Chủ động phòng trừ rầy lưng trắng gây hại trên lúa hè thu

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay, lúa hè thu trà gieo cấy trước ngày 30/6 tại các địa phương đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cán bộ BVTV các địa phương đã phát hiện rầy lưng trắng phát sinh và gây hại.

Cụ thể, tại huyện Cẩm Xuyên, mật độ rầy đạt từ 150 – 200 con/m2 (xã Cẩm Phúc và Cẩm Lạc), nơi cao 500 con/m2; tại huyện Đức Thọ, mật độ trung bình 200 – 300 con/m2 (xã Trung Lễ và Đức Thanh); tại huyện Lộc Hà, mật độ trung bình 5 – 20 con/m2 (xã Hậu Lộc).

Hiện nay, rầy chủ yếu đang tuổi 2, tuổi 3, đây là đối tượng truyền bệnh lùn sọc đen trên cây lúa, đặc biệt giai đoạn này cây lúa rất mẫn cảm với bệnh.

Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên cây lúa
Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên cây lúa

Để chủ động phòng trừ rầy phát sinh mạnh và gây hại trên lúa hè thu, Chi cục BVTV Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Trạm BVTV hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ kịp thời khi rầy đang ở tuổi nhỏ.

Kỹ sư Lê Anh Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh cho biết, giai đoạn này cây lúa đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Để bảo vệ lực lượng thiên địch trên đồng ruộng nhằm duy trì cân bằng hệ sinh thái, hạn chế các đối tượng sâu hại sẽ bùng phát gây hại, đề nghị các trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy bằng các loại thuốc hóa học có tác dụng nội hấp, lưu dẫn như: Chess 50WG, Alika 247SC, Applaud 10WP, Ba Đăng 300WG...

Cũng theo kỹ sư Ngọc, tại những địa bàn từng bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, cần kiểm tra mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng ngay từ giai đoạn này để phát hiện, phun trừ kịp thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast