5 hướng hoàn thiện để xe tăng đáp ứng đòi hỏi của chiến tranh hiện đại

Phương Tây đang chú trọng phát triển xe tăng đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của chiến tranh hiện đại.

1. Hệ thống bảo vệ tích cực

Sau một thập kỷ bị bỏ bê, xe tăng phương Tây bắt đầu được chú ý phát triển trở lại; nhiều tính năng, cả mới và được hồi sinh từ các chương trình xe tăng thời Chiến tranh Lạnh, đang được xem xét để tích hợp cho thế hệ xe tăng tiếp theo.

Nhờ những tiến bộ trong công nghệ cảm biến và điện toán, Hệ thống Bảo vệ Chủ động (Active Protection Systems - APS) ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh, còn nhiều hạn chế như khả năng phản ứng tương đối chậm đối với tên lửa chống tăng dùng thuốc nổ mạnh (HEAT) và vũ khí chống tăng bộ binh, đã có nhiều khả năng hơn.

5 hướng hoàn thiện để xe tăng đáp ứng đòi hỏi của chiến tranh hiện đại

Phương Tây đang chú trọng phát triển xe tăng đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của chiến tranh hiện đại; Nguồn: NI

APS Afghanit của Nga được cho là có khả năng đánh chặn cả đạn xe tăng. APS có thể thay đổi về cơ bản một số khía cạnh của thiết kế xe tăng, vì chúng nhẹ so với các hệ thống giáp phản ứng nổ. Kim tự tháp thiết kế cũ về tính cơ động, hỏa lực và vỏ giáp có thể không còn được áp dụng khi APS có thể đảm nhận phần nào chức năng vỏ giáp bằng cách đánh chặn các tên lửa đang bay tới, trong khi có khối lượng tương đối nhẹ.

Hầu hết tất cả các APS đều dựa vào radar để phát hiện các tên lửa đang bay tới. Các APS mới nhất sử dụng các radar hiện đại, bao gồm cả các radar mảng quét điện tử tích cực (Active Electronically Scanned Array - AESA). Nhờ tính linh hoạt, các radar AESA này còn có thể được sử dụng để phát hiện và theo dõi các xe tăng khác.

2. Nhiều camera hơn

Một trong những nhược điểm lớn nhất của vỏ giáp là làm cho việc nhận thức tình huống bị hạn chế. Trong khi trước đây các nhà thiết kế xe tăng sử dụng các khe nhìn, tháp pháo và kính tiềm vọng các loại để giúp kíp xe quan sát chiến trường tốt hơn, các thiết bị quan sát này được thiết kế để hoạt động với vỏ giáp nặng. Sự phát triển gần đây và việc thu nhỏ camera giám sát có độ phân giải cao đã khắc phục được những hạn chế cũ này.

Mặc dù thiết bị chỉ huy kỹ thuật số với phạm vi quan sát 360 độ đang là trang bị phổ biến trên hầu hết các xe tăng, xu hướng sử dụng các camera phân tán cung cấp tầm nhìn đầy đủ mà không có điểm mù đang trở nên phổ biến hơn, được sử dụng cả trên tiêm kích cơ mới nhất F-35 của Mỹ.

Một phiên bản nâng cấp Merkava của Israel được cho là kết hợp một hệ thống như vậy với công nghệ tiên tiến, cho phép kíp lái bên trong xe tăng có thể nhận thức tình huống tốt hơn nhiều so với cách đây 10 năm. Chương trình nâng cấp Challenger 2 để chiến đấu trên địa hình đô thị cũng kết hợp các camera định vị tương tự.

3. Sử dụng đạn thông minh

Việc thu nhỏ và sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử và cảm biến cũng đã được áp dụng trong chế tạo đạn dược. Đạn được lập trình kỹ thuật số đang trở thành tiêu chuẩn mới, với bản nâng cấp M1A2C đặt các điểm tiếp xúc trên mặt sau của đầu đạn để liên kết với đạn xuyên giáp “thông minh” M829A4. Các hệ thống của Nga tập trung vào phần đầu của quả đạn, với hệ thống nổ trên không Ainet lập trình kỹ thuật số điều khiển từ xa đối với đạn nổ mảnh (High Explosive - Fragmentation HE-FRAG).

Những cải tiến khác trong lĩnh vực này bao gồm đạn Hiệu quả đánh trúng mục tiêu cao và tiêu diệt (Advanced Hit Efficiency And Destruction - AHEAD) của Đức, có thể phân thành hàng trăm mảnh đạn nhỏ với độ trễ nổ được lập trình. Mặc dù hiện tại chỉ được sử dụng cho phòng không, loại đạn này có thể được sử dụng để chống lại hệ thống camera phân tán và hệ thống radar được sử dụng cho APS trên xe tăng trong tương lai.

4. Cơ cấu nạp đạn tự động

Trong khi phương Đông chủ yếu sử dụng cơ cấu nạp đạn tự động (mọi xe tăng chiến đấu của Nga hoặc Liên Xô được trang bị từ những năm 1970), phương Tây chủ yếu sử dụng phương pháp nạp đạn thủ công - bằng sức người.

Trong khi con người có thể đạt đến mức hiệu quả và tốc độ tuyệt vời với pháo cỡ nòng 120mm hiện tại, thì những bộ nạp đạn tự động với cỡ nòng lớn hơn như pháo xe 140 hoặc 152mm thay thế con người đang được đề xuất. Lý do phản đối của phương Tây đối với các cơ cấu nạp đạn tự động chủ yếu do ưu thế mà thành viên thứ tư của kíp xe có thể mang lại là nhận thức tình huống và bảo dưỡng.

5. Tích hợp UAV

Sự ra đời của máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicles - UAV) có thể cho phép phương Tây giữ lại thành viên thứ tư của kíp xe. Các UAV, giống như các camera được phân tán, có thể tăng cường nhận thức tình huống cho xe tăng một cách đáng kể bằng cách cung cấp cho chúng “tai, mắt” trên bầu trời có thể theo dõi hoạt động của kẻ thù xung quanh xe tăng hoặc trinh sát phía trước để phát hiện xe tăng của đối phương.

Giữ lại thành viên thứ tư giúp quản lý những chiếc UAV để quan sát môi trường xung quanh xe tăng có thể là một lợi thế đáng kể trên chiến trường.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast