Cảnh báo từ những vụ cướp tuổi teen

Thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Tĩnh và các huyện lân cận như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp giật tài sản, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Phần lớn các đối tượng gây án còn rất trẻ, một số đối tượng đang ngồi trên ghế nhà trường, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn Hà Tĩnh.

Những tên cướp học trò…

Chúng tôi gặp Nguyễn Quang Hoàng (SN1995) ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), học sinh lớp 12K trường PTTH Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) tại Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Tĩnh. Nhìn Hoàng cao ráo, thư sinh ít ai nghĩ rằng là thủ phạm gây ra những vụ cướp trên các địa bàn huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh.

Cán bộ Công an TP Hà tĩnh lấy lời khai từ đối tượng
Cán bộ Công an TP Hà tĩnh lấy lời khai từ đối tượng

Vì sao Hoàng đi cướp? câu hỏi của chúng tôi làm Hoàng cúi gằm mặt xuống bàn. “Vì em không có tiền trả nợ”.

Có lẽ, không riêng gì chúng tôi mà những ai tận mắt chứng kiến lời thú tội của tên cướp học trò mới hiểu hơn những diễn biến tâm lý mà lứa tuổi này đang trải qua. Hoàng nợ Nguyễn Như Mỹ (SN 1991), người cùng xã Cẩm Hưng 500 ngàn đồng. Và không có tiền trả nợ, Hoàng theo Mỹ đi cướp tài sản.

Mỹ là đối tượng có tiền án và nghiện ma túy. Một lần, rồi hai lần, Hoàng đã trở thành đồng phạm cướp lúc nào không hay. Những ngày ở nhà tạm giữ, Hoàng mới hiểu hết hơn câu nói “chọn bạn mà chơi”. Những tương lai tươi sáng của tuổi học trò đã được thay bằng những quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra đối với Nguyễn Quang Hoàng.

Cũng như Hoàng, Nguyễn Thị Kiều Hoa (SN 1996) ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh), nguyên là học sinh lớp 11 trường PTTH Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh (đã nghỉ học từ học kỳ 1). Từ chọn bạn, đến chơi với bạn và cuối cùng là sa lưới pháp luật cùng bạn.

Mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Hoa đã có người yêu và đang mang thai sang tháng thứ 4. Vì tương lai, gia đình quyết định cho Hoa “giải quyết hậu quả”. Thay vì việc làm đó, Hoa đã bỏ học và đi với người yêu thâu đêm suốt sáng với người yêu là Trịnh Đức Thắng (SN 1995) ở Thạch Lâm (Thạch Hà) cùng đám bạn gồm: Nguyễn Văn Duẫn (SN 1995) ở Thạch Lâm (Thạch Hà); Phạm Xuân Mạnh (SN 1995) ở Thạch Điền (Thạch Hà). Để có tiền tiêu xài, cả nhóm rủ nhau đi cướp. Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì gia đình, bạn bè, thầy cô mới biết những ngày qua cô học trò nhỏ Kiều Hoa đã làm gì và ở đâu.

Những kiểu cướp … tuổi teen

Theo kết quả điều tra của Công an thành phố Hà Tĩnh thì thủ đoạn của các đối tượng gây ra hàng chục vụ cướp trên địa bàn khá liều lĩnh nhưng cũng rất teen.

Thông thường các đối tượng nhằm vào “con mồi” là phụ nữ, các em học sinh tan trường nghe điện thoại hoặc túi xách. Có trường hợp, giả vờ đi trong đám đông, hỏi “mấy giờ”, nếu người đi đường lấy điện thoại ra xem giờ để trả lời, thì ngay lập tức đối tượng cướp giật tài sản.

Với thủ đoạn như vậy, ổ nhóm Trịnh Đức Thắng ở Thạch Hà đã gây ra 5 vụ cướp trên địa bàn Tp Hà Tĩnh, Thạch Hà.

Còn Nguyễn Như Mỹ ở huyện Cẩm Xuyên lại manh động và liều lĩnh hơn. Đối tượng dùng bơm kim tiêm dọa lây nhiễm HIV de dọa người đi đường để cướp tài sản. Thế nhưng, khi gặp anh Nguyễn Văn Cường và anh Nguyễn Văn Việt ở Thị Trấn Cày (Thạch Hà) thì các đối tượng đã bị tóm góm, bắt quả tang.

Phần lớn tài sản các đối tượng cướp tài sản là điện thoại di động, nhưng do tiếc số tiền trong sim sau khi cướp được, nên những tên cướp tuổi teen vẫn thản nhiên dùng lại những số điện thoại của bị hại để liên lạc…

Giải pháp phòng ngừa tội phạm trong thanh niên

Theo thượng tá Nguyễn Tiến Nam – Trưởng Công an TP Hà Tĩnh thì nguyên nhân cơ bản của tình trạng thanh niên cướp giật tài sản gia tăng là do công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, game online đã tác động rất lớn đến sự phát triển và hình thành nhân cách của lứa tuổi này.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chậm đổi mới nội dung, biện pháp nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng tham gia; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế; công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng còn yếu, số đối tượng nghiện ma túy, đặc xá, tù tha về, thanh thiếu niên bỏ nhà đi lang thang chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ; số đối tượng truy nã hình sự, đối tượng ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều… tiềm ẩn những bất ổn về trật tự xã hội.

Nhằm tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm cần sự vào cuộc cuả cả hệ thống chính trị, phải gắn công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với các chỉ tiêu phát triển của địa phương.

Thực hiện có hiệu các phong trào như toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự.

Mở các cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả các băng, ổ, nhóm tội phạm, các đối tượng hình sự, ma túy, tội phạm cướp giật, trộm cắp chuyên nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nhất là các mặt công tác quản lý nhân dân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong giáo dục quản lý con em.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast