“Chiến lược” phát triển chăn nuôi lợn

Một chiến lược mang tính bền vững là vấn đề cấp thiết trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh để đưa chăn nuôi lợn phát triển theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các giải pháp theo “đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng 2020” thì cần phải phát huy tốt sự liên kết “4 nhà”

Thiếu bền vững

Nuôi lợn là nghề truyền thống của người dân Hà Tĩnh từ xa xưa, chủ yếu tại các vùng nông thôn. Chăn nuôi lợn không chỉ giúp người dân cải thiện cuộc sống mà còn nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng. Mọi chi tiêu trong gia đình của người nông dân hầu như đều “dựa” vào nguồn thu từ con lợn mà có. Vì vậy, số lượng đàn lợn ở tỉnh ta ngày càng phát triển ổn định, vào những năm không xẩy ra dịch bệnh thường tăng từ 4,3 – 4,4 %. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng từ 33,6 ngàn tấn ( 2006) lên 42,8 ngàn tấn ( 2010), tăng bình quân 6,2%.

chăn nuôi lợn ở Cẩm Thành - Cẩm Xuyên
chăn nuôi lợn ở Cẩm Thành - Cẩm Xuyên

Ở tỉnh ta nuôi lợn với quy mô dưới 10 con chiếm đến 80% còn lại là nuôi gia trại và trang trại. Tỉ lệ trên chủ yếu là chăn nuôi truyền thống vì khá phù hợp với hộ gia đình nông thôn bởi chi phí đầu tư thấp; thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp…Tuy nhiên, phương thức này mang lại năng suất sản lượng chưa cao, đặc biệt dễ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ngoài chăn nuôi gia trại thì chăn nuôi trang trại ở tỉnh ta còn khá “khiêm tốn”. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 115 trang trại, hàng năm thịt lợn hơi xuất chuồng chiếm khoảng 12%. Đây là phương thức nuôi cho năng suất, sản lượng cao và có tính bền vững. Số lượng lợn giống sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu giống, số còn lại phải thu gom từ các tỉnh khác về nên rất dễ xẩy ra dịch bênh làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.

Dịch bệnh tai xanh, LMLM ở lợn vào các năm 2008, 2010 và đầu năm 2011 vẫn đang còn là nỗi “ ám ảnh” người dân chăn nuôi. Trong năm 2008, dịch tai xanh ở lợn xẩy ra tại 5 địa phương với 31.208 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại 40 tỷ đồng; năm 2010 và đầu năm 2011 dịch tai xanh tái phát và phải tiêu hủy hơn 1.500 con. Ngoài ra, năm 2011 dịch LMLM lần đầu tiên xuất hiện ở lợn tại các huyện ( Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà) có 234 con lợn mắc bệnh, tiêu hủy 220 con….Dịch bệnh xẩy ra bắt nguồn từ ý thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao, đặc biệt tỷ lệ tiêm phòng vacxin định kỳ theo quy định đạt kết quả thấp. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát vận chuyển gia súc lưu thông trên địa bàn tỉnh và phát hiện dịch bệnh còn hạn chế. Việc giết mổ lợn chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên chưa đảm bảo được vệ sinh thú y…Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Hiện tại toàn tỉnh chỉ có khoảng 6 % cơ sở xử lý chất thải bằng hầm biogas; 93 hộ chăn nuôi xử lý bằng chất thải ủ bằng ủ phần và 1% xả chất thải không được xử lý.

Qua đó, có thể thấy rằng chăn nuôi lợn ở tỉnh ta còn thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao do phát triển còn nhỏ lẻ, phân tán. Năng suất, sản lượng đạt thấp; dịch bệnh hoành hành không kiểm soát nổi gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Phát huy liên kết “4 nhà”

Việc xây dựng đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng 2020 là hết sức cần thiết nhằm chuyển dịch chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu từ nay đến năm 2015 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lợn tăng bình quân 13,8%/năm; giai đoạn 2015-2020 là 7,3% với tổng đàn 500 -850 nghìn con và sẽ cung cấp 71 - 85 ngàn tấn sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

Giải pháp trước mặt đặt ra là giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hợp lý số lượng gia trại và phát triển mạnh chăn nuôi trang trại. Bởi chăn nuôi trang trại không chỉ nâng cao năng suất chất lượng mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tập trung phát triển chăn nuôi lợn tại các vùng nông thôn nhằm đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và vùng tái định cư của các dự án trọng điểm nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

“Chiến lược” phát triển chăn nuôi lợn ảnh 2
Mô hình nuôi lợn ở Tây Sơn

Mục tiêu trên rất khó đạt được nếu thiếu sự liên kết giữa “4 nhà”. Một minh chứng cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn gần đây đã xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Công ty cổ phần Mitraco xây dựng 19 mô hình chăn nuôi liên kết, hàng năm sản xuất hơn 20.000 nghìn con lợn thịt chất lượng cao xuất chuồng, chiếm 3% so với cả tỉnh; mô hình chăn nuôi tổng hợp tại thôn Hoàng Nam và khu tái định cư các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương ( Kỳ Anh) và mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên với hàng nghìn con lợn được xuất chuồng hàng năm. Những mô hình trên đã giải quyết được 3 vấn đề cơ bản đối với người nông dân khi liên kết với công ty đó là “vốn, kỷ thuật, đầu ra”. Người nuôi sẽ được cung cấp giống chất lượng tốt, được tiếp cận với khoa học kỷ thuật về công nghệ và không phải lo về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, tỉnh cũng sẽ tiến hành quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011- 2015 và định hướng 2020. Trong đó, quy hoạch chăn nuôi lợn tập trung tại các vùng trà sơn, ven biển nơi có lợi thế về đất đai để dễ xử lý môi trường và chăn nuôi kết hợp với cải tạo chống sa mạc hóa. Ngoài việc thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ –UBND tỉnh ngày 09-8-2011 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 thì các doanh nghiệp cùng các sở ngành liên quan cần phải sát cánh, đồng hành cùng với người dân để Đề án đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast