Liên đoàn không phải là cái chợ!

Nếu sa thải HLV Miura thì bầu Đức sẽ mang đến cho đội tuyển một nhà tài trợ khủng. Thế nếu có một nhà tài trợ khủng hơn nữa, ai đó có quyền sa thải cả HLV Miura lẫn bầu Đức không?

Quan điểm của tôi:

Bầu Đức (trái) mới đây đã đòi VFF phải sa thải HLV Miura (phải) thì ông sẽ kéo nhiều nhà tài trợ khủng về cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuân Phạm

Bầu Đức (trái) mới đây đã đòi VFF phải sa thải HLV Miura (phải) thì ông sẽ kéo nhiều nhà tài trợ khủng về cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuân Phạm

Theo cái lý của bầu Đức thì câu trả lời là có. Vì cứ ai nhiều tiền hơn là người đó có quyền ra điều kiện, nếu không muốn nói là mua cái ghế.

Nhưng nếu không có nhà tài trợ khủng hơn bầu Đức hứa mang về thì có thể sa thải được ai?

Câu trả lời là nếu chỉ cần vài triệu đồng thôi cũng có thể giành được cái ghế của bầu Đức. Tất nhiên là không phải với cương vị của người đứng đầu CLB HAGL mà là ở vị trí của một Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF.

Gần hai năm kể từ ngày bầu Đức nắm chức vụ đó ông gần như không mang về những khoản tài trợ cho BĐVN và đội tuyển nói riêng. Không phải vì ông bất tài mà ông không muốn làm, như ông từng chia sẻ là những bất đồng trong quan điểm về xây dựng đội tuyển mà cụ thể là không lấy người của HAGL làm nền tảng để xây dựng đội U23 Việt Nam là sự thất hứa của những người còn lại nằm trong cùng bộ máy lãnh đạo của VFF.

Ở VPF, chỉ một ông Phó Tổng giám đốc bị nghi là không mang về cho công ty ấy một đồng tài trợ nào đã bị một CLB tố cáo và đòi truy cứu năng lực, trách nhiệm. Thế thì ở một vị trí trọng yếu của một tổ chức lớn hơn như VFF càng cần phải truy cứu rốt ráo hơn.

Tại sao một quan chức Liên đoàn làm việc không hiệu quả mà không từ chức, còn Ban Chấp hành không xem xét trách nhiệm của ông ta? Hình như, ở VFF là cứ phải có điều kiện mới làm.

11 năm trước, ở một trong những Đại hội ồn ào nhất của lịch sử VFF, ứng viên Phó Chủ tịch phụ trách tài chính khi ấy là ông Lê Hùng Dũng có một tuyên bố cũng mang tính ra giá: Nếu trúng cử, ông sẽ mang về một khoản thưởng kỷ lục 6 tỉ đồng cho U23 Việt Nam nếu họ giành HCV SEA Games 2005.

Kết quả là ông Dũng trúng cử, có khoản treo thưởng nhưng U23 Việt Nam tạo nên một xì căng đan lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, là có hơn nửa đội hình chính tham gia bán độ và nhiều người trong số đó bị đi tù.

Vậy là, những cuộc mặc cả chẳng bao giờ dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Còn bóng đá Việt Nam với Liên đoàn bóng đá Việt Nam sau hơn chục năm có cuộc cải tổ mang tính lịch sử đã không có thay đổi gì về bản chất.

Thất bại ở AFF Cup 2004 và SEA Games 2005 đã dẫn tới việc VFF có một bộ máy được phân cấp làm hai tầng: Tầng một là điều hành, và tầng hai là quản lý.

Nhưng nếu nhìn những gì diễn ra ở Liên đoàn hiện nay thì rõ ràng đã không có sự thay đổi nào đáng kể, mà hoá ra, quy trình hình thành nhân sự, cách làm và mục đích đều không có gì khác.

Liệu có phải đó cũng là cơ sở khiến cho hồi giữa năm từng có chuyện Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn bị tố cáo nhận hối lộ (được cơ quan công an xác định là không có căn cứ) thì Chủ tịch Hùng Dũng đã nói rằng đứng đằng sau vụ này có một “ông to to giật dây”?

Lâu nay có người vẫn nói là phải chịu trách nhiệm cho sự trì trệ của nền bóng đá là Liên đoàn. Đôi khi cũng không hẳn là đúng vì nó còn là vấn đề chính sách, sự đầu tư, nhận thức chung của cả xã hội. Bóng đá phải cao hơn mặt bằng xã hội là một đòi hỏi quá lớn.

Nhưng muốn cho xã hội cùng chung tay làm bóng đá thì khó mà bằng tư tưởng vào Liên đoàn để buôn.

Theo Phạm Tấn/thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast