Khó tìm được sự thỏa hiệp ở Bangkok

Bà Yingluck quyết không từ chức, trong khi đó phe chống Chính phủ vẫn tiếp tục gây sức ép lên mọi lĩnh vực của thủ đô Bangkok.

Ngày 15/1, chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của phe đối lập đã bước sang ngày thứ 3 nhằm gây sức ép buộc chính quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức. Tuy nhiên, đề nghị này của phe đối lập đã bị Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Thái Lan bác bỏ. Điều này khiến triển vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Thái Lan đang ngày càng thu hẹp.

Phát biểu trước báo chí ngày 14/1 khi phong trào “Đóng cửa Bangkok" bước sang ngày thứ 2, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã khẳng định sẽ không từ chức.

Những người biểu tình nấp sau bức chắn sau khi nghe thấy tiếng súng nổ ở Bangkok vào sáng sớm 15/1 (giờ địa phương) (Ảnh: AP)
Những người biểu tình nấp sau bức chắn sau khi nghe thấy tiếng súng nổ ở Bangkok vào sáng sớm 15/1 (giờ địa phương) (Ảnh: AP)

Đồng thời bà Yingluck cũng đề nghị gặp các thủ lĩnh nhóm biểu tình vào hôm nay để bàn về khả năng hoãn cuộc tổng tuyển cử, dự định diễn ra ngày 2/2 tới. Bà Yingluck đã “đề nghị tất cả các bên hợp tác và tham gia vào cải cách. Điều này là cần thiết để loại bỏ sự bất ổn chính trị. Những gì mà những người biểu tình đang tiến hành càng khiến cho đất nước Thái Lan lâm vào bế tắc”.

Tuy nhiên, phe chống Chính phủ từ chối đề nghị này. Ông Akanut Prompan- người phát ngôn Uỷ ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) của phe biểu tình chống Chính phủ nhấn mạnh: "Ngay cả khi chính phủ muốn trì hoãn cuộc bầu cử, điều đó cũng không khiến chúng tôi quan tâm. Chúng tôi cho rằng, việc trì hoãn cuộc bầu cử hay không là tùy thuộc vào chính phủ và Ủy ban bầu cử. Họ phải đưa ra quyết định sau khi thảo luận".

Thủ lĩnh nhóm biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cũng khẳng định, ông không quan tâm đến bất kỳ cuộc bầu cử nào, mục đích cuối cùng của cuộc phong tỏa này là thay thế chính phủ hiện nay bằng một hội đồng nhân dân với mục đích thay đổi toàn bộ cơ cấu bầu cử. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban còn đe dọa sẽ bao vây, cắt nguồn điện nước vào nhà riêng của bà Yingluck, thậm chí sẽ bắt giam Thủ tướng tạm quyền cùng các Bộ trưởng chủ chốt trong Nội các nếu bà Yingluck không từ chức.

Ông Sụthep còn tuyên bố sẽ đẩy mạnh chiến dịch đóng cửa Bangkok trong hai, ba ngày tới. Ông Suthep Thaugsuban khẳng định: “Bà Yingluck phải từ chức. Các bộ trưởng phải từ chức. Không ai được giữ bất kỳ vị trí nào trong chính phủ tạm quyền. Chúng tôi muốn một khoảng trống chính trị”.

Trong khi đó, ngày 14/1, người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã phong tỏa nhiều văn phòng cơ quan bộ ngành tại thủ đô Bangkok với mục đích làm tê liệt chính phủ. Nhiều ngã ba, ngã tư tại Bangkok vẫn bị chặn gây ra sự gián đoạn tại trung tâm bán lẻ và khách sạn ở Bangkok.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi đêm 14/1, tại Thủ đô Bangkok đã xảy ra một số vụ gây rối có tính bạo lực nhằm vào lực lượng biểu tình chống Chính phủ. Một căn nhà của Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Abhisit đã bị các đối tượng gây rối ném lựu đạn làm hư hỏng một phần, nhưng không gây thương vong, vì không có người ở nhà. Trong khi đó, bên ngoài một địa điểm biểu tình ở trung tâm Bangkok xảy ra vụ bắn súng và ném lựu đạn tự chế làm 2 người bị thương nhẹ. Các đối tượng gây rối đốt một xe chở khách của người biểu tình, nhưng đã được cảnh sát tới dập tắt kịp thời.

Cũng cùng ngày 14/1, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan - ông Somchai Srisuthiyakorn cũng từ chối lời mời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Charupong Ruangsuwan tham dự cuộc họp ngày 15/1, bàn về đề xuất trì hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 2/2 tới, với sự tham dự của 70 đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành khác nhau để thảo luận về việc có nên trì hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới hay không.

Trước những căng thẳng hiện nay, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul vẫn khẳng định, Chính phủ có thể kiểm soát được tình hình và hàng loạt giải pháp sẽ được thực hiện để bảo đảm an toàn cho du khách và hoạt động bình thường của các chuyến bay. Ông Surapong cũng cho biết, các quan chức Chính phủ vẫn tiếp tục làm việc bất chấp việc người biểu tình phong tỏa thủ đô, bao vây các tòa nhà Chính phủ vì họ đã được di chuyển nơi làm việc.

Như vậy, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là chương mới nhất trong câu chuyện bất ổn chính trị thường xuyên ở Thái Lan kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006. Tình trạng bế tắc hiện nay khiến dư luận lo ngại về khả năng đảo chính quân sự trong một đất nước đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính kể từ năm 1932 cho dù quân đội vẫn tuyên bố đứng trung lập./.

Anh Tuấn - Tống Sơn

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast