Kỳ Hà khơi dậy tiềm năng

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã Kỳ Hà đã định hướng cho nhân dân chú trọng phát triển nghề truyền thống sản xuất muối và đánh bắt hải sản. Sự định hướng đúng đắn này đã giúp Kỳ Hà bước sang trang mới đầy hy vọng.

Sản xuất muối - nghề truyền thống của người dân Kỳ Hà

Sản xuất muối - nghề truyền thống của người dân Kỳ Hà

Xã Kỳ Hà (Kỳ Anh) có 1.022 hộ gia đình với 5.200 nhân khẩu, sinh sống bằng 3 nghề chủ yếu là nông nghiệp, làm muối và đánh bắt hải sản.

Thổ nhưỡng Kỳ Hà không phù hợp để phát triển nông nghiệp, bởi đây là xã ven biển, ít đất nông nghiệp lại bị nhiễm mặn cộng thêm gió Lào cát trắng nên đất đai cằn cỗi bạc màu. Kỳ Hà có gần 50 ha diện tích đất trồng lúa nhưng chưa năm nào người dân nơi đây tự túc được lương thực. Vào những năm cuối của thế kỷ XX - khi tuyến đê ngăn biển ở Kỳ Hà bị vỡ, nước mặn xâm lấn khiến gần 1/4 dân số phải di cư vào miền Nam theo định hướng của chính quyền xã.

“Đó là thời kỳ khó khăn nhất của Đảng bộ và nhân dân Kỳ Hà bởi 3 yếu tố thiên - địa - nhân đều không thuận lợi” - ông Mai Xuân Toan - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà tâm sự.

Chính quyền xã Kỳ Hà đã tạo mọi điều kiện cho bà con nông dân vay vốn phát triển nghề muối. Hàng chục ô, nại được tu sửa, máng chạt được nâng cấp, người dân được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Tuy vậy, hạt muối Kỳ Hà cũng lắm truân chuyên, thời điểm năm 2002, mỗi tạ muối chỉ có giá 15 - 20 nghìn đồng. Năm nay, muối được giá, khoảng 160.000đồng/tạ. Sản lượng muối toàn xã đạt 10.000 tấn, doanh thu hơn 13 tỷ đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt mà hạt muối mang lại, người dân bắt đầu tự nguyện xin thêm diện tích làm muối. Đến nay, toàn xã có hơn 2.000 dân theo nghề này với diện tích 67ha. Sau mỗi vụ muối, Kỳ Hà lại có một diện mạo mới. Đời sống của người dân tăng lên đáng kể.

Chế biến nước mắm - tiềm năng của Kỳ Hà nhưng chưa được chú trọng

Chế biến nước mắm - tiềm năng của Kỳ Hà nhưng chưa được chú trọng

Bên cạnh phát triển nghề làm muối, Kỳ Hà còn chú trọng nghề khai thác hải sản. Biển Kỳ Hà lắm tôm nhiều cá, ngư trường rộng, người dân lại được xã tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư nhiều tàu thuyền hiện đại có công suất lớn nên việc đánh bắt có hiệu quả cao.

Hiện Kỳ Hà có hơn 1/3 số dân sống bằng nghề đi biển với 150 tàu thuyền lớn nhỏ. Nghề này đã đem lại việc làm thường xuyên cho 600 lao động với thu nhập ổn định từ 2- 4 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của nghề đánh bắt thuỷ hải sản là tiềm năng của nghề sản xuất, chế biến nước mắm, tuy nhiên, nghề này hiện còn đang rất manh mún, thiếu một chiến lược phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast