Dự đoán kịch bản cuộc trưng cầu ý dân tại Italy

Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về việc cải cách Hiến Pháp tại Italy, giới phân tích cũng như người dân tại đây tỏ ra chia rẽ về kết quả của cuộc bỏ phiếu gây nhiều tranh cãi này.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm làm sáng tỏ tầm quan trọng của kế hoạch cải cách hiến pháp vốn đang có nguy cơ bị thất bại, hàng loạt tin tức được phát ra bao gồm các bài xã luận, phân tích, dự báo… Vào thời điểm chiến dịch vận động nóng bỏng kết thúc, cả hai phe ủng hộ cải cách và phản đối cải cách đều kêu gọi sự hỗ trợ của giới chuyên gia nhằm nỗ lực giành được số lượng ủng hộ nhiều nhất có thể từ các cử tri còn dao động, ước tính vẫn chiếm từ 15-25% tổng số cử tri.

Có thể lý giải xu thế này bằng ít nhất hai nhân tố chính.

Thứ nhất, cuộc cải cách thể hiện một sự thay đổi đáng kể đối với Hiến pháp Italy kể từ khi nó bắt đầu được ban hành vào năm 1948, và sẽ tái định hình một cách sâu sắc hình thái cũng như cơ quan lập pháp của đất nước.

Thứ hai, số phận của Thủ tướng Matteo Renzi và nội các của ông phụ thuộc vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý, để xem cuộc cải cách này có được người dân chấp thuận hay không.

Quốc hội Italy đã thông qua luật cải cách hiến pháp, song đến nay câu trả lời cuối cùng của người dân mới mang tính quyết định. Họ sẽ có hai lựa chọn: hoặc chấp nhận nó, hoặc cự tuyệt nó. Nếu được thông qua, một sự thay đổi quan trọng sẽ đồng nghĩa với sự thu hẹp quyền hạn của Thượng viện thành một bộ phận nhỏ hơn chỉ phụ trách các vấn đề địa phương. Hiện nay, hai viện của Italy có quyền hạn ngang nhau, và các dự luật cần phải thay đổi điều này và cần được thông qua bằng văn bản để có thể trở thành luật chính thức. Nói cách khác, nếu việc cải cách được người dân ủng hộ, cái gọi là “chế độ lưỡng viện hoàn hảo” sẽ kết thúc. Các ghế trong Thượng viện sẽ bị giảm từ 315 xuống còn 100, và các thượng nghị sĩ sẽ không còn quyền hạn để lật đổ chính phủ cũng như quyền biểu quyết trong các vấn đề quan trọng của đất nước.

du doan kich ban cuoc trung cau y dan tai italy

Người dân Italy tham gia cuộc biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp ở Rome ngày 27/11. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Tiến sĩ Christian Blasberg, nhà nghiên cứu tại trường Đại học LUISS và Lịch sử Hội nhập châu Âu tại Rome, mục tiêu hàng đầu của sự cải cách này là nhằm ổn định chính phủ. Ông nói: “Một trong những vấn đề lớn nhất của Italy luôn là sự bất ổn của các chính phủ. Đất nước đã có tới khoảng 68 nội các chỉ trong vòng gần 70 năm, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cần phải thay đổi điều này để trao thêm cơ hội cho chính phủ để có thể duy trì ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn, có nghĩa là 5 năm kể từ sau một cuộc bầu cử quốc hội cho đến khi một quốc hội mới được bầu ra".

Trong khi đó, phân tích về nguy cơ tiềm tàng của sự thay đổi này, chuyên gia kỳ cựu Vera Capperucci, Giảng viên môn Lịch sử và các đảng phải chính trị thuộc Đại học LUISS, chỉ ra ít nhất 3 rủi ro chính. Bà nói: “Trước hết, bất chấp ý muốn của chính phủ nhằm đơn giản hóa tiến trình ban hành luật pháp, phạm vi quyền hạn mới của Thượng viện vẫn có nguy cơ sẽ làm phức tạp thêm thủ tục lập pháp”.

Thứ hai, các ghế của Thượng viện thực tế có thể bị giảm xuống còn 100 ghế, song điều này vẫn là chưa đủ nếu xét về mục tiêu cắt giảm chi phí: “Việc cắt giảm này tương đương với giảm bớt 1/5 chi phí hiện nay, song vậy là chưa đủ so với những gì mà người dân lâu nay vẫn mong muốn”, bà Capperucii nói. Thêm vào đó, chuyên gia này cho biết hiện vẫn chưa rõ việc chọn ra các thượng nghị sĩ mới – những người được bầu chọn trong số các thị trưởng và thành viên của các hội đồng địa phương – sẽ như thế nào.

Thứ ba, và có lẽ là vấn đề quan trọng nhất, đó là hệ thống của Italy có thể sẽ đánh mất đi cơ chế kiểm soát và cân đối quyền lực, vốn được thiết lập kể từ sau khi chế độ phát xít chấm dứt để củng cố chế độ dân chủ. Bà Capperucci nhấn mạnh: “Chắc chắn sự cân bằng giữa các quyền lực khác nhau trong nhà nước sẽ phần nào bị suy giảm. Nó là kết quả của một thực tế rằng nội các phải phụ thuộc vào sự tín nhiệm của một hội đồng duy nhất”.

Liên quan đến việc cắt giảm chi phí, chiến dịch này đã tập trung nhấn mạnh vào thực tế rằng Italy một trong các quốc gia có bộ máy quốc hội cồng kềnh nhất châu Âu và trên thế giới với 945 thành viên được bầu chọn. Theo Tiến sĩ Blasberg, mục tiêu này đáng được đặc biệt quan tâm: “Lý lẽ quan trọng được đưa ra biện luận cho việc giảm bớt phạm vi quyền lực của Thượng viện chính là chi phí chính trị, vốn luôn rất cao ở Italy, trong khi việc cắt giảm từ 315 xuống còn 100 ghế đồng nghĩa với sự cắt giảm chi phí đáng kể”.

Tuy nhiên, chuyên gia Blasberg cũng cho rằng dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân có thế nào thì nó cũng sẽ mang tới một số rủi ro nhất định: “Tùy theo tỷ lệ phiếu bầu cuối cùng, tôi có thể nhìn ra những kịch bản khác nhau. Nếu phe phản đối chiến thắng với tỷ lệ sít sao, Thủ tướng Renzi có thể sẽ không từ chức, nhưng chính phủ của ông sẽ bị tổn hại nặng nề… Và ông ấy có thể sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu sớm vào đầu năm 2017. Nếu phe phản đối chiến thắng với tỷ lệ áp đảo, điều mà tôi cho là sẽ xảy ra, thì ông Renzi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức”.

Về phần mình, chuyên gia Capperucci lại nhìn thấy hai nguy cơ lớn nếu phe ủng hộ cải cách giành chiến thắng. “Trong trường hợp này, đất nước sẽ bị nhấn chìm trong một hiến pháp không được ủng hộ rộng rãi, và đây thực sự là một vấn đề bởi nó thể hiện rằng thể chế Italy được thiết lập dựa trên một nền tảng đồng thuận yếu kém”, bà nói. Tiếp đến, “nguy cơ thứ hai nảy sinh từ sự chia rẽ mà cuộc vận động trưng cầu ý dân đã gây ra trong xã hội Italy”, bà nói thêm.

Tuy nhiên, có một điều mà chuyên gia này chắc chắc là việc phe phản đối giành chiến thắng, và hậu quả của sự cự tuyệt đối với cải cách hiến pháp này sẽ không ảnh hưởng đến tư cách thành viên của Italy tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Bà nói: “Sự thực là mặt trận chống khu vực đồng tiền chung mới phát triển trong thời gian gần đây tại Italy cũng như một số nước khác, như một kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và các chính sách kinh tế khắc khổ của Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên, tôi không thấy có mối quan hệ nào giữa cuộc trưng cầu ý dân này với vấn đề tư cách thành viên của Italy tại khu vực đồng euro cả”.

Trong khi đó, theo đài RFI, cuộc trưng cầu ý dân tại Italy cũng gây hoang mang đối với các định chế châu Âu, với lo ngại rằng một chiến thắng của phe phản đối có thể đẩy châu Âu vào một giai đoạn bất trắc mới. Phóng viên RFI từ Brussels đưa tin cho biết các lãnh đạo châu Âu hiện đang vận động ủng hộ Thủ tướng Renzi để tránh điều tồi tệ này xảy ra. “Rủi ro ngân hàng là điều khiến các định chế châu Âu lo ngại nhất. Chiến thắng của phe phản đối, và hệ quả bất ổn chính trị tiếp theo, có thể gây khó khăn lớn cho việc tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ ba của đất nước là Monte dei Paschi, và như vậy đe dọa toàn bộ hệ thống ngân hàng Italy. Những người bi quan nhất lo ngại một hệ quả dây chuyền đối với các định chế tài chính khác của khu vực đồng euro".

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast