp dẫn sẽ xảy ra trong hiệp phụ, thay vì đôi bên đều cố thận trọng tối đa, chờ sút luân lưu hơn là mạo hiểm tấn công.

Cũng cần nhắc lại: bản thân FIFA không đủ quyền thay đổi luật bóng đá, vì FIFA chỉ có 4 đại diện trong IFAB. Luật bóng đá chỉ được thay đổi nếu có ít nhất 6/8 thành viên IFAB tán thành. Mỗi năm, IFAB họp một lần để xem xét những đề các đề nghị liên quan đến việc đổi luật. Trong phiên họp mới nhất (2015), đề nghị nêu trên của FIFA lại bị bác bỏ lần nữa, dù FIFA tuyên bố sẽ kiên trì đưa ra đề nghị này trong các phiên họp tiếp theo.

Dù sao đi nữa, IFAB tuyên bố sẽ tiếp tục “nghiên cứu” đề nghị của FIFA, cũng như một đề nghị khác: cho phép cầu thủ đã bị thay ra lại được vào sân lần nữa, trong lần thay người tiếp theo. Ít ra, việc này có thể sẽ được thử nghiệm ở các trận đấu phong trào.

Khi bác bỏ đề nghị cho thay 4 cầu thủ/trận, các thành viên IFAB lập luận: đã tăng từ 3 lên 4 thì sẽ lại có đề nghị tăng lên thành 5 hoặc 6..., mà không có con số nào đủ sức thuyết phục. Mặt khác, càng cho thay nhiều cầu thủ thì càng có lợi đối với các đội bóng lớn, lực lượng hùng mạnh. Nói chung, giới chuyên môn cứ phải thận trọng với những đề nghị đổi luật của FIFA!

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast