Đồng thuận giảm thuế để hỗ trợ sản xuất

Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Các ý kiến thảo luận đã thể hiện đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ trong việc giảm, ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, chiều 21/5. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, chiều 21/5. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Đối với dự thảo Luật Thuế TNDN, các đại biểu tập trung thảo luận về thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn; thuế suất, về ưu đãi thuế, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội.

Đối với Luật Thuế GTGT, các ý kiến tập trung thảo luận vào các quy định cụ thể trong dự thảo về đối tượng không chịu thuế; thuế suất; ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế; về khấu trừ thuế; chính sách giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản.

Sớm luật hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng việc Chính phủ đề xuất các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

“Cái khó là vừa ưu đãi doanh nghiệp, vừa nuôi dưỡng được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh khó khăn. Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định được, vượt qua khó khăn, sẽ là tiền đề quan trọng để tăng thu ngân sách Nhà nước trong lâu dài. Thực tế, các quy định cụ thể trong 2 dự thảo đã thể hiện được tinh thần này”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Các đại biểu Mai Xuân Hùng (đoàn Hậu Giang), Trần Ngọc Thuận (đoàn Bình Phước), Đinh Trịnh Hải (đoàn Ninh Bình), Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định), Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) cùng chung nhận định cho rằng, việc luật hóa những chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng và đúng lúc.

Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng luật hiện hành quy định mọi doanh nghiệp chịu mức thuế suất chung 25%, nhưng lần này đã có sự tách biệt để ưu đãi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không tạo gánh nặng cho ngân sách

Cho rằng thuế GTGT không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà hướng trực tiếp đến người mua hàng, đại biểu Phạm Văn Hùng đề xuất có thể quy định từ nay đến hết năm 2014 nên để mức thuế GTGT cố định là 5% để kích cầu, qua đó hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Không đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Quang Chiểu đề nghị cân nhắc đề xuất đưa thuế GTGT xuống 5%, vì thực tế hiện nay mức thuế 10% của Việt Nam là tương đối thấp so với nhiều nước khác trong khu vực.

Cũng tiếp cận 2 dự thảo theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Cường kiến nghị nghiên cứu tăng thời gian ưu đãi thuế GTGT đến hết 31/12/2014 cho các hợp đồng thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội. Dự thảo hiện đang quy định thời hạn áp dụng đến 31/6/2014.

Đại biểu Phạm Văn Cường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Đại biểu Phạm Văn Cường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

“Vì thực sự cả người dân, doanh nghiệp đều đang rất khó khăn, trong khi đó tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được xác định là một trong những điểm mấu chốt để giảm nợ xấu, giải quyết khó khăn cho nền kinh tế”, đại biểu Phạm Văn Cường nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng quy định chính sách miễn thuế hoàn toàn cho các doanh nghiệp hoạt động tại các vùng khó khăn là hợp lý song không dễ quản lý, vì tình trạng doanh nghiệp đăng ký một nơi nhưng hoạt động ở nơi khác, hoặc có nhiều hoạt động khác nhau ở nhiều địa bàn khác nhau.

Ý kiến tổng hợp tại các đoàn đại biểu cũng cho thấy, việc Chính phủ quy định lộ trình giảm thuế TNDN như dự thảo là phù hợp, tuy nhiên cần cân nhắc, thiết kế để không có quá nhiều mức thuế, thời điểm áp dụng có thể gây khó khăn cho tổ chức thực hiện sau này.

Về một số quy định khác của Dự thảo luật thuế TNDN, đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng việc khống chế chi phí tối đa dành cho quảng cáo 15% là chưa thực sự phù hợp. Thực tế, với mức khống chế này, doanh nghiệp nước ngoài cho rằng thấp, trong khi đó doanh nghiệp trong nước lại cho là cao, không thực tế. Trên cơ sở đó, đại biểu này đề nghị Luật chỉ nên định nghĩa những khoản nào gọi là chi phí quảng cáo.

Phát biểu tại tổ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (đoàn Nam Định) cho rằng, việc bỏ quy định trần chi phí cho quảng cáo như đại biểu Trần Quang Chiểu đề xuất, thực chất sẽ là kẽ hở lớn để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng.

Phó Thủ tướng cũng lý giải việc ưu tiên thuế ở mức cao cho các nhà đầu tư lớn, dự án đầu tư hiệu quả, thu hút nhiều lao động là nằm trong chủ trương ưu tiên phát triển các lĩnh vực khoa học-công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực đó.

Về thuế suất và lộ trình giảm thuế TNDN, Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến phát biểu của đại biểu và khẳng định, Chính phủ rất muốn giảm ngay lập tức để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định lộ trình tương đối ngắn là sự chia sẻ rất lớn đối với doanh nghiệp, vừa phù hợp với khả năng hồi phục của doanh nghiệp, vừa phù hợp với điều kiện ngân sách. Phó Thủ tướng cũng cho biết, nếu giảm ngay thuế TNDN xuống 20% trong năm 2014, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 50 ngàn tỷ đồng.

Luật thuế TNDN và thuế GTGT sẽ còn được Quốc hội thảo luận tại hội trường trước khi biểu quyết thông qua.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast