Tranh luận ''nóng'' giữa dân và lãnh đạo TP HCM về Thủ Thiêm

Trong cuộc đối thoại từ 13h30 đến tận 21h hôm qua, nhiều người dân 5 phường nằm trong khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng nên để Thanh tra Chính phủ rà soát lại toàn bộ dự án.

Các vấn đề nổi cộm được người dân xoáy vào nhiều nhất gồm: chủ trương quy hoạch, chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư… Mặc dù đại diện các sở ngành đã trả lời trực tiếp nhiều thắc mắc nhưng cư dân 5 phường (An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh) vẫn hoài nghi về pháp lý của dự án.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, ngụ phường An Lợi Đông phản ánh, dự án Thủ Thiêm bồi thường theo Quyết định 135 rồi 123 và Nghị định 22 trong khi tất cả đã hết hiệu lực từ lâu. "Luật đất đai 2003 cùng các nghị định của Chính phủ vì sao đã không được áp dụng vào dự án lớn và quan trọng như khu đô thị mới Thủ Thiêm?", bà Linh hỏi.

Cũng là dân phường An Lợi Đông, ông Phạm Thanh Liêm chất vấn lãnh đạo thành phố vì sao dự án có 160 ha đất tái định cư mà dân trong khu giải tỏa lại bị đẩy đi xa đến 10 km. Giá đất ở đó chỉ bằng 30% giá đất tại phường An Khánh và Bình Khánh. Theo ông Liêm, trước khi thu hồi đất phải cho dân biết vị trí tái định cư nằm ở đâu, giá như thế nào để dân có quyền chọn lựa mới hợp lý.

Quá bức xúc về tính pháp lý của các văn bản và bản đồ quy hoạch, dân bị thu hồi đất tại Thủ Thiêm mang theo cả bản đồ để chất vấn trực tiếp lãnh đạo thành phố. Ảnh: Vũ Lê.

Đại diện cho người dân phường Thủ Thiêm, bà Lê Thị Bạch Tuyết hoài nghi về hiệu lực của Quyết định 367. Bà thắc mắc tại sao đến nay quận 2 vẫn chưa công bố quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho dân trong khu bị giải tỏa. Theo bà Tuyết, 12.500 căn hộ tái định cư dù đã được chỉ đạo phải xây dựng nhưng trên thực tế chỉ san lấp rồi "trùm mền" không làm gì cả. Ví von hơn chục năm chờ đợi để được đối thoại với lãnh đạo thành phố trong 15 phút là cực kỳ quý báu, ông Phạm Thế Vinh (phường Bình Khánh) tranh thủ chất vấn việc thành phố cấp đất cho 42 công ty nằm trong bán đảo Thủ Thiêm. Tiếp theo đó là việc thành phố thu hồi và giao đất cho 10 dự án thuộc đất tái định cư. Ông cũng bày tỏ nỗi bất bình về giá bồi thường thực tế thấp hơn khung giá do hội đồng bồi thường thẩm định thành phố xác định.

"Cần có một cơ quan làm trọng tài là Thanh tra Chính phủ hoặc Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết thấu tình đạt lý nhằm đảm bảo mối quan hệ giữa dân với chính quyền tốt hơn và đưa khu đô thị Thủ Thiêm sớm thành hiện thực", ông Vinh phát biểu.

Sau khi ông Vinh kiến nghị, nhiều người dân Thủ Thiêm đã tán đồng đề xuất này. Mặc dù chỉ đăng ký 9 phát biểu chính thức, cư dân 5 phường bị giải tỏa trắng ở bán đảo Thủ Thiêm vẫn liên tục đặt thêm câu hỏi với ý nguyện "nói hết ruột gan" mới thôi.

Đại diện cho cư dân 5 phường bị giải tỏa đang đặt ra những câu hỏi khiến họ bức xúc trong hơn 12 năm qua. Ảnh: Vũ Lê.

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết giải thích, vào thời điểm phê duyệt dự án Thủ Thiêm, Thủ tướng không phê duyệt bản đồ kèm theo nên đất tái định cư không có diện tích cụ thể. Dù là dự án lớn nhất TP HCM nhưng lúc đó khu đô thị mới Thủ Thiêm không có ranh giới chính xác. Đây là nguyên nhân dẫn đến sau này khi tính toán lại diện tích bị thiếu, không đủ 160 ha nằm cùng một khu, buộc phải phân tán nhiều nơi khác nhau mới đủ.

Câu trả lời của đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc đã bị phản ứng dữ dội vì người dân không tin Thủ tướng lại phê duyệt một dự án không có ranh và đất tái định cư chưa có diện tích cụ thể, thậm chí phương án tái định cư cũng chưa có.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Văn Hiệp thông báo thành phố đang gấp rút lo 12.500 căn hộ tái định cư cho dân Thủ Thiêm. Cụ thể đang xây 1.184 căn tại phường An Phú, chất lượng tương đương chung cư hạng 2 theo phân hạng của Bộ Xây dựng. Công ty Rạch Chiếc cam kết đến 30/4/2011 sẽ bàn giao toàn bộ.

4.200 căn nữa sẽ khởi công vào tháng 9 tới và giao nhà chậm nhất vào 9/2012. Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc đã nhận xây 2.500 căn. Còn lại 4.000 căn tái định cư thành phố đang chọn nhà thầu. Tuy nhiên dân Thủ Thiêm cho rằng họ cần được tham gia vào việc giám sát thực hiện dự án mới an tâm về chất lượng và tiến độ bàn giao nhà.

Đại diện Sở Tài chính cũng công bố sơ bộ giá bán nền đất và căn hộ tái định cư cho người dân. Cụ thể, giá nền đất là 2,5-3,6 triệu đồng mỗi m2; căn hộ chung cư có giá 4,9-7,5 triệu đồng mỗi m2, càng lên cao giá càng đắt. Theo Sở Tài chính, đây là khung giá ưu đãi tương đương với mức bồi thường cho dân Thủ Thiêm.

Gần 21h, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Trung Tín phải yêu cầu dừng đối thoại để trả lời những câu hỏi quan trọng nhất của người dân. Ông Tín khẳng định những chủ trương chính sách của thành phố liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đều đúng đắn và có cơ sở. Có thể trong từng trường hợp cụ thể còn có sai sót, thành phố sẽ sửa sai và tiếp tục rà soát lại từng vấn đề mà người dân đã phản ánh. Nếu có chỗ nào chưa đúng sẽ điều chỉnh cho phù hợp, đúng luật.

Theo ông Tín, khó khăn lớn nhất là không có sẵn quỹ đất lớn để di dời và kinh phí để xây nhà tái định cư. Tuy nhiên, bất cứ dự án nào UBND TP HCM cũng tôn trọng quyền lợi của người dân, riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có những chính sách hỗ trợ cao hơn các dự án khác. Lãnh đạo thành phố mong muốn nhận được sự đồng thuận của người dân, để dự án sớm hoàn thành.

"Trong quá trình giải quyết, nếu không đồng ý dân có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Đối với ý kiến cần thêm trọng tài là Thanh tra trung ương, tôi sẽ báo cáo lại thành phố và chính phủ xem xét thêm", ông Tín nói.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc trên bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, đối diện với quận 1 qua sông Sài Gòn, được ví như một trung tâm mới của TP HCM trong tương lai với chức năng thương mại và tài chính, cao 10-40 tầng. Dự án được cắm mốc trên bản đồ từ năm 1996 theo Quyết định 367.

Khu đô thị này rộng 930 ha, trong đó 770 ha là khu đô thị mới và 160 ha là khu tái định cư. Hơn 10.000 hộ dân tương đương trên 50.000 người thuộc 5 phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh cùng nhiều công trình lớn nhỏ bị xóa xổ hoặc chịu ảnh hưởng của dự án này. Trong đó, An Khánh và Thủ Thiêm là 2 phường bị giải tỏa trắng.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast